Amifostine là thuốc thải độc tính của thuốc điều trị ung thư. Hoạt chất Amifostine có trong thuốc giúp làm giảm sự tích lũy độc tính của thuốc ở thận. Ngoài ra, Amifostine cũng làm giảm khả năng bị khô miệng do xạ trị ở bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ.
1. Công dụng thuốc Amifostine
Amifostine thuộc nhóm thuốc thải độc tính của thuốc điều trị ung thư, có thành phần chính là Amifostine hàm lượng 500mg. Amifostine có tác dụng làm giảm độc tính của thuốc tích lũy trên thận, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư buồng trứng (giai đoạn muộn), ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Ngoài ra, ở bệnh nhân sau xạ trị ung thư vùng đầu cổ, Amifostine cũng giảm khô miệng từ vừa đến nặng.
Amifostine được bào chế dưới dạng bột pha tiêm tĩnh mạch và được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:
- Giảm độc tính của thuốc tích lũy trên thận ở người bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển.
- Giảm tỷ lệ bị khô miệng từ vừa đến nặng do xạ trị ở người bệnh ung thư đầu và cổ.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Amifostine
Amifostine được đóng gói ở dạng bột đông khô vô trùng, mỗi lọ chứa Amifostine 500mg ở dạng khan cần được pha với 9,7ml dung dịch Natri clorid 0,9% vô trùng trước khi tiêm truyền tĩnh mạch. Việc tiêm truyền và dùng thuốc cần được tiến hành bởi nhân viên y tế hoặc bác sĩ.
- Liều dùng Amifostine để giảm độc tính của thuốc tích lũy ở thận bằng phương pháp hóa trị: Liều khởi đầu là 910mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 15 phút, tiến hành trước khi hóa trị 30 phút. Truyền trong 15 phút giúp thuốc được dung nạp tốt hơn. Trước khi truyền Amifostine, người bệnh cần được cung cấp đủ nước. Trong khi truyền, người bệnh cần được giữ ở tư thế nằm ngửa và theo dõi huyết áp 5 phút/lần.
- Liều dùng Amifostine để khô miệng do xạ trị ở bệnh nhân ung thư đầu và cổ: 200mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 3 phút, bắt đầu trước khi xạ trị từ 15 - 30 phút. Trước khi truyền, người bệnh cần được cung cấp đủ nước. Trước và sau khi truyền, người bệnh cần được theo dõi huyết áp.
- Người cao tuổi: Liều dùng Amifostine ở người cao tuổi cần thận trọng để tránh những ảnh hưởng đối với chức năng gan, thận hoặc tim.
Quá liều Amifostine xảy ra trong trường hợp liều dùng lên đến 2700mg/m2 ở trẻ em, khi đó có thể xuất hiện triệu chứng lo lắng và bí tiểu có hồi phục. Thông thường, quá liều gây ra hạ huyết áp và được xử trí bằng biện pháp truyền nước muối cũng như điều trị hỗ trợ khác.
3. Tác dụng phụ của thuốc Amifostine
Amifostine có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:
- Rất thường gặp: Buồn nôn, nôn, tụt huyết áp.
- Thường gặp: Giảm nồng độ canxi trong máu.
- Chưa xác định được tần suất: Ớn lạnh, cảm giác ấm - lạnh khó chịu, sốt, đỏ bừng, buồn ngủ, chóng mặt, hắt hơi, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, nấc cụt, tiêu chảy, phát ban, ngứa, nổi mày đay, bầm tím, sưng đau, viêm tại vị trí tiêm.
Nếu thấy có biểu hiện bất thường sau khi tiêm Amifostine, người bệnh cần được xử trí y tế càng sớm càng tốt.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Amifostine
- Không dùng Amifostine ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc và các hợp chất aminothiol.
- Ở người đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp cần thận trọng khi tiêm Amifostine vì có thể gây tăng huyết áp.
- Không dùng Amifostine ở người bệnh có khối u ác tính và được hóa trị vì thuốc có thể can thiệp vào hoạt động điều trị chống khối u của thuốc điều trị ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sống còn của người bệnh.
- Không dùng Amifostine ở người bệnh đang xạ trị dứt điểm vì thuốc có thể can thiệp vào hoạt động điều trị chống khối u của phương pháp xạ trị trong ung thư.
- Cần lưu ý một số di chứng nghiêm trọng và hạ huyết áp sau khi dùng Amifostine với các biểu hiện như khó thở, ngừng thở, thiếu oxy, nhịp tim nhanh hoặc chậm, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh trên thất, ngoại tâm thu, rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, ngất xỉu, bất tỉnh, co giật, ngừng tim, suy hô hấp, suy thận.
- Cần lưu ý biểu hiện phản ứng da nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong ở người bệnh sau điều trị Amifostine như viêm da tróc vảy, viêm da nhiễm độc, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, hồng ban đa dạng.
- Cần lưu ý biểu hiện phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ sau khi dùng Amifostine bao gồm các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, thiếu oxy, khó thở, khó chịu ở ngực, ngứa, phát ban trên da, nổi mày đay, phù thanh quản.
- Trong khi tiêm truyền Amifostine, cần có sẵn các biện pháp điều trị phù hợp và epinephrine để sẵn sàng xử lý nếu có phản ứng nghiêm trọng xảy ra. Khi đó, cần cho người bệnh ngừng thuốc ngay và không tái sử dụng thuốc.
- Sau khi tiêm truyền Amifostine, buồn nôn, nôn rất dễ xảy ra ở mức độ thường xuyên và nghiêm trọng. Vì vậy, cần kết hợp với thuốc chống nôn và theo dõi người bệnh để cân bằng dịch.
- Ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư, dùng Amifostine nhiều liều, cần theo dõi nồng độ canxi trong máu để tránh nguy cơ hạ canxi huyết. Trong trường hợp cần thiết, có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc canxi để bổ sung.
- Dữ liệu nghiên cứu về Amifostine trên phụ nữ đang mang thai và nuôi con cho bú còn hạn chế. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai chỉ được dùng thuốc trong trường hợp mang lại lợi ích cao hơn, còn phụ nữ đang nuôi con cho bú nếu muốn dùng thuốc thì phải ngưng việc cho bú.
- Mặc dù chưa ghi nhận sự tương tác thuốc nào, tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hạn chế ảnh hưởng do tương tác với Amifostine gây ra, người bệnh cần cung cấp thông tin về các loại thuốc đã và đang sử dụng cho bác sĩ biết, bao gồm thuốc kê đơn hoặc không, sản phẩm thảo dược và thực phẩm chức năng bổ sung.
Công dụng của thuốc Amifostine là làm giảm độc tính của thuốc tích lũy ở thận trong điều trị ung thư buồng trứng và ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc cũng làm giảm tỷ lệ bị khô miệng ở bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ đang được xạ trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com