Thuốc Colestrim Supra là thuốc hạ lipid máu, thường được dùng để điều trị tăng cholesterol máu, tăng lipoprotein máu thứ phát. Thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng như đau tức ngực, chóng mặt..., hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Để thuốc phát huy tối đa công dụng, nên dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng hợp lý.
1. Thuốc Colestrim supra là thuốc gì?
Thuốc Colestrim supra có thành phần chính là Fenofibrat 145mg, dẫn chất của axit fibric. Thuốc có công dụng ức chế sinh tổng hợp cholesterol ở gan, làm giảm bớt các thành phần gây xơ vữa, tăng sản xuất lipoprotein tỷ trọng cao, đồng thời giảm chỉ số triglycerid trong máu. Nhờ đó, thuốc Colestrim supra giúp cải thiện đáng kể sự phân bố cholesterol trong huyết tương.
Với các công dụng của mình, thuốc Colestrim supra được chỉ định cho các trường hợp:
- Tăng cholesterol máu (tuýp IIa), tăng triglycerid máu nội sinh đơn lẻ (tuýp IV), tăng lipid máu kết hợp (tuýp IIb & III) sau khi đã áp dụng chế độ ăn kiêng đúng cách mà không hiệu quả;
- Tăng lipoprotein máu thứ phát, dai dẳng dù đã điều trị nguyên nhân (rối loạn lipid máu trong bệnh tiểu đường).
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Colestrim supra
Điều trị bằng Fenofibrate cần phải duy trì liên tục và kết hợp với chế độ ăn rất hạn chế lipid, uống thuốc trong bữa ăn. Bằng cách này, người bệnh có thể giảm đến 20 - 25% cholesterol toàn phần và 40 - 50% triglycerid trong máu.
2.1. Liều dùng cho người lớn
- Liều ban đầu thường là 200mg/ngày (Uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần). Nếu chỉ số cholesterol toàn phần trong máu vẫn cao hơn 4g/l thì có thể cân nhắc tăng liều lên 300mg/ngày. Người bệnh uống 1 viên 300mg/ngày vào bữa ăn chính hoặc uống 3 lần, mỗi lần 1 viên 100mg cùng với các bữa ăn.
- Cần duy trì liều ban đầu cho đến khi chỉ số cholesterol trong máu trở lại bình thường, sau đó có thể giảm nhẹ liều hàng ngày xuống. Cần duy trì xét nghiệm cholesterol máu 3 tháng/lần, nếu thấy các thông số lipid máu lại tăng thì phải tăng liều lên 300mg/ngày.
2.2. Liều dùng cho trẻ em
- Trước khi dùng thuốc cần nghiên cứu kỹ để xác định căn nguyên gây tăng lipid máu ở trẻ em. Có thể thử điều trị kết hợp với một chế độ ăn kiêng được kiểm soát chặt chẽ trong vòng 3 tháng. Liều tối đa khuyên dùng cho trẻ em là 5mg/kg/ngày.
- Trong một số trường hợp đặc biệt (trẻ tăng lipid máu rất cao kèm theo các dấu hiệu lâm sàng của xơ vữa động mạch, có cha mẹ có biểu hiện tim mạch do xơ vữa trước 40 tuổi, có đám đọng xanthoma...) thì có thể dùng liều cao hơn nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Các lưu ý về cách dùng thuốc:
- Không dùng viên Colestrim supra 300mg cho trẻ em; chỉ dùng viên có hàm lượng này cho bệnh nhân cần dùng liều 300mg/ ngày.
- Uống thuốc Colestrim supra đúng thời gian bác sĩ kê đơn để đảm bảo công dụng của thuốc.
- Nếu quên liều, uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu thời gian giãn cách với liều dùng tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng gấp đôi liều để uống bù cho liều đã quên.
3. Tác dụng phụ của thuốc Colestrim supra
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Colestrim supra, người dùng có thể gặp phải các vấn đề sau:
- Táo bón;
- Tiêu chảy;
- Ợ nóng;
- Đau ở cánh tay, lưng hoặc chân;
- Đau đầu;
- Đau nhức cơ, đau khớp;
- Cảm sốt;
- Phồng rộp hay bong tróc da;
- Nổi mề đay, phát ban;
- Đau dạ dày (đặc biệt là phần trên bên phải dạ dày);
- Buồn nôn và nôn;
- Khó thở, ho ra máu...
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên hay các dấu hiệu bất thường khác, người bệnh nên liên hệ và nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ ngay lập tức.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Colestrim supra
Chống chỉ định dùng thuốc Colestrim supra cho các trường hợp sau:
- Suy thận nặng;
- Rối loạn chức năng gan nặng;
- Trẻ dưới 10 tuổi;
- Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong công thức thuốc.
Đặc biệt thận trọng dùng thuốc Colestrim supra cho các trường hợp sau:
- Người cao tuổi;
- Phụ nữ đang mang thai;
- Phụ nữ đang cho con bú.
Các lưu ý khác:
- Nhất thiết phải kiểm tra chức năng gan và thận của người bệnh trước khi bắt đầu dùng Fenofibrate. Cụ thể: cần đo transaminase 3 tháng/lần, trong 12 tháng đầu dùng thuốc. Nếu thấy SGPT (ALT) > 100 đơn vị quốc tế thì cần tạm ngừng dùng thuốc.
- Đối với bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu: Khi bắt đầu dùng Fenofibrate, cần giảm liều thuốc chống đông xuống chỉ còn 1/3 liều cũ và điều chỉnh nếu cần. Cần theo dõi thường xuyên hơn lượng prothrombin huyết. Ðiều chỉnh liều thuốc chống đông trong quá trình dùng và sau khi ngừng dùng Fenofibrate 8 ngày.
- Nếu nồng độ lipid trong máu không giảm nhiều sau 3-6 tháng điều trị bằng thuốc thì cần trị liệu bổ sung hoặc thay đổi phương thức trị liệu khác.
- Ưu tiên các chế độ ăn ít béo, ít cholesterol trong thời gian điều trị bằng thuốc Colestrim supra. Tuân thủ các chế độ tập thể dục, rèn luyện sức khỏe do bác sĩ đề xuất.
5. Tương tác thuốc Colestrim supra
- Dùng kết hợp thuốc Colestrim supra với các thuốc ức chế HMG-CoA reductase (ví dụ như: Pravastatin, Simvastatin, Fluvastatin) sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương cơ và viêm tụy cấp;
- Không kết hợp thuốc có chứa Fenofibrat với các thuốc có tác dụng độc với gan (như thuốc ức chế MAO, perhexilin, maleat...);
- Kết hợp fibrat với thuốc Ciclosporin có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ.
- Thành phần Fenofibrate làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông và làm tăng nguy cơ xuất huyết. Do vậy cần theo dõi sát sao lượng prothrombin và điều chỉnh liều thuốc chống đông trong thời gian điều trị bằng fenofibrat và cả sau khi ngừng thuốc 8 ngày.
Trên đây là thông tin về thuốc Colestrim supra, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Khi không còn sử dụng thuốc, bạn cần thu gom và xử lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.