Thuốc Ciazil có thành phần chính là Epirubicin hydrochloride đáp ứng rộng rãi trong điều trị các bệnh tân sinh như: lympho ác tính, ung thư vú, sarcome mô mềm, ung thư gan, dạ dày, tụy, trực tràng sigma, ung thư phổi, ung thư đồi và cổ, ung thư buồng trứng và bệnh bạch cầu. Thuốc được bào chế dưới dạng tiêm tĩnh mạch hoặc nhỏ giọt vào bàng quang.
1. Thuốc Ciazil là thuốc gì?
Thuốc Ciazil có thành phần chính là hoạt chất Epirubicin hydroclorid, một loại kháng sinh Anthracycline mới có hoạt tính kháng nguyên bào. Với thành phần của mình, Ciazil thường được chỉ định cho một số trường hợp như:
- Ung thư vú;
- Ung thư buồng trứng tiến triển;
- Ung thư phổi tế bào nhỏ;
- Ung thư dạ dày;
Khi dùng qua đường bàng quang, hoạt chất Epirubicin đã được chứng minh là có lợi ích trong điều trị các bệnh:
- Ung thư tế bào biểu mô chun giãn thể nhú ở bàng quang;
- Ung thư biểu mô tại chỗ trong ung thư bàng quang;
- Dự phòng tái phát ung thư bề mặt bàng quang sau phẫu thuật cắt qua niệu đạo.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Ciazil
Thuốc Ciazil chỉ được dùng qua 2 đường: tiêm truyền tĩnh mạch hoặc nhỏ giọt vào bàng quang. Không dùng để tiêm bắp thịt hoặc tiêm dưới da vì kích ứng mô rất mạnh.
Khi dùng Epirubicin hydrochloride đơn liều
- Liều thông thường cho người lớn: tiêm tĩnh mạch 60-90mg/m2 trong 3-5 phút. Tùy vào tủy, máu của bệnh nhân, nên lặp lại liều điều trị sau 3 tuần;
- Liều thấp hơn 60-75mg/m2 khuyến nghị dùng cho bệnh nhân suy tủy do hóa chất hay xạ trị, do tuổi già hay do ung thư xâm lấn tủy xương;
Nếu dùng Epirubicin phối hợp với thuốc kháng ung thư khác, nên giảm liều cho phù hợp để tránh gia tăng độc tính ở gan. Cụ thể:
- Bệnh nhân suy gan trung bình (bilirubin: 1,4-3mg/100ml hay độ lưu BSP: 9-15%): Cần giảm 50% liều dùng;
- Bệnh nhân suy gan nặng (bilirubin > 3mg/100ml hay độ lưu BSP > 15%): Cần giảm 75% liều dùng.
Lưu ý:
- Tổng liều có thể chia ra để tiêm truyền trong 2-3 ngày liên tục;
- Không cần giảm liều đối với bệnh suy thận vừa;
- Không được trộn Epirubicin hydrochloride với thuốc Heparin do bất tương hợp về mặt hóa học và có thể gây kết tủa;
- Có thể dùng phối hợp Epirubicin hydrochloride với các thuốc kháng ung thư khác nhưng không khuyến cáo trộn chung trong cùng một ống truyền.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ciazil
Ngoài 2 tác dụng phụ chính là chèn ép tủy và gây độc tính ở tim, thuốc Ciazil có thể còn gây ra các tác dụng phụ khác như:
- Rụng tóc (có thể hồi phục khoảng 60-90% trường hợp);
- Viêm niêm mạc (có thể xảy ra từ 5-10 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, thường là viêm miệng, lở loét dọc theo niêm mạc lưỡi và dưới lưỡi);
- Rối loạn đường tiêu hóa, buồn nôn và nôn, tiêu chảy;
- Tăng thân nhiệt.
4. Các lưu ý khi dùng thuốc Ciazil
Chống chỉ định dùng thuốc Ciazil đường tiêm truyền tĩnh mạch cho các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với các Hydroxybenzoate, thành phần Epirubicin, với các Anthracycline, các Anthracenedione hoặc bất kỳ thành phần khác của chế phẩm;
- Bệnh nhân chèn ép tủy nặng do điều trị với các thuốc kháng ung thư hay xạ trị trước đó;
- Bệnh nhân điều trị với liều tối đa gây tích tụ các Anthracycline khác như Daunorubicin hay Doxorubicin;
- Người có tiền sử hoặc đang mắc loạn nhịp tim, suy cơ tim nặng;
- Người bị nhồi máu cơ tim gần đây, hội chứng mạch vành cấp (đau thắt ngực thể không ổn định);
- Bệnh nhân suy gan nặng;
- Bệnh nhân suy tủy kéo dài;
- Bệnh nhân nhiễm trùng toàn thân cấp tính;
- Phụ nữ có thai;
- Phụ nữ cho con bú;
- Bệnh nhân có lượng bạch cầu trung tính dưới 1,5x 109/lít (1500/mm3);
Chống chỉ định dùng thuốc Ciazil đường bàng quang cho các trường hợp sau:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu;
- Có khối u xâm lấn vào bàng quang;
- Có các vấn đề liên quan đến thông đường tiểu;
- Viêm bàng quang;
- Tiểu ra máu;
- Bàng quang bị co nhỏ;
- Thể tích nước tiểu còn sót lại trong bàng quang lớn.
Nhìn chung, điều trị bằng Epirubicin nói chung cần được chỉ định và giám sát điều trị thường xuyên bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Trước khi điều trị bằng Epirubicin, bệnh nhân cần được hướng dẫn hồi phục các tình trạng độc tính cấp như: viêm miệng, viêm niêm mạc, giảm bạch cầu trung tính, giảm nhiễm khuẩn và giảm tiểu cầu đến từ các việc điều trị gây độc tế bào trước đó.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.