Có nhiều trẻ sơ sinh phải trải qua những năm tháng đầu đời với những cơn khóc dai dẳng không rõ lý do. Đây có thể được coi là cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (intestinal colic crying). Ước tính có từ 10-30% trẻ mắc chứng này. Hiện nay cơ chế sinh bệnh vẫn chưa được xác định, mặc dù tên gọi của triệu chứng khiến nhiều người hình dung trẻ bị đau do quặn ruột.
1. Dấu hiệu cơn khóc gây thắt ruột ở trẻ sơ sinh
Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (Intestinal Colic Crying) là tình trạng trẻ khóc kịch phát từ lúc chiều tối đến đêm khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Một trẻ có thể đang trải qua cơn Colic nếu có những đặc điểm sau:
- Trẻ sơ sinh khóc nhiều (hơn 3 giờ/ngày, hơn 3 ngày/tuần và kéo dài hơn 3 tuần);
- Trẻ khóc đỏ cả mặt, khóc to dai dẳng, khuôn mặt nhăn nhó khó chịu
- Trẻ ưỡn người, co 2 chân vào bụng như bị lồng ruột
- Cơn đau không giảm hoặc tự hết sau 3 giờ (hoặc lâu hơn).
Cơn khóc thường kéo dài khoảng 3 giờ mỗi ngày, nhưng trước khi vào cơn khóc, trẻ vẫn bú và chơi hoàn toàn bình thường. Tình trạng này thường bắt đầu khi trẻ được 3 tuần tuổi, lên cao điểm lúc khoảng 6 tuần tuổi và thường tự hết sau 3-5 tháng tuổi. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ thấy con hay khóc nên càng lo lắng, căng thẳng và không ít trường hợp bà mẹ bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, trẻ sơ sinh khóc nhiều dễ bỏ bú mẹ sớm, thường xuyên phải đi khám ở bệnh viện. Trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nếu người nhà bế lắc dỗ dành nhiều hoặc tự cho uống quá liều thuốc chống trào ngược thực quản dạ dày.
2. Nguyên nhân cơn khóc gây thắt ruột ở trẻ sơ sinh
Mặc dù đã có nhiều nguyên cứu tìm hiểu về vấn đề này, nhưng nguyên nhân thật sự vẫn chưa được xác định. Có một số giả thuyết đưa ra để giải thích cho việc trẻ sơ sinh khóc nhiều là:
- Trẻ bị đầy hơi chướng bụng (hội chứng ruột kích thích ở trẻ nhỏ)
- Do chế độ ăn của mẹ gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ, ví dụ các chất nicotin, cafein mẹ hấp thụ, các loại thực phẩm như hành, súp lơ, socola, sữa bò... gây phản ứng dị ứng cho trẻ
- Trẻ sơ sinh mới ra đời chưa quen với môi trường sống bên ngoài bụng mẹ
- Hàng rào niêm mạc ruột của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ, thiếu men lactase tạm thời, mất thăng bằng hệ vi sinh đường ruột, nhu động ruột thay đổi...
3. Làm gì khi gặp cơn khóc gây thắt ruột ở trẻ sơ sinh?
Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân khác từ thường gặp đến ít gặp hơn như: nuốt phải dị vật, trầy giác mạc (do dị vật rơi vào), sợi tóc (sợi chỉ) quấn ngón chân ngón tay gây đau, thoát vị nghẹt, xoắn tinh hoàn, viêm tai giữa cấp, lồng ruột ở trẻ, nhiễm trùng huyết, ngộ độc, dị ứng đạm sữa bò, táo bón, chướng bụng do bú quá no hoặc chưa được ợ hơi... Do vậy cha mẹ không nên tự chẩn đoán và tự chữa trị khi trẻ quấy khóc kéo dài, thay vào đó nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được hỗ trợ đúng cách. Chẩn đoán Colic chỉ được nghĩ đến sau khi đã loại trừ các nguyên nhân phổ biến khác.
Do đó, cha mẹ không nên tự chẩn đoán khi trẻ quấy khóc mà nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám để kiểm tra các bệnh lý gây đau bụng hoặc khó chịu ở trẻ nhỏ. Chẩn đoán colic chỉ nghĩ đến khi đã loại trừ các nguyên nhân khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.