Chichar được biết đến là thuốc điều trị tiêu chảy ở trẻ em. Thuốc được điều chế dưới dạng cốm gói, rất dễ dùng và dễ uống cho trẻ nhỏ. Để thuốc mang đến tác dụng tốt trong việc điều trị, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên tắc và cơ chế hoạt động của thuốc Chichar.
1. Thành phần và công dụng thuốc Chichar
Thuốc Chichar có thành phần chính là Racecadotril 30mg. Racecadotril được biết đến là tiền dược, sẽ bị thủy phân để chuyển thành chất chuyển hóa thiorphan có hoạt tính và đây cũng là chất ức chế enkephalinase. Khi đi vào cơ thể, Racecadotril giúp enkephalin không bị bẻ gãy bởi enzym, do đó kéo dài thời gian hoạt động của enkephalinergic synapse ở ruột non và giảm được sự bài tiết quá mức.
Racecadotril có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị tiêu chảy cấp mà không ảnh hưởng đến quá trình đi qua ruột của phân. Trong quá trình sử dụng, thuốc Chichar được đánh giá là khá an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Với thành phần và hoạt chất trên, thuốc Chichar thường được chỉ định điều trị tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Việc dùng thuốc với liều lượng ra sao sẽ được dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi và cân nặng của từng bé.
2. Liều dùng thuốc Chichar
Thuốc Chichar sử dụng bằng đường uống. Trước tiên, cha mẹ pha cần pha gói cốm trực tiếp ra cốc với một lượng nước lọc vừa đủ, khuấy cho thuốc tan đều, sau đó cho bé uống. Liều lượng có thể tham khảo như sau:
- Trẻ em nặng từ 13-27kg: Sử dụng 1 gói x 3 lần/ngày.
- Trẻ em nặng trên 28kg: Sử dụng 2 gói x 3 lần/ngày.
Hoặc cũng có thể dùng thuốc cho con theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ đã kê trong đơn.
Thông thường sau thời gian 5 ngày dùng thuốc, tình trạng đi ngoài của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể. Nếu sau 7 ngày con vẫn đi ngoài và không có dấu hiệu thay đổi cha mẹ cần dừng việc cho con uống thuốc và đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám. Thuốc Chichar khuyến cáo không nên dùng quá 7 ngày, vì thế cha mẹ cần hết sức lưu ý, không lạm dụng hay dùng thuốc quá liều có thể gây ra những ảnh hưởng không mấy tích cực đến sức khỏe trẻ.
3. Những lưu ý khi dùng thuốc cốm Chichar
Để quá trình dùng thuốc Chichar đạt được hiệu quả tốt, cha mẹ nên chú ý tới một vài vấn đề sau:
3.1 Đối tượng chống chỉ định dùng thuốc Chichar
- Thuốc Chichar không được dùng cho đối tượng trẻ nhỏ quá mẫn cảm với thành phần của thuốc
- Không dùng cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi
- Đối tượng bà mẹ đang mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, để đánh giá xem hiệu quả cùng sự an toàn của thuốc dành cho đối tượng này.
- Trẻ mẫn cảm với thành phần của thuốc không nên dùng Chicha
3.2 Tác dụng phụ khi dùng thuốc Chichar
Thuốc Chichar khá lành tính và gần như tỉ lệ gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc là rất ít. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần hết sức cẩn trọng theo dõi con trong thời gian dùng thuốc nếu nhận thấy những phản ứng lạ như: con nổi ban đỏ, ngứa, sưng amidan thì cần cho trẻ tới các trung tâm y tế để kiểm tra.
Đối tượng chủ yếu xảy ra các phản ứng phụ được xác định là những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm hoặc cha mẹ lạm dụng thuốc Chichar trong điều trị. Trường hợp dùng thuốc đủ liều, đúng lượng theo hướng dẫn sẽ rất ít gặp tác dụng phụ.
3.3 Quên liều và quá liều thuốc
Quên liều và quá liều là vấn đề có thể gây ra những phản ứng không mấy tích cực cho sức khỏe trẻ. Khi gặp trường hợp này cha mẹ nên chú ý như sau:
- Quên liều: Trường hợp trẻ quên liều trong thời gian ngắn, chưa quá 2 tiếng, cha mẹ nên cho con uống bù thuốc vào liều đã quên. Nếu thời gian quên quá 2 tiếng cha mẹ nên bỏ qua liều thuốc đó và dùng ở những liều sau như bình thường.
- Quá liều: Sức đề kháng của trẻ còn khá non nớt nên nếu tình trạng quá liều xảy ra được coi là khá nguy hiểm cho sức khỏe bé. Nếu nhận thấy quá liều cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ để trao đổi và tìm hướng xử lý. Bên cạnh đó cần theo dõi sức khỏe con thường xuyên trong giai đoạn này nếu có những bất thường cần đưa tới các trung tâm y tế gần nhất.
3.4 Lưu ý trong quá trình dùng thuốc Chichar điều trị tiêu chảy cho trẻ
Việc bù nước rất quan trọng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em, do đó trong quá trình điều trị bằng thuốc cha mẹ nên thường xuyên bổ sung nước cho con. Có thể nước từ sữa, hoa quả, trái cây, cháo loãng.... Việc bù nước trong thời điểm con đi ngoài sẽ giúp bệnh cải thiện nhanh hơn.
Trường hợp con vừa uống thuốc và bị nôn hết ra hoàn toàn, cha mẹ cần lấy gói thuốc khác cho trẻ uống bù ngay lập tức.
Cần theo dõi nếu con đi ngoài kèm theo triệu chứng sốt, phát ban da... cha mẹ nên đưa con tới các bệnh viện để được kiểm tra, bởi đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác, thay vì chỉ là đi ngoài đơn thuần.
Đối tượng trẻ bị suy gan, suy thận không nên dùng thuốc Chichar, bởi nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thuốc Chichar của trẻ là dạng cốm nên cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng hay ẩm ướt, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới kết cấu thuốc.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Chichar, cha mẹ trước khi dùng cần tìm hiểu kỹ để quá trình dùng thuốc cho con được an toàn và đạt hiệu quả tích cực nhất. Nếu còn thêm những thắc mắc gì có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.