Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông
Cây qua lâu còn có tên gọi khác là dưa núi, vương qua, hoa bát (tên gọi ở miền Bắc) hay bát bát châu (tên miền Nam). Tất cả các bộ phận của cây Qua lâu đều được sử dụng làm thuốc. Mỗi bộ phận lại có công dụng khác nhau.
1. Công dụng của cây qua lâu
Cây qua lâu là một dây leo dài từ 3-10m, có rễ củ thuôn dài thắt khúc. Lá cây hình tim, mọc so le, hoa đơn tính màu trắng. Quả qua lâu hình cầu hoặc hình trứng, quả non có màu lục, khi chín màu đỏ, nhiều hạt hình trứng dẹt màu nâu. Tất cả các bộ phận của cây Qua lâu đều được sử dụng làm thuốc
- Quả - Fructus Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu.
- Vỏ quả - Pericarpium Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu bì.
- Hạt - Semen Trichosanthis, thường gọi là Qua lâu nhân.
- Rễ củ - Radix Trichosanthis, thường gọi là Thiên hoa phấn.
1.1. Công dụng của vỏ quả qua lâu
Vỏ quả qua lâu được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền với tên vị thuốc là qua lâu bì. Qua lâu bì có vị ngọt, hơi chua, mùi gần giống mùi đường sao cháy, tính hàn, không độc.
Qua lâu bì có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, được sử dụng trong chữa sốt nóng, ho, thổ huyết, thủy thũng, vàng da. Liều dùng hàng ngày của vị thuốc này là từ 8-16g dưới dạng thuốc sắc.
Qua lâu bì thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
- Chữa viêm họng, khản tiếng: Qua lâu bì 10g, cam thảo 10g, bạch cương tằm 10g, gừng tươi 4g, đem sắc với 200ml, còn 50ml, uống trong ngày.
- Chữa viêm tuyến vú: Qua lâu bì 12g, bồ công anh 40g, liên kiều 16g, kim ngân hoa 16g, thanh bì 8g, sài đất 8g, hoàng cầm 12g, sắc uống trong ngày.
- Chữa đau thắt ngực: Qua lâu bì 12g, xuyên khung, trầm hương, đan sâm, uất kim (mỗi vị 20g), hồng hoa 16g, hương phụ chế, xích thược, hẹ (mỗi vị 12g), xuyên quy vĩ 10g, sắc uống trong ngày.
1.2. Công dụng của nhân hạt qua lâu
Vị thuốc qua lâu nhân là phần hạt lấy ở quả già, chắc, mập, phơi hoặc sấy khô. Khi sử dụng đập nhẹ cho vỏ tách đôi, lấy phần nhân giã nát (dùng sống) để trừ nhiệt. Ngoài ra có thể tẩm mật ong sao qua (bổ phế) để trị rát cổ (dùng chín).
Vị thuốc qua lâu nhân ngọt, hơi đắng, có tính hàn, đi vào kinh phế, vị và đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, nhuận phế, chỉ khái, nhuận tràng. Liều dùng qua lâu nhân từ 8-16g ở dạng thuốc sắc, thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
- Chữa viêm tắc động mạch: Qua lâu nhân 16g, cam thảo, đương quy (mỗi vị 20g), xích thược, kim ngân hoa, ngưu tất (mỗi vị 16g), đan bì, đào nhân, huyền sâm (mỗi vị 12g), sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa lao phổi: Qua lâu nhân 8g, hạ khô thảo, sài hồ, huyền sâm (mỗi vị 16g), chỉ xác, bán hạ chế, tang bạch bì (mỗi vị 8g), sắc uống trong ngày.
- Lưu ý: Người có tỳ vị hư hàn không được dùng qua lâu nhân. Dùng nhiều qua lâu nhân có thể sinh tiêu chảy.
1.3. Công dụng của rễ cây qua lâu
Vị thuốc từ phần rễ của cây qua lâu có tên gọi là thiên hoa phấn. Rễ cây qua lâu đào về, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, thái thành từng đoạn, rễ nhỏ để nguyên còn to thì bổ dọc, phơi hay sấy khô.
Thiên hoa phấn có vị ngọt, chua, tính hàn, tác dụng vào 3 kinh phế, vị và đại trường. Liều dùng của thiên hoa phấn từ 8-16g dưới dạng thuốc sắc hoặc có thể đem thái mỏng, giã nát, ngâm nước, lọc lấy bột, dùng mỗi lần 4-8g.
Vị thuốc thiên hoa phấn có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong các trường hợp sau:
- Chữa mụn nhọt lâu ngày: Dùng thiên hoa phấn 8g, ý dĩ 12g, bạch chỉ 10g, sắc uống hoặc tán bột uống.
- Chữa sốt nóng do viêm họng, da vàng, miệng khô khát: Lấy thiên hoa phấn 8g, rễ cây ké lớn đầu 8g, sắc uống trong ngày.
- Chữa viêm amidan mạn tính: Dùng thiên hoa phấn 8g, sinh địa 16g, huyền sâm, hoài sơn, ngưu tất (mỗi vị 12g), sơn thù, đan bì, phục linh, tri mẫu, địa cốt bì, trạch tả (mỗi vị 8g), xạ can 6g, sắc uống trong ngày.
- Chữa tắc tia sữa: Thiên hoa phấn 8g, đương quy, sài hồ, xuyên sơn giáp (mỗi vị 8g), bạch thược 12g, cát cánh, thanh bì, thông thảo (mỗi vị 6g), sắc uống trong ngày.
Theo Trung Dược Học, hoạt chất triterpenoid saponin có trong qua lâu có tác dụng trừ đờm. Bên cạnh đó, chất béo trong nhân hạt qua lâu có tác dụng gây xổ mạnh. Không những thế, qua lâu còn giúp tác động làm giãn động mạch vành, giúp hạ mỡ máu và chống thiếu oxy.
Ngoài ra, qua lâu còn có tác dụng kháng khuẩn, có thể tiêu diệt một số chủng như trực khuẩn mủ xanh, phó thương hàn, lỵ và thương hàn, phẩy khuẩn thổ tả,... Mặt khác, cây qua lâu cũng giúp loại bỏ và ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da, ngăn ngừa ung thư.
2. Lưu ý khi dùng qua lâu chữa bệnh
Khi sử dụng qua lâu chữa bệnh, bạn nên chú ý những điều sau:
- Qua lâu nhân có tác dụng chữa chứng đờm do nhiệt táo gây ra, nhưng không có hiệu quả trong điều trị chứng thấp, hàn và thực tích sinh đờm; khí hư.
- Hạt qua lâu có tác dụng nhuận tràng. Do đó, người có tỳ vị hư yếu không nên sử dụng để tránh tình trạng thuốc gây tiêu chảy.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng qua lâu nhân chữa bệnh. Bởi vị thuốc này chưa được chứng minh an toàn.
- Người gặp các vấn đề về sức khỏe như bị tiêu chảy hay mắc chứng rối loạn co giật cũng không nên dùng qua lâu dược liệu điều trị bệnh.
- Không nên dùng qua lâu cùng với các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc giảm đường huyết khi chưa được bác sĩ cho phép nhằm tránh tình trạng tương tác làm tăng tác dụng phụ của các loại thuốc.
Cho đến nay, tác dụng và tính an toàn của cây qua lâu vẫn chưa được nghiên cứu sâu. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn trước khi dùng dược liệu này điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.