Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (hay còn gọi là tim nhanh trên thất) là một thuật ngữ khá rộng. Tình trạng này bao hàm nhiều loại rối loạn nhịp nhanh với các cơ chế và nguồn gốc gây bệnh khác nhau.

1. Thế nào là cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất?

Nhịp nhanh trên thất là bệnh lý bao gồm tất cả các loại rối loạn nhịp nhanh từ bó His trở lên nhưng không bao gồm tình trạng rung nhĩ. Nhịp nhanh kịch phát trên thất là bệnh lý khởi phát và kết thúc một cách rất đột ngột, bao gồm: tim nhanh vào lại nút nhĩ thất, tim nhanh trên thất do vòng vào lại đường dẫn truyền phụ nhĩ thất. Cụ thể hơn, tim nhanh trên thất còn bao gồm các loại rối loạn nhịp khác như: rung nhĩ, cuồng nhĩ, tim nhanh nhĩ...

Tuy vậy trong lâm sàng khi nhắc đến cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, người ta thường nghĩ ngay đến các cơn tim nhanh bản chất trên thất có vòng vào lại ở nút nhĩ thất hoặc tim nhanh trên thất vòng vào lại nhĩ thất thông qua đường dẫn truyền phụ.

Trước đây khi có một cơn tim nhanh với phức bộ QRS hẹp, đều, xuất hiện đột ngột ở một bệnh nhân không có sẵn bệnh tim thực tổn được gọi là bệnh Bouveret. Ngày nay, y học đã tiến bộ hơn với những thiết bị thăm dò điện sinh lý học, các y bác sĩ đã hiểu được cơ chế hình thành các cơn nhịp nhanh khi chúng diễn ra, từ đó phân loại cơn nhịp nhanh trên thất và đưa ra các phương pháp điều trị.

2. Triệu chứng của bệnh tim nhanh trên thất

Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất hầu hết bắt gặp ở người bệnh không có bệnh tim thực tổn, tuy vẫn có một số trường hợp xảy ra ở bệnh nhân bệnh tim thực tổn. Một số triệu chứng nhận biết nhịp nhanh kịch phát trên thất:

  • Bệnh nhân có thể cảm nhận được những cơn hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác lo lắng, tim đột ngột đập nhanh và kết thúc cũng khá đột ngột;
  • Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất ít gây ảnh hưởng đến huyết động và hầu như không kéo dài, tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp ngoại lệ cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất kéo dài hàng ngày, điều này còn có khả năng dẫn đến tụt huyết áp hoặc suy tim;
  • Nhịp tim rất đều, tần số nhịp đập trung bình 180-200 nhịp/phút;
  • Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể kết thúc một cách đột ngột, hoặc cơn tim nhanh trên thất sẽ kết thúc khi người bệnh hít sâu vào rồi thở ra đóng chặt thanh môn (còn gọi là rặn thở), hoặc khi bệnh nhân được bác sĩ xoa vào xoang cảnh hay ấn vào nhãn cầu.

Hồi hộp đánh trống ngực là triệu chứng của cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất
Hồi hộp đánh trống ngực là triệu chứng của cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

3. Hình ảnh điện tâm đồ của cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

  • Phức bộ QRS của cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất thường thanh mảnh, đều, tần số 180 - 200 ck/phút;
  • Hình ảnh sóng P không nhìn thấy do sóng P bị lẫn vào phức bộ QRS hoặc đôi khi có thể nhìn thấy giống như sóng r nhỏ ở V1;
  • Khi bệnh nhân kết thúc cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể thấy một đoạn ngừng xoang ngắn hoặc biểu hiện nhịp chậm trước khi tái lập nhịp xoang mới.

4. Phương pháp điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

4.1. Cắt cơn cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

Sử dụng biện pháp gây cường phế vị để cắt được cơn nhịp nhanh trên thất cho bệnh nhân:

  • Hướng dẫn bệnh nhân hít hơi vào thật sâu rồi thở ra nhưng đóng chặt thanh môn (tương tự như động tác rặn lúc thở ra);
  • Xoa xoang cảnh: Xoang cảnh nằm ở vị trí ngang với sụn giáp, khi bác sĩ xoa xoang cảnh cần hướng dẫn bệnh nhân nghiêng đầu sang một bên, bác sĩ sẽ dùng ngón tay cái ấn lên vị trí của xoang cảnh và day vào đó. Lưu ý trước khi xoa xoang cảnh của người bệnh, bác sĩ cần phải nghe để xác định không hẹp động mạch cảnh và thực hiện xoa từng bên một;
  • Ấn nhãn cầu: đây là một biện pháp cắt được cơn nhịp nhanh trên thất khá hiệu quả, tuy nhiên phương pháp này có phần thô bạo, trường hợp xấu nhất có thể gây bong võng mạc của người bệnh. Yêu cầu bệnh nhân nhắm cả 2 mắt, đặt 2 ngón tay cái hoặc 3 đầu ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn) lên hố mắt mỗi bên sau đó ấn vào từ từ và tăng dần, khi ấn cần theo dõi nhịp tim của bệnh nhân trên monitoring, nếu cơn tim nhanh ngừng lại thì dừng ấn ngay. Khi cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất ngừng sẽ có đoạn ngừng tim ngắn, sau đó có thoát bộ nối hoặc nhịp xoang trở lại. Không nên sử dụng thủ thuật này nếu cho những nhân có tiền sử bệnh võng mạc, người bị tăng nhãn áp...

4.2. Sử dụng thuốc để điều trị

  • Adenosine dạng ống tiêm 6mg: đây được xem như một lựa chọn đầu tay. Vị trí tiêm Adenosine nên tiêm tại chỗ tĩnh mạch nền, phải bơm thật nhanh vì thời gian bán huỷ của thuốc Adenosine là cực nhanh. Khởi đầu tiêm Adenosine 6mg, nếu không hiệu quả thì tiêm nhắc lại 6 mg Adenosine, nếu vẫn không cho kết quả có thể dùng tiếp 12mg Adenosine (2 ống).
  • Thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn bêta giao cảm: dùng khi liệu pháp điều trị với Adenosine thất bại. Trên thực tế lâm sàng các bác sĩ thường dùng thuốc thuốc chẹn kênh canxi là Verapamil dạng tiêm tĩnh mạch với liều lượng từ 5-10 mg, tiêm trong 2-3 phút, chống chỉ định ở bệnh nhân suy giảm chức năng thất trái, tụt áp, cần sử dụng thận trọng ở người già. Thuốc chẹn bêta giao cảm thường trên lâm sàng là Propranolol hoặc Esmolol dạng tiêm tĩnh mạch, liều Propranolol là 0,15 mg/kg tiêm tĩnh mạch với tốc độ 1 mg/phút, cần chú ý các tác dụng phụ và chống chỉ định của các thuốc chẹn bêta giao cảm.
  • Digitalis: cần thận trọng khi sử dụng Digitalis cho bệnh nhân có Hội chứng Wolff - Parkinson - White hoặc khi bác sĩ đang có ý định xoa xoang cảnh sau đó, vì thuốc nhóm Digitalis có thể làm tăng sự nhạy cảm của xoang cảnh;
  • Amiodarone: đây là thuốc có thể được cân nhắc sử dụng khi các biện pháp điều trị kể trên thất bại;
  • Sốc điện cắt cơn: phương pháp sốc điện cắt cơn được chỉ định khi cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất diễn ra dai dẳng, gây ảnh hưởng đến huyết động (nguy cơ dẫn đến suy tim, tụt huyết áp) hoặc khi sử dụng các thuốc kể trên nhưng vẫn không cắt được cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Sốc điện cắt cơn thường chỉ cần sử dụng năng lượng nhỏ (50J) và đồng bộ là có thể cắt được cơn.

Sử dụng thuốc để điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất
Sử dụng thuốc để điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

4.3. Điều trị triệt để cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất tại các cơ sở Tim mạch can thiệp.

Thăm dò điện sinh lý: Phương pháp này có thể giúp các bác sĩ phát hiện được các đường dẫn truyền phụ, qua đó sử dụng năng lượng từ sóng radio cao tần để triệt phá các đường dẫn truyền phụ này, giúp chữa khỏi hoàn toàn cho người bệnh. Thăm dò điện sinh lý là phương pháp được lựa chọn cho bệnh nhân có cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất tái phát nhiều lần và không cho đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc thông thường.

Các bệnh nhân được chẩn đoán cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất nên đến những cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, có thực hiện thăm dò điện sinh lý để xem xét điều trị triệt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Các thuốc được chỉ định để dự phòng cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất có vòng lại tại nút nhĩ thất là: thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc Digitalis, Verapamil... Tuy nhiên việc dùng các thuốc này lâu dài phải cần phải chú ý các tác dụng phụ của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe