Cefam được chỉ định hỗ trợ điều trị cho các bệnh như: Viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da, nhiễm khuẩn xương khớp, viêm phúc mạc... Tham khảo bài viết dưới đây để biết cách sử dụng và liều lượng an toàn cho người bệnh.
1. Cefam là thuốc gì?
Cefam là thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và nấm.... Thuốc có thành phần chính là Cefamandole- lg dạng bào chế bột pha tiêm; được sản xuất bởi Mitim s.r.l - Ý và lưu hành tại Việt Nam với số đăng ký VN-2801-07.
Cefamandole có hoạt tính diệt khuẩn là do ức chế sự tổng hợp thành tế bào với hầu hết các vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
2. Công dụng của thuốc Cefam?
Với thành phần chính là Cefamandole- lg và cơ chế ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, thuốc Cefam được chỉ định điều trị cho các bệnh do các vi khuẩn nhạy cảm gây nhiễm khuẩn nặng như:
- Nhiễm khuẩn hô hấp: Viêm phổi do S. pneumoniae, H. influenzae, Klebsiella spp., S. aureus gây ra;
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: Gây ra bởi E. coli, Proteus spp., Enterobacter spp., Klebsiella spp., Streptococci nhóm D va S. epidermidis;
- Viêm phúc mạc: Do E. coli và Enterobacter spp. gây ra;
- Nhiễm khuẩn máu: Do E. coli, S. aureu, S. pneumoniae, S. pyogenes, H. influenzae, va Klebsiella spp;
- Nhiễm khuẩn da - cấu trúc da: Do S. aureus, S. pyogenes,...;
- Nhiễm khuẩn xương và khớp: Do S. aureus.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Cefam
Cách sử dụng thuốc Cefam:
Đối với Cefam dạng tiêm, người dùng có thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu vào cơ mông hay phía bên cơ đùi để giảm đau.
- Tiêm bắp: Hòa 1g Cefam cùng 3ml nước cất pha tiêm (dung môi) hoặc nước muối sinh lý nồng độ 0.9%. Lắc kỹ cho tan hết trước khi tiêm;
- Tiêm tĩnh mạch trực tiếp: Hòa tan lg Cefamandol với 10ml nước cất pha tiêm, 5% Dextrose hoặc muối sinh lý 0.9%. Tiêm từ từ vào tĩnh mạch trong thời gian từ 3 đến 5 phút;
- Tiêm truyền tĩnh mạch liên tục: Hòa tan lg Cefamandole với 10ml nước cất pha tiêm, lấy một lượng vừa đủ hòa tan vào chai truyền tĩnh mạch.
Nên dùng theo chỉ định của bác sĩ để đúng liều lượng phù hợp cho cơ thể.
Liều dùng thuốc Cefam:
- Người lớn: Dùng 1g hoặc 2g tiêm tĩnh mạch, có thể tiêm bắp, thời gian tiêm là 30 phút đến 1 giờ trước khi phẫu thuật, sau đó dùng tiếp 1g (hoặc 2g) mỗi 6 giờ trong 24 - 48 giờ. Nếu nhiễm trùng nặng, dùng 2g/ 4 giờ, dùng tối đa 12g/ ngày;
- Trẻ em từ 3 tháng trở lên: Dùng 50 - 100mg/ kg/ ngày;
- Chia liều: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 30 phút đến 1 giờ trước khi phẫu thuật, sau đó dùng tiếp trong mỗi 6 giờ trong 24 - 48 giờ;
- Nếu nhiễm trùng nặng: Dùng 150mg/ kg/ ngày;
- Đối với bệnh nhân suy thận hoặc các trường hợp đặc biệt khác, nên sử dụng liều duy trì với liều lượng theo chỉ định từ bệnh viện hoặc bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo chi tiết và chính xác nhất.
4. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Cefam
Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như: Ðau tại chỗ, viêm tĩnh mạch, phản ứng da, phù vận mạch, sốc phản vệ, co thắt phế quản, đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài lỏng.
Trong trường hợp sử dụng quá liều hoặc người bệnh suy thận có những biểu hiện co giật, nên ngưng thuốc ngay và đến cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý.
Bài viết đã cung cấp thông tin thuốc Cefam có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Cefam theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.