Chẹn kênh canxi là nhóm thuốc được sử dụng nhiều trên thực hành lâm sàng trong điều trị và phòng ngừa những nguy cơ bệnh lý trên tim mạch. Cơ chế chính của thuốc là ngăn cản dòng canxi vào nội bào, từ đó làm cản trở quá trình co cơ.
1. Thuốc chẹn kênh canxi là gì?
Trong cơ thể có khoảng 6 loại kênh canxi khác nhau, trong đó có 2 loại kênh canxi thường gặp và ứng dụng trên lâm sàng gồm:
- Tuýp L (long acting): Là loại kênh vận chuyển ion canxi có nhiều ở màng tế bào cơ trơn thành động mạch, đặc biệt là ở các tiểu động mạch và cơ tim. Ngoài ra nó còn có thể có trong một số mô khác như phế quản, dạ dày-ruột, tử cung...Khi kênh hoạt động gây ra tác động co cơ, co bóp cơ tim, co mạch máu...
- Tuýp T(transient) : Kênh chẹn canxi này có chủ yếu ở các tế bào thần kinh tự động của tim, đặc biệt ở nút xoang(SA) và nút nhĩ thất(AV). Loại kênh này ít thấy có ở tế bào cơ trơn động mạch và hoạt động mang tính bị động nhiều hơn so với tuýp L. Kênh này có tác dụng tạo ra các chênh lệch điện thế màng từ đó tạo nhịp tim.
Vậy các thuốc chẹn kênh canxi là những thuốc cản trở hoạt động bình thường của kênh canxi, qua đó gây ra tác động điều trị mong muốn là giãn mạch, giảm sự co bóp cơ tim, hạ huyết áp...
Phân loại thuốc chẹn kênh canxi: Phân loại theo sự tác dụng trên mô cơ quan
- Nhóm Dihydropyridin (DHP): Những thuốc thuộc nhóm này có tác dụng chủ yếu trên tế bào cơ trơn của thành động mạch, do đó khi sử dụng thuốc làm giãn mạch, gây giảm sức cản thành mạch từ đó làm hạ huyết áp, nên nhóm thuốc này thường dùng điều trị tăng huyết áp. Một số loại thuốc thường được dùng như Nifedipine, Amlodipine, nicardipine, Lacidipine...
- Nhóm Nondihydropyridine ( non- DHP) : Thuốc thuộc nhóm này có ái lực cao với các tế bào thần kinh tự động của mô tim gồm nút xoang(SA), nút nhĩ thất(AV). Thuốc làm giảm tính tự động khử cực của các tế bào thần kinh tự động tim nên làm chậm nhịp tim, giảm tính co của cơ tim giảm nhu cầu oxy của cơ tim, chống co thắt động mạch vành và chống các ngoại tâm thu đặc biệt là ngoại tâm thu nhĩ.... Các thuốc nhóm này gồm Verapamil và Diltiazem.
2. Cơ chế tác dụng của thuốc chẹn kênh canxi
Khi sử dụng thuốc chẹn kênh canxi sẽ tạo ra những tác động trên các cơ quan của cơ thể gồm:
- Đối với động mạch: Khi vào cơ thể thuốc sẽ gắn vào tiểu đơn vị alpha 1 của kênh canxi tuýp L của tế bào cơ trơn thành động mạch, trên tiểu đơn vị này có các vị trí N, D và V tùy vào từng loại thuốc trong nhóm chẹn kênh canxi mà vị trí gắn khác nhau. Từ đó gây ra tác dụng làm giảm lượng ion canxi xâm nhập vào bên trong tế bào, làm giảm tính co của cơ trơn, làm giảm sức cản thành mạch, gây giảm huyết áp và chống co thắt động mạch, mà quan trong được ứng dụng là động mạch vành.
- Đối với tim: Khi vào cơ thể, thuốc sẽ gắn với các kênh vận chuyển ion canxi của các loại tế bào mô tim. từ đó làm giảm nồng độ ion canxi vào trong tế bào. Nên thuốc có tác dụng đối với tế bào cơ tim là làm giảm khả năng co của tế bào cơ tim, làm giảm hoạt động của cơ tim dẫn đến giảm nhu cầu oxy của cơ tim.
- Đối với các tế bào thần kinh tự động: Gồm nút xoang, nút nhĩ thất và mạng dẫn truyền purkinje của tim, các thuốc này làm giảm nồng độ ion canxi trong tế bào, do đó làm thay đổi điện thế màng tế bào, làm giảm tính khử cực của các tế bào thần kinh tự động và tăng thời gian dẫn truyền trong tim. Khi giảm tính khử cực sẽ làm cho các xung điện thế phát ra chậm hơn, từ đó làm giảm nhịp tim, tăng thời kỳ tâm trương(thời kỳ cơ tim nghỉ ngơi), giảm nhu cầu oxy của cơ tim. Ngoài ra, do thay đổi điện thế màng tế bào cũng làm giảm tính tự khử cực của các đám tế bào ở những ổ phát xung ngoại vi trong bệnh lý ngoại tâm thu.
Với cơ chế tác động trên, thì thuốc chẹn kênh canxi gây ra các tác dụng trên cơ quan như:
- Trên cơ trơn
Làm giãn các loại cơ trơn: Cơ trơn khí, phế quản, tiêu hóa, tử cung, nhưng đặc biệt là thành mạch.
- Trên cơ tim:
Thuốc chẹn kênh Ca làm giảm dẫn truyền và giảm co bóp cơ tim, do đó làm giảm nhu cầu oxy trên bệnh nhân có co thắt mạch vành.
- Mạch não
Nimodipin là thuốc nhóm DHP có ái lực cao với mạch não, vì vậy được dùng cho bệnh nhân có tai biến mạch não trong trường hợp chảy máu dưới mạng nhện gây co mạch do chèn ép; đột quỵ có viêm tắc mạch..
3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc chẹn kênh canxi
3.1 Chỉ định của thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc chẹn kênh canxi co 3 chỉ định chính gồm:
- Điều trị tăng huyết áp: Trong cả bệnh tăng huyết áp và tăng huyết áp cơn. Thuốc làm giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Không làm giảm huyết áp ở người bình thường.
- Bệnh lý mạch vành: Nhóm Non–DHP được chỉ định trong điều trị cơn đau thắt ngực ổn định, thiếu máu cơ tim thầm lặng, đau thắt ngực do co thắt động mạch vành (prinzmetal). Có thể dùng phối hợp với các nhóm thuốc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ khác.
- Điều trị loạn nhịp tim: Thuốc chẹn kênh canxi nhóm Non-DHP được dùng trong điều trị một số rối loạn nhịp như trường hợp nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu nhĩ.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng được chỉ định như:
- Tăng áp động mạch phổi tiên phát.
- Co mạch não sau xuất huyết dưới màng nhện (sử dụng nimodipine).
- Bệnh cơ tim phì đại.
- Bệnh đau nửa đầu Migraine.
- Hội chứng Raynaud
3.2 Chống chỉ định thuốc chẹn kênh canxi
Chống chỉ định đối với nhóm DHP:
- Hẹp động mạch chủ
- Bệnh phì đại cơ tim
- Suy tim nặng
- Đau thắt ngực không ổn định
Chống chỉ định của nhóm Non-DHP:
- Suy tim tâm thu
- Hội chứng yếu nút xoang
- Block nhĩ - thất
- Nhịp tim chậm
Thuốc chẹn kênh canxi được sử dụng nhiều trong điều trị bệnh, tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng và cần được sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn. Tránh sử dụng bừa bãi gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với cơ thể.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng đăng ký khám trực tuyến trên Website để được phục vụ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.