Công dụng của erythromycin thuốc bôi

Thuốc bôi ngoài da Erythromycin được biết đến trong điều trị các vấn đề về mụn trứng cá. Vậy Erythromycin thuốc bôi có những công dụng cụ thể như thế nào? Sử dụng bôi ngoài da Erythromycin sao cho hiệu quả? Đọc thêm bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Thuốc bôi ngoài da Erythromycin là thuốc gì?

Thuốc bôi trị mụn Erythromycin có thành phần chính chứa hoạt chất erythromycin với hàm lượng 4% và các tá dược vừa đủ. Thuốc được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da, đóng gói dạng tuýp 10 gam hoặc 15 gam.

2. Công dụng của thuốc bôi ngoài da Erythromycin

Thuốc bôi trị mụn Erythromycin được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá thể nặng. Ngoài ra thuốc còn có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề khác dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Thuốc bôi Erythromycin là thuốc thuộc nhóm kháng sinh Macrolid, có thể cải thiện được tình trạng mụn bằng cách làm chậm sự tăng trưởng của các vi khuẩn gây tình trạng mụn trứng cá.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc bôi ngoài da Erythromycin

3.1 Cách dùng của thuốc bôi ngoài da Erythromycin

Bệnh nhân cần làm sạch khu vực đang bị mụn trứng cá trước khi tiến hành bôi thuốc,lau khô rồi bôi nhẹ nhàng một lượng kem vừa đủ lên khu vực này (không được chà xát quá mạnh), sau khi bôi thuốc xong, người bệnh cần rửa tay ngay lập tức.

3.2 Liều dùng thuốc bôi ngoài da Erythromycin

Ở người lớn:

  • Bôi một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị mụn, ngày bôi 1 đến 2 lần. Thời gian sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào phản ứng của bệnh nhân với thuốc. Tuy nhiên đáp ứng tối đa có thể kéo dài đến 12 tuần.

Ở trẻ em:

  • Ở trẻ em nhỏ hơn 12 tuổi bị mụn: Tính hiệu quả và an toàn của thuốc chưa được xác định và nghiên cứu.
  • Ở trẻ em trên 12 tuổi bị mụn: Bệnh nhân bôi một lượng kem vừa đủ lên vùng da bị mụn (không chà xát quá mạnh), bôi ngày 1 đến 2 lần. Đáp ứng thuốc tối đa có thể không lên đến 12 tuần.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc bôi ngoài da Erythromycin

Trong quá trình sử dụng thuốc bôi ngoài da Erythromycin, bên cạnh tác dụng điều trị của thuốc, phụ thuộc vào từng người, tác dụng không mong muốn là khác nhau, có người có thể không gặp hoặc gặp tác dụng phụ rất nhẹ.

Khuyến cáo người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp những tác dụng không mong muốn nặng xảy ra như:

  • Trong phân có máu;
  • Kích ứng mắt, rát, ngứa, đau hoặc đỏ da;
  • Tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng;
  • Các phản ứng dị ứng nặng như: Nổi mề đay, phát ban, khó thở, ngứa, tức ngực, sưng miệng, mặt, lưỡi, môi;
  • Đau bụng.

Nếu gặp bất cứ các dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

5. Tương tác thuốc bôi ngoài da Erythromycin

Việc sử dụng thuốc bôi ngoài da Erythromycin chung với các loại thuốc khác có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các loại thuốc khác đang dùng hoặc làm tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Người bệnh cần liệt kê tất cả các loại thuốc bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược với bác sĩ trước khi được chỉ định dùng thuốc bôi ngoài da Erythromycin để có phác đồ hợp lý, hiệu quả.

Các loại thuốc có thể tương tác với thuốc bôi ngoài da Erythromycin:

  • Các thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc Erythromycin: rifampin hoặc efavirenz.
  • Các thuốc khi dùng chung với thuốc Erythromycin có thể có tác dụng phụ nhịp tim không đều, nhiễm độc tim như: dofetilid, cimetidine, Asen, diltiazem, thuốc ức chế protease HIV, imidazole, thuốc kéo dài khoảng QT, streptogramin, pimozid, quinolone.
  • Các thuốc có tác dụng phụ sẽ tăng lên khi sử dụng chung với thuốc Erythromycin: Thuốc chống đông máu (warfarin), benzodiazepins, thuốc ức chế aldosterone (alfentanil, astemizol), bromocriptin, cilostazol, clozapin, chất kháng H1 (diphenhydramine), ức chế miến dịch nhóm macrolide (tacrolimus), thức ức chế HMG-CoA reductase (simvastatin), thuốc kéo dài QT (sotalol, quinidine), theophyllins, quinolone (ciprofloxacin), thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline).

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc bôi ngoài da Erythromycin

  • Không chỉ định sử dụng thuốc Erythromycin cho người bệnh quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc kể cả thành phần chính và các tá dược có trong thuốc.
  • Không sử dụng thuốc erythromycin cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu cần thiết phải tuân thủ hoàn toàn chỉ định của bác sĩ. Cần cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ khi sử dụng thuốc Erythromycin.
  • Thận trọng trên đối tượng có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý như: dị ứng thực phẩm, thức ăn hoặc các loại hóa chất khác, người bị rối loạn máu hoặc mắc bệnh gan.

7. Bảo quản thuốc bôi ngoài da Erythromycin

Thuốc bôi ngoài da Erythromycin nên bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc những nơi có nhiệt độ cao. Nhiệt độ bảo quản thích hợp nên từ 25 đến 30 độ C. Tránh để thuốc ở khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.

Trước khi sử dụng thuốc bôi ngoài da Erythromycin, cần xem kĩ hạn sử dụng, nếu đã quá hạn sử dụng so với ngày in trên bao bì sản phẩm hoặc có xuất hiện những dấu hiệu lạ như đổi màu thì người bệnh không nên sử dụng thuốc đó nữa. Lưu ý, Erythromycin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà để tránh gặp phải tác dụng không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe