Công dụng thuốc Rezol 20

Ức chế bơm proton là nhóm thuốc chống tiết acid dịch vị được bác sĩ chỉ định rất rộng rãi. Nhóm thuốc này có nhiều hoạt chất khác nhau, một trong số đó là Rabeprazole với tên thương mại thuốc Rezol 20. Vậy cần sử dụng sản phẩm Rezol 20 trong trường hợp nào và lưu ý những vấn đề gì?

1. Thuốc Rezol 20 là gì?

Thuốc Rezol 20 được sản xuất bởi Doanh nghiệp Hyrio Laboratories Pvt. Ltd (Ấn Độ). Thành phần chính của thuốc Rezol là hoạt chất Rabeprazole hàm lượng 20ng, thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton dạ dày nên được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng Zollinger - Ellison.

Rezol 20 được bào chế ở dạng viên nén bao tan trong ruột, quy cách đóng gói mỗi hộp chứa 1 vỉ x 10 viên, tương ứng mỗi viên chứa 20mg Rabeprazole.

2. Chỉ định của thuốc Rezol 20

Sản phẩm Rezol 20 được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

Rabeprazole trong thuốc Rezol thuộc nhóm hoạt chất chống tiết acid dạ dày thông cơ chế ức chế bơm proton. Thuốc Rezol 20 không có biểu hiện đặc tính đối kháng thụ thể histamin H2 hoặc kháng tiết acetylcholin, thay vào đó tác dụng chống tiết có được do ức chế enzym H+/K+ATPase trên bề mặt các tế bào thành dạ dày. Enzyme này được xem như bơm acid (hay còn gọi là bơm proton) nên Rabeprazole được xếp vào nhóm thuốc ức chế bơm proton dạ dày.

Thuốc Rezol 20 ngăn chặn giai đoạn cuối của quá trình tiết dịch vị tại dạ dày. Trong tế bào thành dạ dày, hoạt chất Rabeprazole nhận thêm một proton, sau đó tích lũy và biến đổi thành sulfenamide có hoạt tính.

Đặc điểm dược động học của thuốc Rezol 20:

  • Hấp thu: Sau khi uống 1 viên thuốc Rezol 20, Rabeprazole được hấp thu và có thể được tìm thấy trong huyết tương sau 1 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối của liều 20mg Rabeprazole đường uống so với khi tiêm tĩnh mạch là khoảng 52%, ngoài ra ảnh hưởng của thức ăn lên sự hấp thu thuốc Rezol 20 chưa được đánh giá;
  • Phân bố: Khoảng 96.3% liều dùng của Rezol 20 gắn kết với protein huyết tương;
  • Chuyển hóa: Rabeprazole trong thuốc Rezol 20 được chuyển hoá rộng rãi trong cơ thể. Các chất chuyển hoá chính là Thioether và Sulphon không có hoạt tính chống tiết. Nghiên cứu in vitro cho thấy Rabeprazole chuyển hoá chủ yếu ở gan bởi men cytochrome P450 CYP3A và CYP2C19;
  • Thải trừ: Sau khi uống 1 viên thuốc Rezol 20, khoảng 90% thuốc được thải trừ qua nước tiểu, phần còn lại tìm thấy trong phân (ở dạng chất chuyển hoá). Đồng thời không ghi nhận hoạt chất Rabeprazole ở dạng ban đầu thải trừ qua nước tiểu hay phân.

3. Liều dùng của thuốc Rezol 20

Viên nén Rezol 20 bào chế sử dụng theo đường uống, người bệnh cần nuốt toàn bộ viên thuốc, không được nghiền, bẻ hoặc nhai nát. Thuốc Rezol có thể uống khi no hoặc đói đều được.

Liều dùng cụ thể của Rabeprazole như sau:

  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Liều khuyến cáo cho người lớn là 20mg (tương đương 1 viên thuốc Rezol 20) mỗi ngày trong 4 - 8 tuần và kéo dài thêm 8 tuần nếu các triệu chứng không được cải thiện;
  • Ợ nóng do GERD: Liều khuyến cáo lad 20mg mỗi ngày (1 viên thuốc Rezol 20) uống trong 4 tuần và có thể dùng thêm 4 tuần nếu các triệu chứng không được cải thiện;
  • Loét dạ dày - tá tràng: Liều khuyến cáo là 20mg uống ngày trong 4 tuần;
  • Hội chứng Zollinger - Ellison: Liều khởi đầu cho người trưởng thành là 60mg mỗi ngày (tương ứng 3 viên thuốc Rezol 20), sau đó điều chỉnh theo sự cải thiện triệu chứng của người bệnh. Ngoài ra, liều 100mg mỗi ngày và 60mg x 2 lần/ngày có thể được sử dụng;
  • Phác đồ diệt trừ Helicobacter pylori bao gồm Rezol 20, Clarithromycin 500mg, Amoxicillin 1000mg x 2 lần/ngày (sáng và chiều) trong 7 ngày.

Liều dùng của thuốc Rezol 20 nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào từng người bệnh với thể trạng và mức độ diễn tiến cụ thể. Người bệnh nên tham khảo và tuân theo chỉ định của bác sĩ để có liều dùng phù hợp nhất.

Quá liều thuốc Rezol 20 và cách xử trí:

  • Hiện nay, chưa ghi nhận các báo cáo về việc sử dụng quá liều Rabeprazole;
  • Trường hợp bệnh nhân dùng quá nhiều thuốc Rezol, dẫn đến hôn mê hoặc suy hô hấp cần liên hệ cấp cứu 115 ngay lập tức.

Quên liều thuốc Rezol 20:

  • Người bệnh hãy bổ sung liều đã quên ngay khi nhớ ra. Trường hợp gần đến thời điểm của liều tiếp theo thì hãy qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc bình thường;
  • Lưu ý người bệnh không dùng thuốc Rezol 20 với liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Rezol 20

Đã có các báo cáo về những tác dụng không mong muốn ở khoảng 1% bệnh nhân điều trị với Rabeprazole trong thuốc Rezol 20 như:

  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Tiêu lỏng hay táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn ói;
  • Phát ban;
  • Ho;
  • Suy nhược, đau lưng;
  • Đầy hơi;
  • Sốt, đau nhức toàn thân kèm mệt mỏi, khó chịu, chướng bụng;
  • Đau thắt ngực, tăng giảm nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực, tăng huyết áp, phù ngoại biên;
  • Những bất thường về gan, bao gồm suy gan (hiếm gặp), tăng ALT (SGPT), tăng AST (SGOT), tăng Alkaline Phosphatase, tăng bilirubin (chứng vàng da);
  • Biếng ăn, kích thích đại tràng, đổi màu phân;
  • Nhiễm nấm Candida thực quản, teo màng nhầy lưỡi, khô miệng;
  • Hạ đường huyết, tăng cân;
  • Chuột rút, đau cơ, đau khớp, đau chân;
  • Rối loạn tâm lý bao gồm trầm uất, nóng nảy, ảo giác, lẫn thần, mất ngủ, bồn chồn, run rẩy, thờ ơ, mơ màng, lo lắng, mộng mị bất thường;
  • Chảy máu cam, đau họng;
  • Viêm da, phát ban, phù mạch, nổi mề đay, ngứa ngáy;
  • Rụng lông tóc, da khô, loạn tăng tiết mồ hôi;
  • Ù tai, vị lạ trong miệng;
  • Nhiễm trùng tiết niệu, tiểu ra mủ, tăng số lần tiểu trong;
  • Tăng creatinin huyết thanh, Protein niệu, đường trong nước tiểu;
  • Chứng vú to ở bệnh nhân nam;
  • Quan sát thấy chứng giảm bạch cầu hạt ở bệnh nhân nam trên 65 tuổi bị đái tháo đường dùng nhiều thứ thuốc cùng thuốc Rezol 20. Mối quan hệ giữa Rabeprazole và chứng mắt bạch cầu hạt là chưa rõ ràng;
  • Giảm toàn thể huyết cầu, giảm số lượng tiểu cầu, bạch cầu trung tính, thiếu máu do tán máu.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Rezol 20, người bệnh cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Rezol 20

Trước khi sử dụng thuốc Rezol, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

Sản phẩm Rezol 20 chống chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Người có cơ địa mẫn cảm với Rabeprazole hay bất cứ thành phần nào của thuốc Rezol 20;
  • Phụ nữ trong thời gian mang thai;
  • Bà mẹ đang cho con bú;
  • Trẻ em.

Một số thận trọng khi sử dụng thuốc Rezol 20:

  • Cần chẩn đoán loại trừ một số khối u ác tính ở bệnh nhân loét dạ dày trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Rezol 20 vì Rabeprazole có thể làm lu mờ triệu chứng lâm sàng và gây chậm trễ trong chẩn đoán bệnh lý ung thư;
  • Hạn chế điều trị dài hạn bằng thuốc Rezol 20, trừ trường hợp bệnh nhân bị hội chứng Zollinger-Ellison;
  • Thuốc Rezol 20 không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

6. Tương tác thuốc của Rezol 20

Người bệnh cần thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Rezol 20 với các thuốc sau:

  • Digoxin: Nồng độ Digoxin trong máu có thể gia tăng do tăng hấp thu digoxin khi pH dạ dày tăng;
  • Các Antacid chứa hydroxid nhôm hoặc hydroxyd magie: Đã có các báo cáo ghi nhận nồng độ AUC trung bình trong huyết thanh của Rabeprazole giảm 8% sau khi dùng đồng thời thuốc Rezol 20 và 6% khi dùng Rezol 20 1 giờ sau khi dùng Antacid so với việc chỉ dụng thuốc Rezol 20 đơn thuần.

Thuốc Rezol 20 có thành phần chính của thuốc Rezol là hoạt chất Rabeprazole hàm lượng 20ng, thuộc nhóm ức chế bơm proton dạ dày nên được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng Zollinger - Ellison. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe