Glucocorticoid là một hormon được tiết ra ở tuyến thượng thận hoặc hoá tổng hợp. Glucocorticoid có vai trò quan trọng trong chuyển hoá các chất của cơ thể để đảm bảo duy trì chức năng sống. Nếu sử dụng không đúng cách, Glucocorticoid có thể gây tình trạng ngộ độc. Vậy cần lưu ý gì khi sử dụng Glucocorticoid?
1. Tìm hiểu về thuốc Glucocorticoid
Glucocorticoid hay còn gọi là corticosteroid, là một hormon có vai trò quan trọng trong cơ thể. Glucocorticoid tham gia vào quá trình chuyển hoá lipid, glucid, lipid, calci và phospho, đồng thời giúp chuyển hóa nước và điện giải. Thuốc cũng giúp tăng tiết dịch vị, giảm tiết chất nhờn, kích thích tạo cảm giác thèm ăn.
Về mặt điều trị, Glucocorticoid chủ yếu giúp kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Các dạng bào chế của Glucocorticoid:
- Dạng viên uống.
- Dạng tiêm tĩnh mạch, tiêm vào cơ hay thuốc tiêm nội khớp.
- Thuốc bôi ngoài da: có dạng gel, cream, thuốc mỡ hay dung dịch.
- Thuốc khí dung có glucocorticoid dạng dung dịch.
- Glucocorticoid dạng xịt mũi.
Chỉ định dùng Glucocorticoid trong các trường hợp:
- Bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn như: bệnh lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp...
- Bệnh về đường hô hấp: COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), hen phế quản.
- Sử dụng thuốc trong các trường hợp có phản ứng dị ứng nặng cho hiệu quả thuyên giảm triệu chứng rất nhanh.
- Liệu pháp thay thế hormone tuyến thượng thận khi không sản xuất đủ các hormone cần thiết.
- Ức chế miễn dịch, dự phòng trong các ca ghép tạng. Đối với cơ thể, các tạng mới được đưa vào cấy ghép bị coi như những kháng nguyên lạ. Để bảo vệ bản thân, hệ miễn dịch sẽ hoạt động tăng cường tấn công nhằm đào thải các kháng nguyên lạ ra ngoài. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình cấy ghép để cơ thể thích nghi với tạng mới. Việc sử dụng corticoid để ức chế miễn dịch giai đoạn đầu là rất cần thiết để bảo vệ các cơ quan nội tạng mới.
- Ngoài ra, corticoid còn được chỉ định cho những người mắc bệnh gout, hay mắc một số bệnh lý ngoài da như vảy nến, dị ứng, eczema...
Corticoid là thuốc gây rất nhiều tác dụng với nhiều cơ quan khác nhau như làm nặng bệnh tiểu đường, ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, gây tăng huyết áp, bệnh Cushing, phù, loãng xương...
2. Có thể giải độc Glucocorticoid không?
Có thể nói Glucocorticoid cũng là một thuốc có chứa độc tố mạnh. Sử dụng GC liều cao trong thời gian dài có thể gây tình trạng ngộ độc corticoid dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Có thể giải độc Glucocorticoid hay không là điều rất nhiều người đang băn khoăn.
Thực tế, có thể giải độc Glucocorticoid trên lâm sàng càng sớm càng tốt. Tuỳ theo các triệu chứng, có thể có biện pháp ngăn chặn hay khắc phục sớm, ngay khi các triệu chứng xuất hiện do độc tính của thuốc gây ra. Cụ thể như:
- Với trẻ em, dùng liều cao GC kéo dài sẽ gây ức chế sự phát triển của xương, làm trẻ phát triển chậm hơn so với các bạn cùng độ tuổi. Khắc phục bằng cách hạn chế kê đơn GC cho trẻ. Trường hợp cần thiết dùng thuốc, cho trẻ bổ sung thêm calci và chất đạm.
- Độc tính ngắn ngày của GC ở trẻ em có thể gây rối loạn giấc ngủ, nôn ói hay rối loạn hành vi. Cần lưu ý các triệu chứng để báo cáo bác sĩ xử lý bằng thuốc phù hợp.
- Glucocorticoid làm giảm sự hấp thụ canxi ở ruột non, làm mất cân bằng tạo xương và huỷ xương, gây nên tình trạng loãng xương sớm. Vậy nên, hãy giảm liều GC đến mức thấp nhất có thể, kết hợp bổ sung thêm vitamin D và calci.
- Nếu hội chứng Cushing do dùng Glucocorticoid kéo dài thì cần giảm liều từ từ để ngừng thuốc
- Dùng GC trong thời gian dài là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy vỏ thượng thận. Cần giảm liều từ từ khi ngừng thuốc. Khuyến cáo với bệnh nhân có nguy cơ suy tuyến thượng thận, nên ưu tiên chọn các thuốc có thời gian bán thải ngắn và trung bình.
- Đối với thuốc dùng tại chỗ, Glucocorticoid có thể gây teo da, mụn trứng cá, viêm da do tổn thương hàng rào bảo vệ... Để thải độc GC trên da, có thể cho uống thuốc theo triệu chứng, hoặc xử lý tại nhà bằng cách uống nước rau diếp cá, xông hay đắp mặt nạ thải độc cũng cho hiệu quả rất nhanh.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra các triệu chứng ngộ độc Glucocorticoid do bị sử dụng quá liều trong thời gian dài, cần lưu ý một số điều như sau:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuân thủ mọi hướng dẫn.
- Bắt đầu dùng từ liều thấp, không tự ý tăng liều thuốc.
- Ở bệnh nhân sử dụng corticoid điều trị lâu dài, không nên ngừng thuốc đột ngột, cần phải giảm liều từ từ. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách giảm liều phù hợp, vẫn có hiệu quả điều trị mà không gây tác dụng phụ khi ngừng sử dụng thuốc.
- Song song với việc dùng thuốc, phải luôn có một chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học, lành mạnh.
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
- Nên bổ sung canxi, vitamin D vì việc dùng thuốc corticoid kéo dài có thể gây loãng xương.
Việc dùng corticoid điều trị bệnh giống như con dao hai lưỡi. Mặc dù thuốc có hiệu quả nhanh trên nhiều bệnh khác nhau nhưng cũng đồng thời gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Vì thế, trước khi có ý định sử dụng người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để được điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.