Anrodin là thuốc giảm ho long đờm. Anrodin hoạt động trực tiếp ở các tế bào tiết nhầy của phế quản để hóa lỏng và tạo thuận lợi cho việc loại bỏ dịch tiết phế quản. Thuốc cũng có tác dụng khử trùng yếu trên nhu mô phổi.
1. Anrodin là thuốc gì?
Anrodin là thuốc gì? Andorin với thành phần chính Terpin hydrate, sodium benzoate. Thuốc sở hữu tác dụng giảm ho long đờm theo cơ chế tác động trực tiếp vào các tế bào tiết nhầy của phế quản để hóa lỏng và giúp cho việc loại bỏ dịch tiết phế quản được thuận lợi. Thuốc Anrodin cũng có tác dụng khử trùng yếu trên nhu mô phổi.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Anrodin
Thuốc Anrodin được chỉ định trong các trường hợp ho có đờm do các nguyên nhân sau:
- Người bệnh viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính.
- Ho do cảm lạnh hay ho gió, ho khan, ho có đờm, viêm mũi, viêm xoang,...và điều trị các bệnh về đường hô hấp trên khác.
Thuốc Anrodin chống chỉ định trong các trường hợp:
- Người bệnh có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Anrodin.
- Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
- Người bệnh hen suyễn nặng, suy hô hấp.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Anrodin
Thuốc Anrodin được bào chế dưới dạng viên nén, dùng đường uống. Khi uống, người bệnh cần uống trọn viên thuốc, không nghiền nát thuốc, uống thuốc sau khi ăn. Người bệnh nên uống nhiều nước khi uống thuốc Anrodin để tăng hiệu lực điều trị. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về cách sử dụng thuốc, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin, không tự ý dùng thuốc vì có thể gây ra tác dụng không mong muốn.
Liều dùng của thuốc Anrodin:
- Người lớn: Uống mỗi lần 1-2 viên, ngày uống 3 lần.
- Trẻ em từ 5-15 tuổi: Uống mỗi lần 1 viên, ngày uống 2 lần.
- Trẻ em từ 30 tháng tuổi - < 5 tuổi: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Không dùng quá 8 viên/ngày.
Lưu ý:
- Không dùng thuốc Anrodin kết hợp với các thuốc chống ho khác, vì có thể gây tương tác thuốc.
- Không dùng chung với các chất làm khô chất tiết (loại atropin) sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Anrodin
Terpin hydrate, sodium benzoate ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, vẫn có tác dụng không mong muốn hiếm gặp như: chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, nôn hay phản ứng dị ứng (nhẹ: mẩn ngứa, ban dát sẩn đỏ, nặng: khó thở, nhịp tim nhanh, phù mặt, phù cổ họng,...). Nếu gặp phải các tác dụng phụ không được liệt kê trên đây, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
5. Thận trọng khi dùng thuốc Anrodin
Khi sử dụng thuốc Anrodin cần thận trọng những thông tin dưới đây:
- Không nên sử dụng thuốc Anrodin với các đồ uống có cồn như rượu, bia,.. hay hút thuốc do trong các đồ uống đó có chứa các hoạt chất khác nên có thể dẫn đến tương tác thuốc, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ về việc dùng thuốc Anrodin.
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai: Thuốc Anrodin khi dùng trong thời kỳ mang thai có có thể gây tác dụng phụ (sảy thai, quái thai, dị tật thai nhi...) đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu. Chính vì vậy, tốt nhất là không nên dùng thuốc Anrodin đối với phụ nữ có thai. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng, cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định sử dụng.
- Phụ nữ đang cho con bú:Thuốc Anrodin có thể bài tiết qua sữa mẹ. Tốt nhất là không nên hoặc hạn chế dùng thuốc Anrodin trong thời kỳ cho con bú. Các bà mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định dùng thuốc.
- Đối với người đang lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Anrodin có thể gây tác dụng chóng mặt, buồn ngủ. Vì vậy người đang lái xe và vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc Anrodin.
Thuốc Anrodin có tác dụng giảm ho long đờm hiệu quả, nhưng thuốc cần được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tránh tự ý dùng thuốc có thể gây tác hại không mong muốn cho cơ thể.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.