Thuốc Aphedrid chứa hoạt chất Pseudoephedrine và Triprolidine được chỉ định trong điều trị các triệu chứng ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt và nước mũi... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Aphedrid qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Aphedrid
Aphedrid thuốc biệt dược chứa hoạt chất là Pseudoephedrine và Triprolidine, công dụng cụ thể của từng thành phần như sau:
- Pseudoephedrine: Thuộc nhóm thuốc chống sung huyết mũi, công dụng làm co mạch máu đường mũi. Ngăn ngừa nguy cơ nghẹt mũi;
- Triprolidine: Thuộc nhóm thuốc kháng histamine, công dụng giúp phòng ngừa và điều trị các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt và nước mũi.
Sự kết hợp của triprolidine và Pseudoephedrine được chỉ định trong điều trị triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt hoặc nước mũi, cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường...
2. Liều dùng thuốc Aphedrid
- Thuốc Aphedrid có liều dùng phụ thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh lưu ý không dùng liều thuốc ít hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo. Thuốc Aphedrid thường được bác sĩ chỉ định trong thời gian ngắn đến khi các triệu chứng của người bệnh được cải thiện.
- Đối với dạng thuốc siro, người bệnh cần sử dụng dụng cụ đo thuốc để lấy được liều thuốc chính xác cho mỗi lần dùng.
- Đối với dạng thuốc là viên nén, người bệnh không bẻ nhỏ, nghiền nát viên thuốc khi sử dụng.
- Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị trong trường hợp các triệu chứng bệnh không cải thiện sau 1 tuần điều trị. Không sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 4 tuổi.
- Trường hợp quên một liều thuốc, người bệnh nên sử dụng sớm nhất ngay khi nhớ ra. Nếu liều thuốc quên gần sát với thời gian dùng liều tiếp theo, người bệnh nên bỏ qua liều thuốc quên và tiếp tục sử dụng thuốc như liệu trình điều trị, tuyệt đối không sử dụng gấp đôi liều điều trị.
3. Tác dụng phụ của thuốc Aphedrid
Thuốc Aphedrid có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
Tác dụng phụ nghiêm trọng:
- Tăng nhịp tim, nhịp tim không đều;
- Tâm trạng thay đổi;
- Co giật, run;
- Cơ thể yếu, dễ bầm tím hoặc chảy máu;
- Lượng nước tiểu bị giảm;
- Khó thở, tăng huyết áp (mờ mắt, đau đầu dữ dội, lo lắng, ù tai, đau ngực, co giật, nhịp tim không đều).
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng:
- Buồn ngủ, chóng mặt;
- Khô miệng, khô mũi hoặc cổ họng;
- Táo bón;
- Mờ mắt, cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc thuốc Aphedrid
4.1. Chống chỉ định
Thuốc Aphedrid chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người bệnh bị táo bón nặng, tắc nghẽn dạ dày – ruột hoặc bí tiểu;
- Người mắc các bệnh lý không kiểm soát được như hen suyễn, tăng nhãn áp, bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính (COPD), tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tim hoặc cường giáp;
- Người bệnh đang điều trị bằng các thuốc ức chế men MAO như isocarboxazid, furazolidone, phenelzine, selegiline, rasagiline...
4.2. Thận trọng khi sử dụng
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị nếu mắc phải một trong các tình trạng sau: Tắc nghẽn đường tiêu hóa, bệnh tiểu đường, bệnh lý gan hoặc thận, động kinh hoặc các rối loạn co giật khác, ho có đờm, viêm phế quản mãn tính, đang sử dụng các thuốc bổ sung kali.
Phụ nữ đang mang thai: Chưa có nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của thuốc Aphedrid đối với sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khuyến cáo không sử dụng thuốc Aphedrid trong điều trị ở phụ nữ đang mang thai.
Phụ nữ đang cho con bú: Hoạt chất Pseudoephedrine và triprolidine có khả năng qua hàng rào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ đang bú mẹ. Ngoài ra, thành phần triprolidine có thể ức chế quá trình bài tiết sữa. Vì vậy, không sử dụng thuốc Aphedrid trong điều trị ở phụ nữ đang cho con bú.
Người lái xe, vận hành máy móc: Aphedrid có khả năng làm mờ mặt, thay đổi suy nghĩ và phản ứng của người bệnh. Vì vậy người bệnh cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Aphedrid
Thuốc Aphedrid có thể tương tác với một số thuốc sau đây:
- Atropine;
- Benztropine;
- Topiramate;
- Zonisamid;
- Thuốc chống nôn như dimenhydrinate, belladonna, methscopolamine hoặc scopolamine;
- Thuốc điều trị viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu như flavoxate, darifenacin, oxybutynin, tolterodine, solifenacin;
- Thuốc giãn phế quản như tiotropium, ipratropium;
- Thuốc kích thích ruột như hyoscyamine, dicyclomine, propantheline.
Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng, tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng (thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng) trước khi điều trị bằng thuốc Ephedrid.
Thuốc Aphedrid chứa hoạt chất Pseudoephedrine và Triprolidine được chỉ định trong điều trị các triệu chứng ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt và nước mũi...
Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: holevn.org, drugs.com,