Amoxfap có thành phần chính là Amoxicilin, là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Beta – Lactam. Thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp nhiễm trùng tại đường hô hấp, tiết niệu, tai mũi họng, răng hàm mặt,.. do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Những thông tin về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Amoxfap sẽ có trong bài viết sau.
1. Amoxfap là thuốc gì?
Thuốc Amoxfap được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống, với thành phần chính là Amoxicilin dưới dạng Amoxacilin trihydrate compacted 500 mg trong mỗi gói thuốc 3 g.
Amoxicillin là một penicillin bán tổng hợp, thuộc nhóm beta-lactam có tác dụng diệt khuẩn. Thuốc tác dụng bằng cách ức chế sinh tổng hợp Peptidoglycan, ngăn cản hình thành vách tế bào vi khuẩn nhờ vào khả năng gắn vào một hoặc nhiều protein penicilin của vi khuẩn. Kết quả, những vi khuẩn không hình thành được vách tế bào sẽ tự phân hủy.
Amoxacilin có một số đặc điểm như:
- Tác dụng như Penicilin G trên các vi khuẩn gram dương, nhưng có thêm tác dụng trên một số vi khuẩn gram âm bao gồm: E. coli, Proteus mirabilis, Salmonella, Shigella, Haemophilus influenzae
- Bị penicilinase phá hủy
- Không bị dịch vị phá hủy
So với một thuốc khác cùng nhóm là Ampicilin thì Amoxicillin có tác dụng mạnh hơn đối với Enterococcus faecalis, Salmonella và Helicobacter pylori nhưng khả năng diệt khuẩn kém hơn đối với Shigella và Enterobacter.
Hiện nay, Amoxicillin có tỷ lệ hấp thu qua đường uống cao nên dạng uống được ưa dùng hơn dạng tiêm, nhất là trong nhiễm trùng đường hô hấp. Nhờ được hấp thu hoàn toàn hơn từ đường tiêu hóa, nồng độ Amoxacilin trong huyết thanh và tại mô cơ quan nhiễm bệnh sẽ cao hơn, tăng hiệu quả điều trị, giảm tần suất sử dụng thuốc hơn và giảm xảy ra các tác dụng phụ hơn.
2. Thuốc Amoxfap có tác dụng gì?
Thuốc Amoxfap được chỉ định điều trị cho các trường hợp:
- Nhiễm khuẩn tai mũi họng: viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa
- Nhiễm trùng đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi thùy, viêm phổi phế quản
- Nhiễm trùng tiết niệu: viêm thận bể thận, viêm bàng quang
- Nhiễm khuẩn sản phụ khoa
- Trường hợp viêm não màng não, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc: nên dùng đường tiêm và phối hợp với một kháng sinh khác
- Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Chống chỉ định của thuốc Amoxfap trong các trường hợp người có tiền sử dị ứng với Amoxacilin, các kháng sinh khác thuộc nhóm Beta Lactam hoặc Cephalosporin.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Amoxfap
3.1. Liều lượng
Người lớn hoặc trẻ em trên 40 kg: Liều thông thường: 750mg – 3g/ngày, chia 3 lần uống
Trẻ em dưới 40 kg: 20 – 50 mg/kg/ngày, chia nhiều lần uống.
3.2. Cách dùng
Amoxfap được sử dụng bằng đường uống. Người bệnh pha 1 gói thuốc với một lượng nước vừa phải thành hỗn dịch và sử dụng ngay. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên dùng hỗn dịch nhỏ giọt. Nên chia đều khoảng cách giữa các lần dùng thuốc Amoxfap để nồng độ thuốc trong máu luôn đạt đủ để tiêu diệt vi khuẩn.
4. Lưu ý khi sử dụng Amoxfap
4.1. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Amoxfap
Các tác dụng phụ của thuốc không thường xảy ra và ở mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn. Tuy vậy, một số bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng thuốc Amoxfap có thể gây gặp các tác dụng phụ như:
- Phản ứng quá mẫn: ngứa, nổi ban da, mề đay; ban đỏ đa dạng, viêm da bóng nước, hoại tử da nhiễm độc, mụn mủ ngoài da toàn thân cấp tính và hội chứng Stevens-Johnson.
- Phản ứng phản vệ: phù Quincke, bệnh huyết thanh, viêm mạch quá mẫn; viêm thận kẽ
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy; nhiễm nấm candida đường ruột, viêm kết tràng
- Gan: viêm gan, vàng da tắc mật
- Huyết học: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết, kéo dài thời gian chảy máu.
- Thần kinh: tăng động, chóng mặt, co giật, đặc biệt ở người suy thận
Khi xuất hiện các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng Amoxfap, người bệnh hoặc người nhà phải thông báo với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được xử trí phù hợp.
4.2. Lưu ý sử dụng thuốc Amoxfap ở các đối tượng
- Thận trọng khi dùng thuốc Amoxfap ở người tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus với các triệu chứng là sốt, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch cổ.
- Thận trọng ở bệnh nhân suy thận vì thuốc được đào thải chủ yếu qua nước tiểu. Cần điều chỉnh liều điều trị hoặc giãn khoảng cách giữa các lần dùng thuốc và theo dõi người bệnh khi chỉ định Amoxfap trên những đối tượng này.
- Thận trọng về liều dùng và cách dùng thuốc Amoxfap ở trẻ sơ sinh, trẻ em.
- Theo dõi sát bệnh nhân nếu sử dụng Amoxfap cùng với thuốc chống đông
- Người bệnh cần dùng đủ liều lượng và số ngày được chỉ định trong đơn thuốc Amoxfap, không tự ý ngừng thuốc khi thấy triệu chứng đã cải thiện.
- Cần uống nhiều nước trong quá trình điều trị Amoxfap vì tiểu ít làm tăng nguy cơ kết tinh thuốc.
- Phụ nữ có thai: chưa có các nghiên cứu cho thấy Amoxfap có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, không sử dụng thuốc trừ khi thật sự cần thiết và cân nhắc tỷ lệ lợi ích/nguy cơ
- Phụ nữ đang cho con bú: Các nghiên cứu và các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Amoxacilin có thể bài tiết qua sữa mẹ với một lượng rất ít và an toàn cho trẻ sơ sinh ở liều thông thường nên có thể sử dụng thuốc Amoxfap ở người mẹ đang cho con bú và cần theo dõi chặt chẽ quá trình dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc Amoxfap
Không sử dụng Amoxfap cùng lúc với các thuốc sau vì nguy cơ tương tác thuốc:
- Thuốc tránh thai dạng uống
- Allopurinol
- Probenecid
Trên đây là thông tin cơ bản và những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Amoxfap. Amoxfap là thuốc kê đơn và chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào để quá trình điều trị Amoxfap đạt được hiệu quả cao nhất.