Thuốc Akridol 12.5 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Carvedilol với công dụng ổn định huyết áp, giảm nhanh các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Akridol 12.5 được nghiên cứu và sản xuất bởi Akriti Pharmaceuticals Pvt. Ltd (Ấn Độ).
1. Thuốc Akridol 12.5 công dụng là gì?
Trong 1 viên thuốc Akridol có chứa Carvedilol (hàm lượng 12,5mg) giúp ổn định huyết áp, giảm nhanh các triệu chứng tăng huyết áp và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Thuốc Akridol 12.5 thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:
- Điều trị tăng huyết áp nguyên phát;
- Điều trị đau thắt ngực ổn định;
- Hỗ trợ điều trị suy tim mức độ từ trung bình đến nặng.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Akridol 12.5 cho các đối tượng:
- Mẫn cảm với Carvedilol hay bất cứ thành phần nào của thuốc Akridol;
- Mắc hen phế quản hay bệnh lý liên quan tới co thắt phế quản;
- Block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3;
- Mắc hội chứng nút xoang bệnh lý hoặc chậm nhịp tim nghiêm trọng (trừ trường hợp dùng máy điều hòa nhịp tim thường xuyên);
- Sốc tim;
- Suy tim sung huyết mất bù cần áp dụng tiêm tĩnh mạch các thuốc hướng cơ.
- Suy gan.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Akridol 12.5
Cách dùng: Người bệnh dùng thuốc Akridol 12.5 bằng đường uống.
Điều trị tăng huyết áp:
- Cách dùng 1: Liều ban đầu 12,5mg x 1 lần/ngày. Sau 2 ngày, tăng đến 25mg x 1 lần/ngày;
- Cách dùng 2: Liều ban đầu 6,25mg x 2 lần/ngày. Sau 1-2 tuần, tăng lên 12,5mg x 2 lần/ngày.
Nếu cần, có thể cân nhắc tăng thêm liều với điều kiện cách nhau tối thiểu 2 tuần, cho đến tối đa 50mg x 1 lần/ngày, hoặc chia làm nhiều liều. Liều 12,5mg x 1 lần/ngày có thể thích hợp dùng cho bệnh nhân cao tuổi.
Điều trị đau thắt ngực:
- Liều ban đầu 12,5mg x 2 lần/ngày. Sau 2 ngày, tăng lên 25mg x 2 lần/ngày;
- Đối với đau thắt ngực ổn định, nếu cần có thể tăng liều từ từ với điều kiện mỗi lần tăng cách nhau tối thiểu 2 tuần. Liều tối đa khuyến cáo hàng ngày là 100mg chia làm 2 lần (tức 50mg x 2 lần/ngày).
- Người lớn tuổi: Liều khởi đầu khuyến cáo là 12,5mg x 2 lần/ngày trong 2 ngày. Sau đó, tiếp tục điều trị với liều 25mg x 2 lần/ngày (đây cũng là liều tối đa khuyến cáo hàng ngày).
Điều trị suy tim:
- Liều ban đầu 3,125mg x 2 lần/ngày, nên dùng chung với thức ăn để giảm nguy cơ hạ huyết áp;
- Nếu dung nạp, nên tăng liều gấp đôi sau 2 tuần (6,25 mg x 2 lần/ngày) và sau đó tăng từ từ, với khoảng cách tối thiểu 2 tuần, đến liều tối đa dung nạp được. Lưu ý liều dùng không được quá 25mg x 2 lần/ngày đối với bệnh nhân suy tim nặng hoặc <85kg, hay 50mg x 2 lần/ngày đối với bệnh nhân bị suy tim mức độ nhẹ đến vừa, có cân nặng >85kg.
3. Tác dụng phụ của thuốc Akridol 12.5
Trong quá trình sử dụng thuốc Akridol 12.5, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Chóng mặt nhức đầu;
- Hạ huyết áp tư thế;
- Đau cơ, mệt mỏi;
- Buồn nôn, khó thở.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Nhịp tim chậm.
- Đau bụng, tiêu chảy;
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Tăng tiểu cầu, giảm bạch cầu;
- Tăng transaminase gan;
- Điều hòa tuần hoàn ngoại biên kém, ngất xỉu;
- Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ;
- Nôn, táo bón;
- Ngứa ngáy, nổi mề đay, vảy nến, dị cảm;
- Giảm tiết nước mắt, kích ứng, nghẹt mũi.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Akridol 12.5
Để đảm bảo tính hiệu quả cũng như an toàn trong quá trình dùng thuốc Akridol 12.5, nên thận trọng khi dùng thuốc cho các đối tượng sau:
- Bệnh nhân suy tim sung huyết đang điều trị với digitalis, thuốc lợi tiểu, hoặc thuốc ức chế men chuyển angiotensin (dùng phối hợp có thể khiến dẫn truyền nhĩ thất bị chậm lại);
- Bệnh nhân tiểu đường không hoặc khó kiểm soát (vì thuốc chẹn thụ thể beta có thể che lấp triệu chứng giảm đường huyết);
- Bệnh nhân mắc bệnh mạch máu ngoại biên, người đang bị gây mê, người có tăng chức năng tuyến giáp;
- Trẻ em (hiện chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Akridol với đối tượng này);
- Bệnh nhân không dung nạp galactose hoặc fructose, thiếu hụt enzyme lactase toàn phần hay kém hấp thu glucose galactose.
Các lưu ý khác:
- Cân nhắc ngưng điều trị bằng thuốc Akridol nếu thấy xuất hiện dấu hiệu tổn thương gan;
- Tránh ngừng thuốc Akridol đột ngột, phải ngừng thuốc trong thời gian 1-2 tuần với sự hướng dẫn của bác sĩ;
- Nếu người bị co thắt phế quản không thể dung nạp các thuốc chống tăng huyết áp khác, có thể thận trọng dùng liều rất nhỏ carvedilol cho đối tượng này;
- Cân nhắc nguy cơ loạn nhịp tim nếu dùng thuốc Akridol đồng thời với thuốc mê dạng hít, thuốc chống loạn nhịp nhóm I;
- Tương tự như khi điều trị bằng các thuốc làm thay đổi huyết áp khác, người bệnh đang dùng thuốc Akridol 12.5 cần thận trọng không nên lái xe, vận hành máy móc mỗi khi chóng mặt hoặc có các triệu chứng liên quan.
5. Tương tác của thuốc Akridol 12.5
Để dùng thuốc Akridol 12.5 an toàn, dưới đây là một số lưu ý về tương tác thuốc:
5.1. Tương tác gây giảm tác dụng
- Thuốc Rifampicin có thể làm giảm nồng độ Carvedilol trong huyết tương đến 70%;
- Tác dụng của các thuốc chẹn beta khác sẽ giảm nếu kết hợp với muối nhôm, muối canxi, barbiturat, colestipol, cholestyramin, thuốc chống trầm cảm không chọn lọc thụ thể α1, thuốc nhóm penicillin (Ampicilin), Salicylat và Sulfinpyrazon do giảm sinh khả dụng và nồng độ trong huyết tương.
5.2. Tương tác gây tăng tác dụng
- Thành phần Carvedilol trong thuốc Akridol 12.5 có thể tăng tác dụng của thuốc chống tiểu đường, thuốc chẹn kênh canxi và digoxin;
- Tương tác giữa Carvedilol với Clonidin có thể làm tăng huyết áp và giảm nhịp tim;
- Thuốc Cimetidin sẽ làm tăng tác dụng và sinh khả dụng của Carvedilol;
- Một số thuốc có khả năng làm tăng nồng độ và tác dụng của Carvedilol có thể kể đến: Quinidin, Paroxetin, Fluoxetin và Propafenon vì các thuốc này ức chế CYP2D6.
- Carvedilol sẽ làm tăng nồng độ Digoxin trong huyết tương khoảng 20% khi uống cùng lúc.
Trên đây là các thông tin cần biết về thuốc chống tăng huyết áp Akridol 12.5, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ trước khi dùng thuốc.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.