Nguyên nhân gây ho đờm vào buổi sáng

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Toàn - Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đa số ho đờm vào buổi sáng không phải là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu nó kéo dài hoặc gây khó thở thì người bệnh phải đi khám bệnh để tìm những nguyên nhân tiềm ẩn và có cách giải quyết triệt để.

1. Các nguyên nhân gây ho có đờm vào buổi sáng

Ho là cách thức cơ thể đào thải, làm sạch các yếu tố kích thích ra khỏi hệ thống hô hấp. Ho đờm vào mỗi buổi sáng là một tình trạng bệnh lý thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể:

  • Cảm lạnh là nguyên nhân gây ho có đờm thường gặp nhất. Trung bình mỗi người sẽ bị cảm lạnh 2-3 lần mỗi năm, đôi lúc lượng đờm quá nhiều do ứ đọng trong đêm sẽ làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, đi kèm với đờm là các triệu chứng: Đau rát họng, đau mỏi người, mệt mỏi, đau đầu, hắt hơi, chảy mũi.
  • Mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Bên cạnh các triệu chứng như cảm cúm thì người bệnh cũng có thể có các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi nhiều, tiếng khò khè, cảm giác tức ngực, ngạt mũi, hội chứng dạ dày ruột.
  • Dị ứng: Là phản ứng miễn dịch với các dị nguyên như bụi, nấm mốc, lông vũ, phấn hoa, các chất thải của vi sinh vật. Các triệu chứng bao gồm: Chảy mũi, ngạt mũi, ho khan, đau đầu, chảy nước mắt, tiếng cò cử, khó thở. Vì mạt bụi có xu hướng sống trong chăn, gối, đệm nên những người dị ứng với mạt bụi thường có triệu chứng ho đờm nặng lên vào buổi sáng.
  • Chảy mũi sau: Là tình trạng cơ thể tăng tiết nhầy nhớt và ứ đọng vùng vòm họng, sau đó sẽ nhỏ giọt xuống cổ họng. Nguyên nhân có thể do lạnh, dị ứng, các thức ăn nhiều chất cay. Triệu chứng bao gồm: Luôn đằng hắng, khụt khịt để làm sạch vùng cổ họng; Ho có đờm vào ban đêm và về sáng; Buồn nôn; Rát cổ họng; Hơi thở hôi.
  • Viêm phế quản: Là tình trạng viêm các đường ống dẫn khí vào phổi, có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Tình trạng cấp tính thường gây nên bởi nhiễm trùng các vi khuẩn, vi rút đường hô hấp. Tình trạng mãn tính thường gây nên do hút thuốc lá. Triệu chứng viêm phế quản bao gồm: Ho có đờm, cảm giác khò khè ở ngực, nặng ngực, sốt nhẹ hoặc ớn lạnh. Những người bị viêm phế quản thường có đờm nhiều lên vào mỗi buổi sáng.
  • Hen suyễn: Là tình trạng phản ứng dị ứng gây nên tình trạng viêm mãn tính, dẫn đến hẹp lòng phế quản, hậu quả là người bệnh sẽ bị khó thở từ nhẹ đến mức có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng hen suyễn bao gồm: Ho có đờm hoặc ho khan, tiếng cò cử, khó thở, nặng ngực, mệt mỏi.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Là tình trạng viêm phế quản mãn hoặc giãn phế nang, bệnh thường gây ra do hút thuốc lá nhiều năm. Triệu chứng chính là ho đờm và khó thở, các triệu chứng kèm theo là tiếng cò cử, tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, bệnh tái phát lại nhiều lần. Ngoài ra, tình trạng thiếu oxy ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn dẫn đến môi tím, móng tay có màu xám, lú lẫn, nói và thở dốc, nhịp tim nhanh. Triệu chứng có thể xuất hiện bất kỳ vào thời điểm nào trong ngày nhưng nặng hơn và thường gặp hơn vào buổi sáng
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Khoảng 25% người bệnh trào ngược dạ dày thực quản bị ho có đờm vào buổi sáng. Tình trạng này xảy ra khi dịch axit của dạ dày chảy ngược vào thực quản và ảnh hưởng đến các triệu chứng ở cổ họng. Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: Ho mãn tính, cảm giác nóng ở ngực hoặc sau khi ăn, đau ngực, nuốt vướng, cảm giác có cục ở trong cổ họng.

Ho có đờm vào buổi sáng có thể do cảm lạnh, dị ứng, hen suyễn,...
Ho có đờm vào buổi sáng có thể do cảm lạnh, dị ứng, hen suyễn,...

2. Cách khắc phục ho có đờm vào buổi sáng

Phương pháp điều trị ho đờm vào buổi sáng quan trọng nhất đó là tìm ra nguyên nhân và điều trị nguyên nhân gây bệnh.

  • Đối với trường hợp cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp thường là do vi rút thì thường sẽ tự khỏi sau một vài ngày. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung vitamin, dinh dưỡng tốt
  • Với nguyên nhân ho đờm do dị ứng thì cần tránh tiếp xúc với dị nguyên, uống thuốc kháng Histamin, thuốc chống ngạt mũi, có thể sử dụng Corticosteroids khi cần thiết.
  • Đối với bệnh phế quản tắc nghẽn thì cần:
  • Bỏ thuốc lá;
  • Uống thuốc giãn phế quản khi có tình trạng nghẽn đường thở;
  • Sử dụng oxy khi có tình trạng thiếu oxy;
  • Sử dụng thuốc kháng sinh khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.
  • Khi nguyên nhân gây ho đờm liên quan đến vấn đề trào ngược dạ dày- thực quản (GERD) thì cần:
  • Thuốc kháng acid;
  • Thuốc ức chế bơm proton;
  • Tránh stress;
  • Hạn chế ăn các thức ăn có tính acid;
  • Chỉ đi nằm sau khi ăn 3 giờ;
  • Nằm ngủ đầu cao 20-30 độ.

Tóm lại, nếu gặp phải tình trạng ho đờm kéo dài hay thậm chí là ho đờm có máu thì mọi người không được chủ quan mà cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai rất nhiều gói khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của khách hàng với chính sách giá rất ưu đãi, bao gồm:

  • Gói khám sức khỏe tổng quát trẻ em
  • Gói khám sức khỏe tổng quát tiêu chuẩn
  • Gói khám sức khỏe tổng quát đặc biệt
  • Gói khám sức khỏe tổng quát VIP
  • Gói khám sức khỏe tổng quát kim cương

Ưu điểm của các gói khám sức khỏe của Vinmec là quý khách hàng sẽ được sàng lọc, tầm soát sức khỏe bởi hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp hỗ trợ chuẩn đoán tốt nhất hiện nay như máy PET/CT, MRI, CT 640, hệ thống máy siêu âm tiên tiến hàng đầu thế giới, hệ thống labo xét nghiệm tiêu chuẩn quốc tế,... Sau khi khám tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý, quý khách hàng có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác tại bệnh viện với chất lượng điều trị vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe