Thuốc Levetral được bác sĩ chỉ định điều trị động kinh cục bộ nguyên phát hoặc thứ phát cho người lớn và thanh thiếu niên. Thuốc có thể dùng điều trị riêng hoặc phối hợp với các thuốc khác, bởi cơ chế hoạt động của thuốc này không giống với các thuốc chống động kinh hiện có.
1. Công dụng của thuốc Levetral
Thuốc Levetral 500 mg có thành phần chính là Levetiracetam 500 mg. Được bào chế dưới dạng viên nén hoặc dạng thuốc có thể dùng đơn trị liệu trong các trường hợp động kinh nhất định hoặc dùng có thể phối với các thuốc khác để điều trị động kinh.
Levetiracetam là dẫn xuất pyrolidin, có tác dụng chống co giật và nó có cấu trúc hóa học không liên quan đến các thuốc điều trị động kinh khác hiện có nên có thể dùng phối hợp. Cơ chế tác dụng của levetiracetam hiện chưa được biết rõ. Thuốc Levetiracetam không có ái lực với các thụ thể như acid gamma aminobutyric (GABA), glycin hay N-methyl D-aspartat (NMDA). Thuốc có thể tác dụng thông qua một vị trí gắn đặc hiệu của mô não là protein 2A của túi synap và nó chỉ gắn khu trú vào màng tế bào synap ở hệ thần kinh trung ương mà không gắn vào các mô ngoại vi. Cho nên Levetiracetam ức chế sự bùng phát cơn động kinh nhưng không ảnh hưởng tới kích thích thần kinh bình thường.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Levetral 500 mg
Thuốc Levetral 500mg được chỉ định trong các trường hợp sau:
Dùng đơn trị liệu ở người lớn và thanh thiếu niên từ 16 tuổi trở lên mới được chẩn đoán động kinh, để trị một số dạng động kinh nhất định. Levetiracetam được dùng trong dạng động kinh mà cơn co giật khởi phát chỉ ở một bên của não, nhưng sau đó có thể lan rộng ở một vùng lớn hơn ở cả hai bên của não giúp giảm số lượng cơn co giật.
Phối hợp với các thuốc chống động kinh khác trong việc điều trị:
- Các cơn động kinh cục bộ ở người lớn và trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên.
- Động kinh rung giật cơ ở người lớn và trẻ từ 12 tuổi.
- Các cơn động kinh toàn thể gây co cứng co giật tiên phát ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên bị động kinh toàn thể nguyên phát.
Chống chỉ định dùng thuốc Levetral trong một số trường hợp sau:
- Thuốc chống chỉ định trong các trường hợp phản ứng mẫn cảm với levetiracetam hoặc các dẫn chất của pyrolidon hoặc một trong các thành phần của thuốc.
- Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy thận, suy gan nặng và người cao tuổi có giảm chức năng thận.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Levetral 500mg
Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, người bệnh cần uống thuốc cùng với một lượng nước đủ, thuốc có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn. Để đảm bảo hiệu quả và tránh trường hợp quên uống thuốc thì bạn nên uống vào một thời gian gần như nhau của mỗi ngày.
Liều dùng thuốc:
3.1. Đơn trị liệu
Đối với người lớn và vị thành niên từ 16 tuổi. Dùng liều khởi đầu là 250 mg/ lần và hai lần/ngày, sau đó tăng lên đến 500 mg hai lần/ngày sau 2 tuần. Liều này vẫn có thể tiếp tục tăng thêm 250 mg/ lần sau mỗi 2 tuần, tuỳ thuộc vào đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Liều tối đa là 1500mg mỗi lần và hai lần/ngày.
3.2. Điều trị kết hợp
- Đối với trẻ trên 12 tuổi(cân nặng từ 50kg trở lên) và người lớn: Liều khởi đầu là 500 mg mỗi lần và dùng hai lần/ngày. Sau đó căn cứ trên đáp ứng lâm sàng và tính dung nạp thuốc thì có thể tăng liều lên đến 1500 mg mỗi lần và hai lần/ngày. Điều chỉnh liều thuốc tăng lên hoặc giảm xuống mỗi lần 500 mg hai lần/ngày trong khoảng thời gian 2 - 4 tuần.
- Người già (từ 65 tuổi trở lên): Cần chỉnh liều nếu có suy giảm chức năng thận.
- Trẻ em từ 4 đến 11 tuổi và trẻ vị thành niên (12-17 tuổi) cân nặng ít hơn 50kg: Nên dùng dạng bào chế phù hợp vì dạng viên nén khi dùng dễ gây hóc cho trẻ.
- Liều ở trẻ em từ 50kg trở lên: tương tự với người lớn.
- Trẻ dưới 4 tuổi: Không nên sử dụng thuốc levetiracetam cho trẻ dưới 4 tuổi, vì chưa có đủ dữ liệu chứng minh an toàn của thuốc và hiệu quả điều trị.
3.3.Liều dùng ở bệnh nhân suy thận
Ở người lớn và trẻ em trên 50kg: Liều dụng dựa vào độ thanh thải creatinin.
- Nếu độ thanh thải creatinin trên 80ml/phút dùng liều từ 500 - 1500 mg hai lần/ngày;
- Từ 50-79ml/phút thì dùng liều 500 - 1000 mg hai lần/ngày; Từ 30 - 49ml/phút dùng liều 250- 750 mg hai lần/ngày;
- Nếu dưới 30ml/phút dùng 250- 500 mg hai lần/ngày.
Ngoài ra, đối với trẻ em bị suy thận cũng cần chỉnh liều phù hợp dựa trên độ thanh thải creatinin.
Đối với bệnh nhân suy gan: Không cần chỉnh liều đối nếu suy gan từ mức độ nhẹ đến trung bình. Đối với bệnh nhân suy gan nặng nên giảm 50% liều duy trì hàng ngày.
4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Levetral
Cũng như các loại thuốc khác, khi dùng thuốc Levetral cũng có thể gây tác dụng không mong muốn, bao gồm:
Các tác dụng phụ thường gặp:
- Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng gây ra viêm mũi họng.
- Buồn ngủ, đau đầu, chán ăn.
- Trầm cảm, hung hăng hay kích động, lo âu, mất ngủ, căng thẳng, co giật, rối loạn cân bằng, chóng mặt, run, ù tai.
- Đau bụng, tiêu chảy, chậm tiêu, buồn nôn, nôn, phát ban trên da, mệt mỏi.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu: Khiến bệnh nhân dễ bị chảy máu và nhiễm khuẩn hơn.
- Sụt cân, tăng cân, rối loạn tâm thần, có hành động tự sát, ảo giác, hoảng loạn, kích động...
- Mất hay suy giảm trí nhớ, rối loạn/mất điều hòa phối hợp vận động, dị cảm, rối loạn chú ý, nhìn đôi, nhìn mờ, ngứa, rụng tóc, yếu cơ, đau cơ.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Phản ứng quá mẫn: Bao gồm phù mạch và sốc phản vệ. Nếu xuất hiện ngưng dùng thuốc và tới cơ sở ý tế gần nhất ngay lập tức.
- Hạ natri huyết, hành động tự sát, rối loạn nhân cách hay có suy nghĩ bất thường, rối loạn kiểu ngoại tháp, suy gan, viêm tụy.
- Da và các mô dưới da: Hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng.
Nếu gặp các tác dụng phụ khi dùng thuốc, người bệnh cần cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Levetral
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin:
- Thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh kèm theo và tất cả các thuốc bạn đang sử dụng.
- Nếu dùng thuốc bạn thấy bản thân hoặc người dùng thuốc có ý nghĩ tự sát, rối loạn tâm thần, hành vi bất thường, ảo giác, cơn hoảng loạn, rối loạn cảm xúc, kích động, trẻ em chậm phát triển hay dậy thì sớm... thì cần thông báo với bác sĩ ngay. Vì có nguy cơ tự sát trong tương lai.
- Đối với người lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Levetiracetam có thể làm giảm khả năng lái xe và vận hành máy móc, vì khi dùng thuốc có thể gây tác dụng buồn ngủ. Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh bắt đầu điều trị và sau khi tăng liều. Vì thế, bạn không nên lái xe hay vận hành máy móc cho đến khi chắc chắn rằng mình không bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ này.
- Đối với phụ nữ thời kỳ mang thai và cho con bú: Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Levetiracetam.
- Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng đồng thời các thuốc với nhau. Một số thuốc có thể gây ra tương tác khi dùng bao gồm: Các thuốc chống động kinh khác, thuốc Probenecid, Methotrexate, thuốc tránh thai đường uống, digoxin, chống đông warfarin, thuốc nhuận tràng thẩm thấu (macrogol).
- Tương tác với thức ăn: khi dùng chung mức độ hấp thu của levetiracetam gần như không bị thay đổi bởi thức ăn, nhưng tốc độ hấp thu thuốc có thể bị giảm đi đôi chút.
- Bảo quản thuốc nơi thoáng mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30 độ C và để xa tầm tay trẻ em.
Thuốc điều trị động kinh có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương, nên trong các trường hợp hiếm gặp có thể gây tác dụng phụ rối loạn tâm thần hay thần kinh. Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy những thay đổi này bạn cần thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.