Công dụng của thuốc Utrazo 20

Thuốc Utrazo 20 có thành phần là rabeprazole với hàm lượng 20mg. Công dụng thuốc Utrazo là được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), cho phép những tổn thương do axit trên thực quản lành lại và ngăn ngừa tổn thương nhiều hơn. Ngoài ra, thuốc Utrazo 20 cũng được sử dụng để điều trị hội chứng Zollinger-Ellison, loét trong niêm mạc dạ dày hoặc ruột cũng như kết hợp với các loại thuốc khác để diệt trừ H. pylori.

1. Thuốc Utrazo 20 là gì và công dụng thuốc Utrazo?

Thuốc Utrazo 20 có thành phần là rabeprazole với hàm lượng 20mg, thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc ức chế bơm Proton. Cơ chế tác dụng của Rabeprazole là hoạt động bằng cách giảm lượng axit do dạ dày tạo ra. Theo đó, công dụng thuốc Utrazo được sử dụng để điều trị:

  • Loét tá tràng và loét dạ dày lành tính
  • Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) có hoặc không có vết loét. Người bệnh GERD thường có biểu hiệu ợ chua nóng rát, cảm giác căng lên từ dạ dày hoặc ngực dưới về phía cổ.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison là một tình trạng khi dạ dày tạo ra một lượng cực lớn axit.
  • Kết hợp với hai loại kháng sinh (clarithromycin và amoxicillin) được sử dụng để loại trừ nhiễm H. pylori ở bệnh nhân mắc bệnh viêm loét dạ dày.

Thuốc Utrazo 20 có thành phần là rabeprazole với hàm lượng 20mg
Thuốc Utrazo 20 có thành phần là rabeprazole với hàm lượng 20mg

2. Những điều cần biết trước khi dùng thuốc Utrazo 20

Không dùng rabeprazole hay thuốc Utrazo 20 nếu có một trong các tình trạng như sau:

  • Bị dị ứng (quá mẫn cảm) với rabeprazole natri hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc
  • Người đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình đang mang thai.
  • Người đang cho con bú.

Ngoài ra, bạn cần nói chuyện với bác sĩ, dược sĩ trước khi uống thuốc Utrazo 20 nếu:

  • Bị dị ứng với các chất ức chế bơm proton khác
  • Có một khối u dạ dày.
  • Đã hoặc đang có bất kỳ vấn đề nào về gan.
  • Đang dùng một loại thuốc có tên là atazanavir (dùng để điều trị HIV).
  • Giảm lượng dự trữ trong cơ thể hoặc các yếu tố nguy cơ đối với giảm vitamin B12
  • Đã từng bị phản ứng da sau khi điều trị bằng một loại thuốc tương tự như Rabeprazole làm giảm axit dạ dày. Nếu bị phát ban trên da, đặc biệt là ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hãy cho bác sĩ biết ngay vì có thể cần phải ngừng điều trị với rabeprazole.

Việc dùng thuốc ức chế bơm proton như rabeprazole, đặc biệt là trong khoảng thời gian nhiều hơn một năm, có thể làm tăng nhẹ nguy cơ gãy xương hông, cổ tay hoặc cột sống. Do đó, cần cho bác sĩ biết nếu bản thân có tiền căn loãng xương hoặc nếu đang dùng corticosteroid đồng thời vì có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

3. Cách dùng thuốc Utrazo 20 như thế nào?

Người bệnh cần dùng thuốc Utrazo 20 chính xác như bác sĩ hoặc dược sĩ đã chỉ định. Chỉ lấy thuốc ra khỏi vỉ khi đã đến lúc dùng thuốc. Sau đó, nuốt toàn bộ viên thuốc với một ly nước mà không nhai hoặc nghiền nát viên nén.

Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nên uống bao nhiêu viên và dùng chúng trong bao lâu. Điều này sẽ phụ thuộc theo từng bệnh cảnh. Khi thuốc Utrazo 20 chỉ cần được uống một lần mỗi ngày, viên thuốc nên được thực hiện trong buổi sáng trước khi ăn sáng.

Đối với người lớn, liều dùng trong từng bệnh lý như sau:

  • Loét tá tràng và loét dạ dày lành tính: Liều lượng là 20mg, thực hiện một lần mỗi ngày trong buổi sáng. Hầu hết bệnh nhân bị loét tá tràng đều được điều trị trong bốn tuần đến sáu tuần. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cần thời gian điều trị bổ sung để đạt được hiệu quả chữa lành vết loét trên niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) với loét: Liều lượng là 20mg, uống một lần hàng ngày trong bốn đến tám tuần. Điều trị dài hạn GERD: 10mg hoặc 20mg một lần mỗi ngày.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Liều lượng là 60mg mỗi ngày một lần khi khởi trị. Liều lượng sau đó được điều chỉnh bởi bác sĩ tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với thuốc.
  • Tiêu diệt H. pylori: Liều lượng là 20mg hai lần mỗi ngày và bình thường trong 7 ngày cùng với sự kết hợp của hai loại kháng sinh - clarithromycin và amoxicilin).

Đối với trẻ em, thuốc viên Rabeprazole không được khuyến khích sử dụng trong những đối tượng này.

Nếu vô tình đã uống nhiều viên rabeprazole hơn số lượng được chỉ định thì bạn nên tham vấn với bác sĩ hoặc đến thẳng bệnh viện. Ngược lại, nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần thời điểm dùng liều tiếp theo thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục như bình thường mà không dùng liều gấp đôi để bù cho một liều đã quên.


Loét tá tràng và loét dạ dày lành tính là công dụng thuốc Utrazo 20
Loét tá tràng và loét dạ dày lành tính là công dụng thuốc Utrazo 20

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Utrazo 20

Giống như tất cả các loại thuốc khác, thuốc Utrazo 20 có thể gây ra các tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng mắc phải. Thông thường, các tác dụng phụ thường nhẹ và tự cải thiện mà người bệnh không cần phải ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ tình trạng nghiêm trọng nào sau đây, bạn cần ngừng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức, vì có thể cần điều trị y tế khẩn cấp:

  • Phản ứng dị ứng - các dấu hiệu có thể bao gồm sưng mặt, khó thở hoặc tụt huyết áp có thể gây ngất xỉu hay té ngã.
  • Nhiễm trùng thường xuyên, chẳng hạn như đau họng hoặc sốt, nổi vết loét trong miệng hoặc họng.
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

Ngoài ra, các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Utrazo 20 bao gồm:

  • Ho, đau họng do viêm họng), sổ mũi
  • Ảnh hưởng đến dạ dày hoặc ruột, chẳng hạn như đau dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi, cảm thấy buồn nôn, nôn ói hoặc táo bón
  • Nhức mỏi, đau lưng
  • Mệt mỏi, mất sức, các triệu chứng giống như cảm cúm
  • Khó ngủ, nhức đầu, chóng mặt
  • Polyp lành tính trong dạ dày.

Tóm lại, thuốc Utrazo 20 có thành phần là rabeprazole đem lại tác dụng làm giảm lượng axit trong dạ dày. Theo đó, công dụng thuốc Utrazo được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng ợ nóng, trào ngược axit và bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD). Ngoài ra, rabeprazole cũng được dùng để ngăn ngừa và điều trị loét dạ dày hay các hội chứng Zollinger-Ellison. Thuốc Utrazo 20 thuộc nhóm ức chế tiết axit nên tốt nhất được dùng trước bữa ăn sáng. Người bệnh cần ăn uống điều độ, tránh bỏ bữa và giảm căng thẳng trong cuộc sống để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổn thương trên niêm mạc đường tiêu hóa mau lành hơn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicines.org.uk,hpra.ie

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe