Cezirnate là thuốc kháng sinh được chỉ định trong các nhiễm khuẩn thể nhẹ đến vừa ở đường hô hấp dưới như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng,... Để hạn chế nguy cơ tác dụng phụ, bạn cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
1. Cezirnate là thuốc gì?
Cezirnate chứa thành phần chính là Cefuroxim là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 2. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn tốt trên các dòng vi khuẩn gram âm như: Enterobacter, Escherichia coli, Klebsiella, Neisseria, Haemophilus Influenzae; các cầu khuẩn Gram dương;...
Thành phần Cefuroxime hoạt động qua cơ chế ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein thiết yếu, từ đó làm vi khuẩn không thể nhân lên.
Sau khi uống, Cezirnate hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa và được thủy phân ở niêm mạc ruột và phóng thích vào hệ tuần hoàn. Thuốc có thể qua dịch não tủy, nhau thai và sữa mẹ. Cuối cùng thuốc được thải trừ qua đường tiết niệu dưới dạng không biến đổi.
2. Chỉ định của thuốc Cezirnate
Thuốc Cezirnate được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Viêm tai giữa;
- Viêm amidan;
- Viêm xoang tái phát;
- Viêm họng cấp;
- Viêm phế quản cấp có bội nhiễm;
- Viêm phổi cộng đồng;
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: viêm niệu đạo, viêm bàng quang,...;
- Viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo cấp do lậu;
- Đinh nhọt, chốc lở, viêm da mủ.
3. Chống chỉ định của thuốc Cezirnate
Thuốc Cezirnate không được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân dị ứng với thành phần Cefuroxime của thuốc hoặc bất cứ thuốc nào của nhóm kháng sinh Cephalosporin.
4. Tương tác của thuốc Cezirnate
- Sử dụng thuốc Probenecid liều cao làm tăng nồng độ của Cezirnate trong máu.
- Các kháng sinh nhóm Aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu mạnh (như furosemid) khi dùng chung với Cezirnate có thể làm tăng độc tính trên thận.
- Cezirnate có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột
- Cezirnate có thể làm giảm tái hấp thu estrogen, do đó làm giảm tác dụng của các thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và progesteron.
- Phối hợp Ranitidin, natri bicarbonat với Cezirnate làm giảm tác dụng diệt khuẩn của thuốc.
- Các thuốc kháng acid hoặc thuốc phong bế H2 nên dùng cách 2h sau khi uống Cezirnate do làm tăng pH dạ dày.
- Không chỉ định Cezirnate cho bệnh nhân đang điều trị bằng Penicillin.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
- Uống thuốc nguyên viên, không nghiền nát thuốc.
- Uống thuốc trong bữa ăn để tăng tác dụng.
Liều dùng:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: 1-2 viên x 2 lần/ ngày. Dùng trong 7-10 ngày.
- Bệnh Lyme mới mắc: Uống 2 viên x 2 lần/ ngày. Dùng trong 20 ngày.
- Bệnh lậu chưa có biến chứng: Uống liều duy nhất 4 viên (viên 250mg).
- Trẻ em nhiễm khuẩn đường hô hấp: Liều 20mg/kg/ngày (tối đa 500mg/ngày) chia làm 2 lần uống/ ngày. Dùng trong 7-10 ngày.
- Bệnh nhân suy thận đang lọc máu: Liều tối đa 1g/ngày.
6. Tác dụng phụ của thuốc Cezirnate
Khi điều trị bằng thuốc Cezirnate có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn sau:
Tác dụng phụ thường gặp
- Tiêu chảy;
- Nổi ban dạng sần, ban đỏ da, ngứa.
Tác dụng phụ ít gặp
- Phản ứng phản vệ;
- Nhiễm nấm Candida vùng hầu họng;
- Tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu trung tính, test Coomb dương tính;
- Buồn nôn, nôn;
- Nổi mày đay.
Tác dụng phụ hiếm gặp
- Viêm đại tràng màng giả mạc;
- Đau đầu, co giật, kích động;
- Đau nhức xương khớp;
- Hội chứng Steven — Johnson;
- Thiếu máu tan máu;
- Tăng men gan;
- Suy thận cấp, viêm thận kẽ;
- Nhiễm khuẩn, nhiễm nấm âm đạo.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cezirnate
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với nhóm beta-lactam khi buộc phải dùng thuốc nên thận trọng;
- Các thuốc lợi tiểu khi dùng chung với Cezirnate có thể ảnh hưởng đến chức năng thận;
- Cezirnate điều trị dài ngày gây tình trạng kháng thuốc ở các chủng vi khuẩn nhạy cảm;
- Thuốc qua được nhau thai và sữa mẹ nên cần cân nhắc về lợi ích khi dùng thuốc ở phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Như vậy, Cezirnate là kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng nên được chỉ định rộng rãi trong các nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiếu niệu, sinh dục. Tuy nhiên, để tránh tình trạng kháng thuốc cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.