Thuốc Accuneb là một thuốc có tác dụng giãn phế quản. Thuốc này hoạt động bằng cách kích thích thụ thể beta 2 của Adrenergic. Khi sử dụng bạn cần sử dụng đúng cách và đặc biệt lưu ý một số điều. Cùng tham khảo thông qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Accuneb là gì?
Thuốc Accuneb có thành phần chính là albuterol, đây là thuốc thuộc nhóm cường beta-2 Adrenergic. Được bào chế dưới dạng hít.
Albuteroll được sử dụng để điều trị hoặc dùng ngăn ngừa co thắt phế quản ở những bệnh bệnh nhân hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng và một số bệnh do tắc nghẽn đường hô hấp. Thuốc cũng được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng co thắt phế quản do tập thể dục ở một số người.
Albuterol thuộc nhóm thuốc giãn phế quản do cường thụ thể beta 2 của adrenergic. Thuốc nhóm này thường có tác dụng giảm tình trạng thở khò khè và khó thở giúp tăng lưu lượng khí qua các ống phế quản.
2. Công dụng của thuốc Accuneb
Chỉ định dùng thuốc Accuneb trong một số trường hợp sau:
- Thuốc thường được dùng để điều trị và ngăn ngừa co thắt phế quản ở những người bệnh có tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục như trong bệnh hen phế quản.
- Dùng thuốc Accuneb để ngăn ngừa tình trạng vận động gây co thắt phế quản.
Một số trường hợp cần lưu ý khi dùng thuốc bao gồm:
- Không dùng cho người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không dùng cho bệnh nhân suy thận nặng.
- Thận trọng dùng cho người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, hạ kali máu, cường giáp, suy thận mức độ nhẹ và vừa, nhiễm toan ceton, đông kinh. Những trường hợp này cần cân nhắc kỹ hơn khi dùng vì có thể làm cho bệnh lý này nặng hơn.
3. Cách sử dụng Accuneb
Cách sử dụng: Đối với Accuneb được bào chế dưới dạng dung dịch hít albuterol, nên được sử dụng với máy phun sương. Cách sử dụng sẽ có trong tờ hướng dẫn nên bạn cần đọc kỹ và làm theo những hướng dẫn này thật cẩn thận.
Dưới đây là cách dùng dung dịch hít trong máy phun sương bạn có thể tham khảo:
- Sử dụng một hộp đựng dung dịch hoặc trộn lượng dung dịch bằng ống nhỏ giọt chính xác cho mỗi liều.
- Đặt dung dịch xông vào bình chứa thuốc hoặc cốc phun sương trên máy.
- Kết nối máy phun sương với mặt nạ hoặc một loại ống ngậm, rồi sử dụng mặt nạ hoặc ống ngậm để hít thuốc.
- Sử dụng máy phun sương này trong khoảng 5 đến 15 phút, hoặc dùng cho đến khi hết thuốc trong cốc đựng của máy phun sương.
- Vệ sinh tất cả các bộ phận của máy phun sương sau mỗi lần sử dụng.
Liều lượng: Liều dùng của thuốc này sẽ khác nhau đối với từng bệnh nhân. Dưới đây là liều dùng tham khảo với dạng dạng dung dịch hít dùng với máy phun sương.
Để ngăn ngừa co thắt phế quản:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Dùng liều 2,5 miligam (mg) trong máy phun sương từ 3 hoặc 4 lần mỗi ngày nếu cần.
- Trẻ em từ 2 đến 12 tuổi: Dùng liều 0,63-1,25 mg trong máy phun sương 3 hoặc 4 lần mỗi ngày nếu cần.
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Khi muốn sử dụng phải do bác sĩ xác định tùy vào từng trẻ.
Quên liều: Nếu bỏ lỡ một liều thuốc này, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch dùng thuốc thông thường.
Lưu ý bảo quản: Giữ thuốc trong túi giấy cho đến khi dùng, tránh nhiệt độ cao, ánh sáng trực tiếp, không để trong tủ đông. Tránh xa tầm tay của trẻ em.
4. Tác dụng phụ của thuốc Accuneb
Cùng với những tác dụng cần thiết, khi dùng thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
- Thông báo với bác sĩ ngay nếu gặp phải một số tác dụng phụ sau: Nhịp tim nhanh không đều, đánh trống ngực hoặc loạn nhịp; run rẩy, đau bụng dưới, nước tiểu có máu hoặc đục, khó chịu ở ngực, ớn lạnh, ho, tiêu chảy; khó thở....
- Một số tác dụng phụ hay gặp hơn có thể xảy ra như: đau nhức cơ thể, đi tiểu khó, nóng rát, đau tai, đau đầu, nghẹt mũi, khó ngủ...
Không phải các tác dụng phụ đã được liệt kê đầy đủ. Bạn có thể gặp những tác dụng phụ khác khi dùng thuốc. Cho nên nếu thấy các dấu hiệu bất thường nặng hoặc xuất hiện dai dẳng cần thăm khám ngay.
5. Những lưu ý khi sử dụng Accuneb
Trước khi dùng thuốc cần cân nhắc kỹ lợi ích và rủi ro của việc dùng thuốc. Cần cho bác sĩ biết nếu như bạn có ý định dùng thuốc khi bị dị ứng, tiền sử dị ứng thuốc hay thức ăn; dùng thuốc này cho trẻ nhỏ đặc biệt là dưới 2 tuổi; người cao tuổi vì có nguy cơ tác dụng phụ hơn; các bệnh lý toàn thân khác bạn có thể mắc.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú luôn thận trọng khi dùng và hỏi bác sĩ để có thể cân nhắc được yếu tố nguy cơ, lợi ích khi dùng. Tương tác với thuốc có thể xảy ra khi bạn dùng đồng thời các thuốc với nhau. Điều này có thể làm tăng tác dụng phụ và giảm tác dụng chính của các thuốc. Một số loại thuốc cần lưu ý khi kết hợp với thuốc Accuneb gồm: Acebutolol, Amitriptyline, Amitriptylinoxide, Amoxapine, Atenolol, Befunolol, Bevantolol, Bopindolol, Carteolol, Carvedilol, Clomipramine, Dibenzepin, Landiolol, Levalbuterol, Levobunolol, Melitracen, Mepindolol, Methacholine, Metoprolol, Propranolol, Tertatolol, Tianeptine, Timolol...
Thông báo với bác sĩ nếu như: Các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn sau khi sử dụng thuốc này; nếu có thể đang dùng thuốc chống viêm, bao gồm steroid cùng với thuốc này, không ngừng dùng thuốc chống viêm một cách đột ngột ngay cả khi bệnh hen suyễn của bạn có vẻ đỡ hơn trước.
Albuterol có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tới cơ sở y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng như phát ban da, ngứa, khó thở hoặc khó nuốt, sưng tấy nào ở tay, mặt hoặc miệng khi bạn đang sử dụng thuốc này.
Hạ kali máu: có thể xảy ra khi đang sử dụng thuốc này. Kiểm tra với bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện dấu hiệu như giảm nước tiểu, khô miệng, tăng khát nước, nhịp tim nhanh, không đều, chán ăn, thay đổi tâm trạng, đau cơ hoặc tình trạng chuột rút, buồn nôn, nôn, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân hoặc ngứa ở môi, khó thở, co giật hoặc mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường...Hạ kali máu là một cấp cứu nội khoa, cần được điều chỉnh nhanh chóng vì kali tham gia vào dẫn truyền cơ tim.
Trên đây là một số thông tin cần biết về thuốc Accuneb, bạn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc về lợi ích và rủi ro để có thể theo dõi được quá trình dùng thuốc tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com