Cedex là thuốc điều trị ho có đờm, ho do dị ứng, kích thích đường hô hấp. Thuốc Cedex chứa 3 hoạt chất chính là Guaifenesin 100mg; Cetirizin hydroclorid 5mg; Dextromethorphan hydrobromid 15mg. Cùng tìm hiểu cách dùng thuốc Cedex trong bài viết dưới đây.
1. Cedex là thuốc gì?
Thuốc Cedex có thành phần chính là Guaifenesin 100mg; Cetirizin hydroclorid 5mg; Dextromethorphan hydrobromid 15mg.
- Guaifenesin có tác dụng long đờm nhờ kích ứng niêm mạc dạ dày, sau đó tăng tiết dịch ở đường hô hấp, làm tăng thể tích và giảm độ nhớt của dịch tiết. Nhờ vậy, thuốc làm tăng hiệu quả của phản xạ ho và giúp dễ tống đờm ra ngoài. Thuốc được chỉ định để điều trị triệu chứng ho có đờm quánh đặc khó khạc do cảm lạnh, viêm nhẹ đường hô hấp trên. Thuốc thường được kết hợp với các thuốc giãn phế quản, thuốc chống sung huyết mũi, kháng histamin, thuốc ho opioat.
- Cetirizin hydroclorid: có tác dụng đối kháng mạnh và chọn lọc ở thụ thể H1 ngoại vi, certirizin ức chế giai đoạn sớm của phản ứng dị ứng qua trung gian histamin và giảm giải phóng các chất trung gian ở giai đoạn muộn của phản ứng dị ứng.
- Dextromethorphan hydrobromid: là thuốc giảm ho có tác dụng trên trung tâm ho ở hành não, không có tác dụng giảm đau và nói chung rất ít tác dụng an thần. Thuốc được dùng để giảm ho do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải chất kích thích. Thuốc không có tác dụng long đờm do đó được dùng hiệu quả nhất trong điều trị ho mạn tính, khôn có đờm.
2. Công dụng của thuốc Cedex
Thuốc Cedex được chỉ định trong điều trị: Ho có đờm, ho do họng và phế quản bị kích thích khi cảm lạnh thông thường hoặc ho do dị ứng, do hít phải chất gây kích ứng đường hô hấp.
Thuốc Cedex chống chỉ định trên các đối tượng sau:
- Người mẫn cảm với Guaifenesin; Cetirizin hydroclorid; Dextromethorphan hydrobromid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Phụ nữ có thai, cho con bú.
- Trẻ em dưới 4 tuổi
- Bệnh đang sử dụng thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) vì có thể gây phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí gây tử vong.
- Suy thận giai đoạn cuối.
3. Liều dùng thuốc Cedex
- Người lớn và trẻ em ≥ 6 tuổi: 1 viên x 2 lần/ngày.
- Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi: 1 viên/ngày.
Một số tác dụng không mong muốn của thuốc Cedex như ngủ gà, mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, viêm họng, đỏ bừng, khô miệng, nhức đầu, buồn nôn, sỏi thận (do lạm dụng thuốc).
4. Thận trọng khi dùng thuốc Cedex
Mỗi thành phần trong thuốc Cedex đều có thể gây nên những phản ứng phụ không mong muốn nếu sử dụng không đúng cách. Dưới đây là một số thận trọng khi dùng thuốc mà người bệnh nên “nằm lòng”
Đối với thành phần Guaifenesin:
- Không sử dụng trong các trường hợp ho kéo dài hoặc mạn tính như ở bệnh nhân hút thuốc, bị hen, viêm phế quản mạn tính, khí phế thủng hoặc ho quá nhiều đờm.
- Cần uống nước đầy đủ trong quá trình sử dụng thuốc. Không tự ý dùng thuốc quá 7 ngày mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
- Guaifenesin được coi là không an toàn khi sử dụng cho bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin do thuốc gây rối loạn chuyển hóa porphyrin trên động vật thí nghiệm.
- Sử dụng thuốc trên trẻ em: đã có báo cáo về ngộ độc và quá liều thuốc có thể gây tử vong do dùng các chế phẩm thuốc ho và chữa cảm lạnh không kê đơn có chứa thành phần các chất long đờm cho trẻ nhỏ. Vì vậy không tự ý dùng thuốc Guaifenesin cho trẻ dưới 4 tuổi trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Đối với thành phần Cetirizin hydroclorid:
- Cần phải chỉnh liều ở người suy thận vừa hoặc nặng và người đang thẩm phân thận nhân tạo
- Chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan
- Thận trọng khi dùng cho người lái xe và vận hành máy do tác dụng phụ gây ngủ gà của thuốc. Tránh dùng đồng thời Cetirizin với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương vì làm tăng thêm tác dụng này của thuốc.
Đối với thành phần Dextromethorphan hydrobromid:
- Người bệnh bị ho có quá nhiều đờm, ho mạn tính ở người hút thuốc
- Người có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp
- Thận trọng với trẻ em bị dị ứng
- Lạm dụng và phụ thuộc Dextromethorphan có thể xảy ra (hiếm) đặc biệt do dùng thuốc liều cao kéo dài.
Ngoài ra, thuốc này không sử dụng cho phụ nữ có thai vì chưa có nghiên cứu đầy đủ tác dụng của các thành phần trong chế phẩm đối với đối tượng này. Certirizin bài tiết qua sữa nên không dùng cho phụ nữ cho con bú.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.