Thuốc Aplisol là một loại thuốc tiêm, được sử dụng trong một số trường hợp nhất định. Vậy công dụng thuốc Aplisol là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Công dụng thuốc Aplisol
Thuốc Aplisol có thành phần chính là lao tố, một dẫn xuất protein tinh khiết từ củ lao (PPD) được sử dụng trong xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng lao (TB) ở những người có nhiều nguy cơ phát triển bệnh.
Xét nghiệm lao trên da được thực hiện bằng cách tiêm lao tố PPD vào lớp bề mặt của da. Nếu xét nghiệm dương tính, phản ứng sẽ được nhìn thấy tại chỗ và xung quanh vị trí tiêm hoặc chích da. Nếu xét nghiệm được thực hiện bằng cách tiêm thì kết quả dương tính là khi có một vùng cứng, nhô cao với các lề rõ ràng.
Nếu xét nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng các chích, phản ứng dương tính thường là một khu vực sưng lên tại vị trí chích. Kích thước của vùng phản ứng được đo và ghi lại sau 48 đến 72 giờ tiêm hoặc chích.
2. Những lưu ý trước khi sử dụng thuốc Aplisol
Trước khi quyết định sử dụng xét nghiệm chẩn đoán lao, bất kỳ rủi ro nào của xét nghiệm cũng phải được cân nhắc với lợi ích mà nó sẽ đem lại. Đây là quyết định của bạn và bác sĩ của bạn, cần xem xét các điều sau:
- Dị ứng: Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng có bất kỳ phản ứng bất thường hay dị ứng nào với Aplisol hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác. Cũng cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác, chẳng hạn như dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hoặc động vật.
- Cho con bú: Các nghiên cứu ở phụ nữ cho thấy rằng thuốc Aplisol gây ra rủi ro tối thiểu cho trẻ sơ sinh khi được sử dụng trong thời kỳ cho con bú.
- Tương tác với thuốc khác: Để đảm bảo an toàn, bạn hãy cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và các loại thảo dược bạn đang sử dụng.
- Các vấn đề y tế khác: Các vấn đề y tế khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng xét nghiệm chẩn đoán này. Hãy chắc chắn rằng bạn nói với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ vấn đề y tế nào khác, đặc biệt là:
- Bỏng da trên diện rộng hoặc bệnh chàm.
- Bệnh lao đang hoạt động hoặc có tiền sử. Vì không nên tiêm thuốc Aplisol cho những bệnh nhân mắc các tình trạng này.
- Nhiễm HIV hoặc AIDS.
- Người đã cấy ghép nội tạng.
- Hệ thống miễn dịch yếu: Vì thuốc Aplisol có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lao đang hoạt động ở những người này.
3. Cách sử dụng thuốc Aplisol
Nhân viên y tế được đào tạo sẽ cung cấp cho bạn thuốc Aplisol tại bệnh viện hoặc phòng khám. Thuốc Aplisol được tiêm vào da trên cẳng tay của bạn. Vùng da của bạn có thể bị đỏ và sưng lên ở khu vực đã tiêm thuốc.
Thuốc Aplisol có thể gây ra các loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn bị phát ban, ngứa, khó nuốt, khó thở hoặc bất kỳ vết sưng tấy nào xuất hiện ở tay, mặt hoặc miệng sau khi dùng thuốc Aplisol.
Bạn có thể bị ngất sau khi tiêm thuốc Aplisol, nó có thể xảy ra với các triệu chứng khác bao gồm: Choáng váng, yếu cơ hoặc co giật.
Phản ứng xét nghiệm lao tố trên da dương tính hoặc âm tính giả có thể xảy ra ở một số bệnh nhân. Điều này có thể xảy ra nếu bạn đã chủng ngừa bệnh lao hoặc tiếp xúc với các vi khuẩn Mycobacteria khác.
Hãy chắc chắn cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc nào đó làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như thuốc Steroid hoặc thuốc điều trị ung thư.
Không nên xét nghiệm vi khuẩn lao trên da trong vòng 1 tháng cho những bệnh nhân đã được tiêm vắc-xin sống (vắc-xin bệnh sởi, bệnh quai bị, bệnh rubella, bệnh bại liệt uống, sốt vàng da và thủy đậu).
4. Tác dụng phụ của thuốc Aplisol
Cùng với những tác dụng cần thiết, thuốc Aplisol có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Tác dụng phụ của thuốc Aplisol với tỷ lệ gặp phải chưa được xác định bao gồm:
- Chảy máu tại chỗ tiêm, hiện tượng này có thể xảy ra đến 3 ngày sau khi kiểm tra da;
- Phồng rộp hoặc đóng vảy tại chỗ tiêm;
- Ho;
- Vết thâm tím đậm, sâu tại chỗ tiêm có thể xảy ra đến 3 ngày sau khi tiêm;
- Khó thở;
- Chóng mặt;
- Ngất xỉu;
- Tim đập nhanh;
- Sốt;
- Nổi cục cứng ở chỗ tiêm;
- Tổ đỉa;
- Ngứa, đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm;
- Sưng to giống như phát ban ở trên mặt, mí mắt, môi, lưỡi, cổ họng, tay, chân hoặc cơ quan sinh dục;
- Thở ồn ào;
- Sưng mí mắt hoặc sưng xung quanh mắt;
- Vết sẹo ở chỗ tiêm;
- Mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường.
Bạn cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ khác của thuốc Aplisol. Do đó, hãy báo cho bác sĩ biết hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Aplisol.
Trên là những thông tin về công dụng, liều dùng và cách sử dụng thuốc Aplisol. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.