Thuốc Carbimazol được chỉ định trong điều trị bệnh lý tuyến giáp, giúp kiểm soát và dần dần ổn định sức khỏe của người bệnh, khiến cho nhiều bệnh nhân đã an tâm lao động, làm việc hiệu quả hơn. Vậy để tìm hiểu thuốc Carbimazol là thuốc gì? Cách uống thế nào là đúng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng thuốc Carbimazol.
1. Công dụng thuốc Carbimazol là gì?
1.1. Thuốc Carbimazol là thuốc gì?
Thuốc Carbimazol thuộc nhóm thuốc ức chế tuyến giáp, được bào chế dưới dạng viên nén với nhiều hàm lượng khác nhau như 5mg, 10mg, 15mg.
Thuốc Carbimazol được khuyến nghị dùng cho người trưởng thành và có thể dùng cho trẻ em sơ sinh được nhưng cần phải giám sát nghiêm ngặt trong thời gian dùng thuốc.
1.2. Thuốc Carbimazol có tác dụng gì?
Carbimazol có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp, giảm lượng hormon giáp vào tuần hoàn, do đó, làm giảm tình trạng nhiễm độc giáp. Thuốc không ức chế tác dụng của hormon giáp đã hình thành trong tuyến giáp hoặc có trong tuần hoàn, không ức chế giải phóng hormon giáp, cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả của hormon giáp đưa từ ngoài vào. Do đó, thuốc Carbimazol không có tác dụng trong nhiễm độc do dùng quá liều hormon giáp.
Thuốc Carbimazol không chữa được nguyên nhân gây ra cường giáp và thường không được dùng kéo dài để điều trị cường giáp.
Thuốc Carbimazol được các bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp:
- Điều trị triệu chứng cường giáp (kể cả bệnh Graves-Basedow).
- Điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp, cho tới khi chuyển hoá cơ bản bình thường, để đề phòng cơn nhiễm độc giáp có thể xảy ra khi cắt bán phần tuyến giáp.
- Điều trị bổ trợ trước và trong khi điều trị iod phóng xạ (131I) cho tới khi liệu pháp này có tác dụng loại bỏ tuyến giáp.
- Điều trị cơn nhiễm độc giáp (nhưng propylthiouracil thường được chỉ định hơn) trước khi dùng muối iod. Thường dùng đồng thời với thuốc chẹn beta, đặc biệt khi có các triệu chứng tim mạch (Ví dụ nhịp tim nhanh).
2. Cách sử dụng của thuốc Carbimazol
2.1. Cách dùng thuốc Carbimazol
- Nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc.
- Thuốc Carbimazol có thể uống trước hoặc sau bữa ăn đều được, sử dụng thuốc này khi đói cũng không lo bị kích ứng dạ dày.
- Sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày, như vậy sẽ tránh được tình trạng quên liều sử dụng mỗi ngày.
- Thời gian điều trị có thể kéo dài trong vòng 6 tháng và cũng có thể kéo dài đến 18 tháng. Đó là tùy vào tình trạng bệnh tình của người bệnh và cũng là theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối bạn không nên tự ý kéo dài liều sử dụng.
2.2. Liều dùng của thuốc Carbimazol
Carbimazol không thể điều trị được nguyên nhân gây cường giáp, vì vậy, nếu sau khi dùng thuốc được 12 đến 18 tháng ( thường dưới 24 tháng) mà tình trạng nhiễm độc giáp vẫn còn thì phải cắt bỏ giáp hoặc dùng iod phóng xạ.
Liều dùng đối với người lớn
- Sử dụng liều khởi đầu chia làm 2 - 3 liều mỗi ngày, dùng 20 - 60mg. Khoảng cách giữa các liều dùng là 6 giờ để đảm bảo thuốc phát huy hết tác dụng và an toàn cho người dùng tránh bị quá liều.
- Carbimazol thường cải thiện được triệu chứng bệnh sau 1 - 3 tuần, và chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường sau 1 - 2 tháng. Khi hoạt động của tuyến giáp của người bệnh trở lại bình thường thì giảm liều dần, cho đến liều thấp nhất và vẫn giữ được chức năng tuyến giáp bình thường. Thông thường, liều duy trì là 5 - 15mg mỗi ngày tùy theo người bệnh.
- Khi điều chỉnh để được duy trì, cần chú ý: Nếu dùng liều duy trì thấp quá, cường giáp lại xuất hiện hoặc tiến triển càng nặng lên; nếu liều duy trì cao quá, sẽ làm giảm năng giáp, tăng TSH, tăng thể tích bướu giáp.
- Thời gian điều trị thường là 12 - 18 tháng.
Liều dùng đối với trẻ em
- Trẻ từ 0 - 1 tuổi: 250mcg Carbimazol/kg x 3 lần/ngày.
- Trẻ từ 1 - 4 tuổi: 2.5mg Carbimazol x 3 lần/ngày.
- Trẻ từ 5 - 12 tuổi: 5mg Carbimazol x 3 lần/ngày.
- Trẻ từ 13 - 18 tuổi: 10mg Carbimazol x 3 lần/ngày.
Carbimazol liên quan đến suy tủy xương và việc điều trị phải được dừng ngay lập tức nếu như có bất cứ dấu hiệu nào của sự giảm bạch cầu trung tính. Người thân của trẻ phải được yêu cầu thông báo những triệu chứng và dấu hiệu của sự nhiễm trùng, đặc biệt là viêm họng. Thực hiện việc đếm công thức bạch cầu mỗi 3-6 tháng nếu như có dấu hiệu lâm sàng của sự nhiễm trùng.
Sau một thời gian dài điều trị, khi thấy các biểu hiện lâm sàng giảm, xác định hàm lượng các hormon giáp, nếu ngừng thuốc mà bệnh tái phát, phải dùng thuốc trở lại, hoặc điều trị bằng phương pháp khác.
Mặt khác, các thuốc bị quên có thể uống trong khoảng 1 đến 2 giờ so với chỉ định trong đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu đã quá xa thời điểm cần uống thuốc thì không nên uống bù hay gấp đôi liều có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Tốt hơn hết là nên bỏ qua liều đã quên và bắt đầu uống tiếp liều tiếp theo.
Ngoài ra, dùng Carbimazol với liều cao và kéo dài sẽ gây ra rất nhiều tai biến hay các tác dụng phụ không mong muốn, nhưng với mức độ nặng hơn. Nghiêm trọng nhất là mất bạch cầu hạt, suy tủy; đặc biệt là có thể dẫn đến tăng TSH, giảm chức năng tuyến giáp, tăng thể tích của bướu giáp.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường xảy ra trong khi dùng thuốc cần liên hệ với bác sĩ điều trị nếu cần có thể can thiệp bằng các biện pháp y tế, điều trị triệu chứng, có thể sẽ phải dùng corticoid hoặc kháng sinh, truyền máu nếu có suy tủy và giảm bạch cầu nặng.
3. Chống chỉ định của thuốc Carbimazol
- Mẫn cảm với carbimazol hoặc các dẫn chất Thioimidazole như Thiamazol.
- Ung thư tuyến giáp phụ thuộc TSH.
- Suy tủy, giảm bạch cầu nặng.
- Suy gan nặng.
- Tổn thương tủy xương hoặc viêm tụy (viêm tụy) trong quá khứ sau khi dùng carbimazole hoặc Thiamazol.
- Tắc nghẽn mật (ứ mật)
- Dùng hormone tuyến giáp khi mang thai
4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Carbimazol
4.1. Lưu ý chung
- Phải có bác sĩ chuyên khoa chỉ định sử dụng và theo dõi trong suốt quá trình điều trị.
- Cần theo dõi số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu, chức năng gan trước khi bắt đầu điều trị và hàng tuần trong 6 tháng đầu điều trị vì có thể xảy ra suy tủy, giảm bạch cầu nặng, nhất là người bệnh cao tuổi hoặc dùng liều từ 40 mg mỗi ngày trở lên.
- Theo dõi thời gian Prothrombin trước và trong quá trình điều trị nếu thấy xuất huyết, đặc biệt là trước phẫu thuật.
- Phải hết sức thận trọng khi dùng Carbimazol cho người đang dùng các thuốc đã biết là dễ gây mất bạch cầu hạt.
- Dùng thuốc kháng giáp liều quá cao có thể gây ra giảm năng giáp và bướu giáp.
- Có khả năng xảy ra mẫn cảm chéo giữa các thuốc kháng giáp (khoảng 50%). Vì vậy, cần lưu ý khi thay đổi thuốc.
4.2. Lưu ý với phụ nữ có thai
- Dạng chuyển hóa còn hoạt tính của Carbimazol là Thiamazol qua được nhau thai, nên có thể gây hại cho thai nhi (bướu cổ, giảm năng giáp, một số dị tật bẩm sinh), nhưng nguy cơ thực sự thường thấp, đặc biệt khi dùng liều thấp. Một số dị tật bẩm sinh đã được báo cáo gồm: Chứng hẹp cửa mũi sau và chứng ngừng phát triên da bẩm sinh, dị tật bẩm sinh về thận, hộp sọ, tim mạch, khối u, dị dạng đường tiêu hóa, dị dạng rốn và sa tá tràng.
- Cần cân nhắc lợi/hại giữa điều trị và không điều trị. Trong trường hợp phải điều trị, Propylthiouracil thường được chọn dùng hơn, vì thuốc qua nhau thai ít hơn Thiamazol.
- Khi dùng Carbimazol, phải dùng liều thấp nhất có hiệu lực để duy trì chức năng giáp của người mẹ ở mức cao trong giới hạn bình thường của người mang thai bình thường, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Giảm năng giáp và bướu cổ ở thai nhi thường xảy ra khi dùng thuốc kháng giáp tới gần ngày sinh, vì tuyến giáp thai nhi chưa sản xuất hormon giáp cho tới tuần thứ 11 hoặc 12 của thai kỳ.
- Tăng nang giáp có thể giảm ở người mẹ khi thai phát triển nên ở một số người có thể giảm liều Carbimazol, có khi ngừng điều trị trong 2 - 3 tháng trước khi đẻ.
- Hormon giáp qua nhau thai rất ít, nên ít có khả năng bảo vệ cho thai nhi. Không nên dùng các hormon giáp trong khi mang thai, vì thuốc có thể che lấp các dấu hiệu thoái lui của cường giáp và tránh được tăng liều Carbimazol một cách vô ích, gây thêm tác hại cho mẹ và thai nhi.
4.3. Lưu ý với phụ nữ cho con bú
- Thiamazol là chất chuyển hóa của carbimazol bài tiết được vào sữa mẹ, có thể gây tai biến cho trẻ, vì nồng độ thiamazol trong huyết thanh và sữa mẹ gần bằng nhau.
- Nếu mẹ cần sử dụng thuốc thì phải dùng liều thấp nhất có tác dụng và phải sau khi uống thuốc được 4 giờ mới cho con bú.
- Một nghiên cứu dùng liều mỗi ngày 15 mg carbimazol, hoặc 10 mg thiamazol, hoặc 150 mg propylthiouracil, và cho trẻ bú sau khi uống thuốc 4 giờ, chưa thấy tác hại cho trẻ. Chắc chắn hơn, nếu mẹ dùng thuốc thì không cho con bú.
4.4. Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
- Vì tác dụng phụ của thuốc có thể gây nhức đầu nên cẩn thận khi lái xe và vận hành máy móc.
4.5. Thận trọng khi dùng thuốc với các thuốc
- Với aminophylin, oxtriphylline, theophylin, glycosid trợ tim, thuốc chẹn beta: Khi cường giáp, sự chuyển hoá các thuốc này tăng lên. Dùng carbimazol, nếu tuyến giáp trở về bình thường, cần giảm liều các thuốc này.
- Với amiodarone, iod, iod glycerin hoặc kali iodid: các thuốc có thành phần iod làm giảm đáp ứng của cơ thể với carbimazol, vì vậy phải tăng liều dùng của carbimazol (amiodaron có 37% iod).
- Với các thuốc chống đông là dẫn chất coumarin hoặc indandion: Carbimazol có thể làm giảm chỉ số prothrombin huyết, nên khiến tác dụng của các thuốc chống đông đường uống tăng. Do đó, cần điều chỉnh liều sử dụng của thuốc chống đông dựa vào thời gian của prothrombin.
- Iod phóng xạ 131I: Thuốc ức chế tuyến giáp có thể khiến cho tuyến giáp giảm hấp thu 131I; nhưng sau khi ngừng đột ngột thuốc kháng giáp 5 ngày sự hấp thu 131I có thể tăng trở lại.
5. Tác dụng phụ của thuốc Carbimazol
Tỷ lệ chung các tác dụng không mong muốn là 2 đến 14%, nặng dưới 1%. Tai biến khi dùng thuốc xảy ra phụ thuộc vào liều dùng và cách dùng của bệnh nhân, các tai biến này thường xảy ra trong 6 đến 8 tuần đầu tiên.
Thường gặp
- Da: dị ứng, ban da, ngứa (1 – 4%).
- Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hoá.
- Máu: Giảm bạch cầu thường nhẹ và vừa. Nhưng khoảng 10% người bệnh cường giáp không điều trị, bạch cầu thường giảm còn dưới 4000/mm3.
- Toàn thân: Nhức đầu, sốt vừa và thoáng qua.
Ít gặp:
- Máu: Suy tuỷ, mất bạch cầu hạt (0,03%, có tái liều 0,7%) biểu hiện là sốt nặng, ớn lạnh, nhiễm khuẩn họng, ho, đau miệng, giọng khàn. Thường xảy ra nhiều hơn nếu là người cao tuổi hoặc dùng liều cao.
- Giảm prothrombin huyết, gây thiếu máu tiêu huyết.
- Cơ xương khớp: Đau khớp, viêm khớp, đau cơ.
- Da: Rụng tóc, hội chứng lupus ban đỏ.
Hiếm gặp:
Carbimazole có thể gây ra một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng làm giảm số lượng tế bào máu giúp chống nhiễm trùng và cầm máu. Nếu bạn bị bất kỳ triệu chứng sau đây, hãy cho bác sĩ biết ngay:
- Gan: Vàng da ứ mật, viêm gan.
- Thận: Nhức đầu, sốt nhẹ, mất vị giác, ù tai, giảm thính lực.
- Chuyển hoá: Dùng liều cao và kéo dài có thể gây giảm năng giáp, tăng thể tích bướu giáp.
Hướng dẫn cách xử trí ADR:
- Khi thấy đau họng, nhiễm khuẩn, ban da, sốt, ớn lạnh, người bệnh phải đến thầy thuốc kiểm tra huyết học. Nếu thấy mất bạch cầu hạt, suy tuỷ, phải ngừng điều trị, chăm sóc, điều trị triệu chứng và có thể phải truyền máu.
- Vàng da ứ mật, viêm gan thường hiếm; nhưng nếu xảy ra, phải ngừng thuốc ngay, vì đã thấy có tử vong.
- Đau cơ nhiều, phải xét nghiệm creatine phosphokinase; nếu tăng nhiều, phải giảm liều hoặc ngừng thuốc.
- Khi có độc tính với tai, phải ngừng Carbimazol và thay bằng Benzylthiouracil hoặc Propylthiouracil.
- Ban ngứa, dị ứng, có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc kháng histamin mà không cần ngưng thuốc. Có thể thay Carbimazol bằng thuốc thiouracil kháng giáp.
6. Cách bảo quản thuốc Carbimazol
- Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30°C, trong bao bì gốc và tránh ánh sáng.
- Không để trong nhà tắm hoặc tủ lạnh.
- Để xa tầm tay trẻ em.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.