Thuốc dạ dày Zantac có chứa hoạt chất ranitidin, là thuốc giúp làm giảm tiết acid trong dạ dày nhờ cơ chế hoạt động tương tranh với histamin. Thuốc Zantac 150 thường được chỉ định sử dụng trong điều trị loét tá tràng, loét dạ dày lành tính, loét sau phẫu thuật và các bệnh lý cần giảm sự tiết dịch vị và acid được tiết ra.
1. Thuốc Zantac là thuốc gì?
Thuốc dạ dày Zantac chứa thành phần chính là hoạt chất ranitidine có hàm lượng 150mg, là một thuốc kháng histamin H2 được đóng gói dưới dạng viên nén và viên nén sủi bọt. Công dụng thuốc Zantac 150mg là ngăn các tác động của histamin ở dạ dày và giúp giảm lượng acid trong dạ dày hay các triệu chứng ợ nóng, ợ chua và khó tiêu. Thuốc Zantac 150 có tác dụng điều trị và phòng ngừa ợ nóng, khó tiêu và ợ chua gây ra bởi một số loại thực phẩm và thức uống.
Với thành phần là hoạt chất ranitidine, thuốc dạ dày Zanatic được chỉ định sử dụng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên và người lớn trong một số trường hợp như:
- Loét tá tràng - dạ dày lành tính, bao gồm cả loét do sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid;
- Ngăn ngừa loét tá tràng do dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) gồm cả aspirin, đặc biệt ở những người bệnh có tiền sử bị loét đường tiêu hóa;
- Loét tá tràng do bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori;
- Loét sau thực hiện phẫu thuật;
- Viêm thực quản trào ngược;
- Giảm bớt các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản;
- Hội chứng Zollinger - Ellison;
- Chứng khó tiêu từng đợt mạn tính và biểu hiện như đau (vùng thượng vị hoặc sau xương ức) liên quan đến bữa ăn hoặc làm rối loạn giấc ngủ mà không có liên quan đến những tình trạng bệnh lý ở trên;
- Phòng ngừa loét đường tiêu hóa do bị stress ở những người bị ốm nặng;
- Phòng ngừa xuất huyết tái phát từ vết loét đường tiêu hóa;
- Phòng ngừa hội chứng Mendelson;
- Điều trị ngắn hạn loét đường tiêu hóa ở trẻ em từ 8-11 tuổi;
- Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, bao gồm cả viêm thực quản trào ngược và giúp làm giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản ở trẻ từ 8-11 tuổi.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Zantac
2.1. Cách dùng
Dùng thuốc bằng đường uống. Có thể sử dụng kèm với thức ăn để giảm nguy cơ bị kích ứng dạ dày. Lưu ý có thể nhai thuốc với một lượng nước vừa đủ.
2.2. Liều dùng tham khảo
- Người lớn (bao gồm cả người già): Liều tham khảo 150mg vào buổi sáng và 150mg vào buổi tối hoặc uống 300mg khi đi ngủ.
- Trẻ em ≥ 12 tuổi: Trẻ em > 30kg và trong độ tuổi từ 3-11, liều dùng tính toán dựa vào các chỉ số cân nặng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có liều cụ thể.
- Loét dạ dày - tá tràng (ruột non): Liều dùng thông thường là 2mg/kg x 2 lần/ngày x 4 tuần. Có thể tăng lên liều tối đa 4mg/kg x 2 lần/ngày. Mỗi liều cách nhau 12 tiếng và điều trị có thể trong vòng 8 tuần.
- Chứng ợ nóng do quá nhiều acid: Liều thông thường là 2,5 mg/kg trọng lượng x 2 lần/ngày x 2 tuần. Liều tối đa có thể tăng lên là 5mg/kg x 2 lần/ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Zantac
Trong suốt quá trình sử dụng thuốc dạ dày Zantac, bệnh nhân có thể gặp phải một số các biểu hiện của tác dụng phụ không mong muốn như:
- Viêm tụy;
- Tiêu chảy;
- Tăng men gan;
- Ban đỏ đa dạng;
- Rối loạn điều tiết mắt;
- Ngứa, đau ở chỗ tiêm;
- Viêm gan, đôi khi có vàng da;
- Đau đầu, chóng mặt, yếu mệt;
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu;
- Xuất hiện tình trạng vú to ở bệnh nhân nam;
- Giảm bạch cầu hạt hoặc toàn bộ huyết cầu kể cả giảm sản tủy xương;
- Các phản ứng quá mẫn xảy ra như mề đay, co thắt phế quản, sốt, choáng phản vệ, phù mạch, đau cơ và đau khớp.
Lưu ý: Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ các triệu chứng của tác dụng phụ thuốc Zantac 150. Nếu người bệnh xuất hiện bất kì biểu hiện bất thường nào mà nghi ngờ là do sử dụng thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Zantac
- Thận trọng khi dùng và phải giảm liều ở bệnh nhân bị suy thận;
- Dùng thuốc thận trọng ở người bị suy gan vì thuốc chuyển hóa ở gan;
- Việc điều trị bằng thuốc dạ dày Zantac dài hạn có thể gây ra thiếu hụt vitamin B12;
- Tránh sử dụng thuốc ở người bệnh có tiểu sử bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp;
- Với người già và người bệnh suy thận, ngừng điều trị với thuốc Zantac 150 trong trường hợp xuất hiện trạng thái lú lẫn;
- Khi bị loét dạ dày, cần phải loại trừ khả năng ung thư trước khi bắt đầu điều trị vì các thuốc đối kháng thụ thể H2 histamin có thể sẽ làm che lấp các triệu chứng của ung thư dạ dày. Do đó, làm cho việc chẩn đoán bệnh trở nên chậm hơn;
- Ranitidin trong thuốc bài tiết qua sữa mẹ. Do đó, cần hết sức thận trọng khi dùng cho phụ nữ trong giai đoạn cho con bú. Hỏi ý kiến của bác sĩ và cân nhắc nguy cơ cùng lợi ích của thuốc trước khi quyết định sử dụng thuốc.
5. Tương tác của thuốc Zantac
Trong một số trường hợp, thuốc Zantac có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng đồng thời với một số sản phẩm sau:
- Rượu;
- Saquinavir;
- Thuốc lá;
- Thuốc Ketoconazol, Itraconazol;
- Thuốc Atazanavir, Cefpodoxim;
- Các muối sắt;
- Cefuroxim, Indinavir, Fosamprenavir, Mesalamin và Nelfinavir.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.