Thuốc Arlico là thuốc kháng sinh, được dùng trong điều trị một số tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng da-mô mềm và nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Thuốc Arlico có hai loại là Arlico Cefaclor và Arlico Cephradine.
1. Arlico là thuốc gì?
Thuốc Arlico thuộc nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, kháng virus, kháng nấm, chống nhiễm khuẩn. Thuốc Arlico có hai loại, một loại có thành phần chính là Cephradine 500mg và một loại có thành phần chính là Cefaclor 500mg. Tác dụng cụ thể của từng hoạt chất này như sau:
- Cephradine: Cephradine là một kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp thế hệ I. Cephradine có tác dụng với nhiều vi khuẩn gram dương nhưng hạn chế đối với các vi khuẩn gram âm. Cephradine diệt khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn.
- Cefaclor: Cefaclor cũng là kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp.
Thuốc Arlico được bào chế dưới dạng viên nang và được chỉ định trong điều trị những trường hợp sau:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản.
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp tính và mãn tính, viêm phế quản phổi, viêm phổi thuỳ.
- Nhiễm trùng da và mô mềm như mụn, nhọt, chốc lở, áp xe, mủ da, viêm nang lông. Ngoài ra, thuốc Arlico cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trên da sau khi phẫu thuật.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp tính và mãn tính như viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm niệu đạo do lậu cầu.
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Arlico
Thuốc Arlico được dùng theo đường uống, liều dùng như sau:
- Người lớn: 1 viên/lần, 2 lần/ngày.
- Trẻ em: 20mg/kg/ngày, chia làm 3 lần uống trong ngày. Nặng hơn có thể uống với liều 40mg/kg/ngày và chia nhiều lần uống trong ngày, nhưng liều dùng tối đa là 1g/ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Arlico
- Thuốc Arlico có thành phần chính là kháng sinh Cefaclor có thể gây tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua với các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn, ngứa, nổi mày đay, tăng nhẹ men gan, tăng creatinin, BUN.
- Thuốc Arlico có thành phần chính là kháng sinh Cephradine có thể gây tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, ợ nóng, buồn nôn, nôn, viêm lưỡi, chóng mặt, viêm âm đạo, bội nhiễm nấm, nổi mẩn, nổi mày đay, phù, đau khớp.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Arlico
- Không dùng thuốc Arlico với người bị quá mẫn với kháng sinh cephalosporin, trẻ dưới 1 tháng tuổi.
- Thận trọng khi dùng thuốc Arlico ở người bị dị ứng với penicillin, bệnh tiêu hóa, đặc biệt là viêm kết tràng, người bị suy thận nặng, người lớn tuổi, phụ nữ đang mang thai và nuôi con cho bú.
- Thuốc Arlico có thể tương tác và ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc bao gồm thuốc có chứa chất tiêu huyết, thuốc chống đông, thuốc kháng axit có chứa nhôm, magie.
- Dùng đồng thời thuốc Arlico với thuốc có chứa probenecid làm cạnh tranh sự ức chế bài tiết của cephalosporin ở ống thận, dẫn đến làm tăng và kéo dài nồng độ của kháng sinh cephalosporin trong huyết thanh.
Công dụng của thuốc Arlico là điều trị các loại vi khuẩn, nấm gây nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, đường hô hấp như viêm tai-mũi-họng đến viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng trên da như mụn, nhọt, chốc lở đến áp xe, viêm nang lông và nhiễm khuẩn đường tiết niệu như viêm bể thận, bàng quang, niệu đạo. Việc đọc kỹ thông tin trước khi dùng giúp mang đến hiệu quả tích cực cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.