Công dụng thuốc Aladka-beta là gì, có chữa viêm mũi được không? Aladka beta là thuốc dùng đường mũi, có dạng xịt, với 3 thành phần chính là Xylometazolin, Neomycin và Dexamethasone. Thuốc Aladka beta được dùng trong điều trị các bệnh ở mũi nói chung.
1. Công dụng thuốc Aladka beta
Aladka beta thuộc nhóm thuốc điều trị mũi, có thành phần chính bao gồm Neomycin hàm lượng 52500 IU, Dexamethasone hàm lượng 15mg và Xylometazoline hàm lượng 7,5mg.
- Xylometazoline hydrochloride có tác dụng làm co mạch, từ đó giúp làm giảm lưu lượng máu trong niêm mạc mũi, giảm sung huyết mũi.
- Thành phần Neomycin trong thuốc Aladka beta là một loại kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Neomycin có phổ kháng khuẩn bao gồm các vi khuẩn gram âm và tụ cầu khuẩn.
- Dexamethasone là một loại glucocorticoid tổng hợp, có tác dụng chính là kháng viêm, ức chế miễn dịch, chống dị ứng.
Thuốc Aladka beta được bào chế dưới dạng dung dịch xịt mũi và được chỉ định dùng trong điều trị các bệnh ở mũi như viêm mũi, viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi, sổ mũi, Polyp mũi bội nhiễm.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Aladka beta
Thuốc Aladka beta được dùng theo dạng xịt với các bước sử dụng như sau:
- Bước 1: Lắc đều lọ thuốc, mở nắp bảo vệ bên ngoài.
- Bước 2: Dùng ngón tay ấn nhẹ vào nắp để xịt thử bên ngoài, sau đó xịt vào trong mũi, hít nhẹ để thuốc có thể vào sâu trong khoang mũi.
- Bước 3: Sau khi dùng thì đậy nắp lại để bảo vệ lọ thuốc.
Liều dùng thuốc Aladka beta dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn được khuyến cáo là xịt khoảng 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 3 - 4 giờ. Cần lưu ý thời gian dùng thuốc không quá 7 đến 10 ngày.
Quá liều thuốc Aladka beta là tình trạng quá liều các thành phần trong thuốc, cụ thể như sau:
- Đối với Xylometazoline: Chưa ghi nhận quá liều Xylometazoline ở người lớn, tuy nhiên đã xuất hiện ngộ độc Xylometazoline ở trẻ em do người lớn không giám sát trẻ khi dùng thuốc. Quá liều Xylometazoline có thể gây tăng huyết áp, mạch đập nhanh và rối loạn nhận thức. Khi trẻ bị quá liều thuốc Aladka beta do quá liều Xylometazoline, trẻ cần được xử trí và theo dõi y khoa để điều trị triệu chứng.
- Đối với Dexamethasone: Mặc dù quá liều glucocorticoid rất hiếm khi gây ngộ độc cấp hoặc tử vong nhưng cần ghi nhớ là cho đến nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Nếu người bệnh quá nhạy cảm với glucocorticoid và có biểu hiện quá mẫn hoặc choáng phản vệ thì cần được điều trị triệu chứng.
- Đối với Neomycin: Quá liều thuốc Aladka beta có thể là quá liều Neomycin và đây là tình trạng nguy hiểm, vì sẽ gây ngộ độc thận hoặc ngộ độc thính giác. Lúc này, người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và theo dõi chức năng thận hoặc thính giác. Tiến hành thẩm tách máu nếu suy giảm chức năng thận hoặc thính giác và hỗ trợ hô hấp kéo dài.
3. Tác dụng phụ của thuốc Aladka beta
Thuốc Aladka beta có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:
- Thường gặp: Viêm da, ngứa, sốt, phản vệ do mẫn cảm với thuốc. Giữ nước và natri, hạ kali trong máu dẫn đến phù nề, tăng huyết áp. Rối loạn kinh nguyệt, giảm dung nạp glucose, giảm bài tiết ACTH, teo tuyến thượng thận, hội chứng Cushing. Gãy xương, loãng xương, hoại tử xương, teo cơ, nứt đốt sống. Bỏng rát, khô loét niêm mạc, viêm tụy cấp, loét dạ dày tá tràng. Vết bầm trên da, ban đỏ, teo da, rậm lông. Cảm thấy sảng khoái, mất ngủ. Hắt xì hơi, sung huyết mũi, sưng đỏ mũi, viêm mũi (xảy ra nếu dùng trong thời gian dài).
- Ít gặp: Thuốc Aladka beta ít khi gây tác dụng phụ là tăng bilirubin và enzym gan, tăng bạch cầu, thiếu máu tán huyết, loạn tạo máu, tắc mạch huyết khối. Mất phương hướng, dị cảm, lú lẫn, rung giật nhãn cầu, viêm miệng, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, ngon miệng, tăng cân, áp xe vô khuẩn.
- Hiếm gặp: Thuốc Aladka beta hiếm khi gây tác dụng phụ là mạch đập chậm, đánh trống ngực, loạn nhịp, chóng mặt, điếc, rung giật nhãn cầu. Giảm liều thuốc quá nhanh sau một thời gian dài điều trị có thể dẫn đến hạ huyết áp, suy thượng thận cấp và tử vong. Việc ngừng thuốc trong một số trường hợp có thể gây ra triệu chứng tương tự như tái phát bệnh.
Nếu có bất kỳ biểu hiện lạ sau khi dùng thuốc Aladka beta, người bệnh cần chú ý nếu triệu chứng nhẹ thì theo dõi và thông thường sẽ tự khỏi. Nếu phản ứng xảy ra với những triệu chứng nặng thì người bệnh cần được xử trí y khoa để điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Aladka beta
- Không dùng thuốc Aladka beta ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị viêm mũi do nhiễm nấm hoặc virus, phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ dưới 2 tuổi.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Aladka beta ở người bị bệnh tim, tăng huyết áp, cường giáp.
- Tránh dùng Aladka beta quá liều, vì thuốc có thể gây hắt hơi, sổ mũi, cảm giác nóng rát mũi.
- Tránh dùng thuốc Aladka beta liên tục trong thời gian dài, vì thành phần Dexamethasone trong thuốc có thể gây phụ thuộc thuốc và bội nhiễm. Việc điều trị kéo dài bất kỳ loại thuốc nào đều cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế lái xe hoặc điều khiển, vận hành máy móc ở người lớn khi dùng thuốc Aladka beta liều cao hoặc trong thời gian dài vì có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh tim mạch.
- Thành phần Neomycin trong Aladka beta có thể tương tác với các thuốc dùng tại chỗ hoặc toàn thân và gây ngộ độc thần kinh, thính giác, thận. Vì vậy, tránh sử dụng chung với nhau.
- Nếu người bệnh dùng nhiều thuốc xịt mũi với nhau, không nên xịt cùng lần, nên xịt cách nhau tối thiểu 5 phút.
- Không trộn lẫn thuốc Aladka beta với các thuốc khác để sử dụng, vì hiện nay các nghiên cứu tương kỵ thuốc còn hạn chế.
Công dụng của thuốc Aladka beta là giảm sung huyết mũi, kháng sinh, kháng viêm. Vì vậy, Aladka beta được dùng để điều trị viêm mũi, nghẹt mũi, sổ mũi. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.