Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Vẹo cổ trẻ sơ sinh không quá hiếm gặp, thống kê cho thấy cứ 250 trẻ thì có một trẻ mắc phải. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá căng thẳng, điều quan trọng là cần đưa trẻ đi thăm khám và phối hợp điều trị cùng với bác sĩ nhi khoa để sớm giúp trẻ trở lại khỏe mạnh.
1. Nguyên nhân dẫn đến vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Vẹo cổ ở trẻ sơ sinh là tình trạng đầu trẻ nghiêng sang một bên bởi cơ SCM bị kéo căng. Nguyên nhân chính gây vẹo cổ ở trẻ sơ sinh bao gồm các rối loạn sức khỏe và nguyên nhân bẩm sinh.
Đối với nguyên nhân bẩm sinh, trẻ sơ sinh vẹo cổ có thể là do các chấn thương trong quá trình sinh sản như sử dụng kẹp forcep hay sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sinh sản sai cách. Ngoài ra, các vấn đề bẩm sinh của thai nhi như thai nhi bị thương trong quá trình mang thai hay những bất thường trong quá trình hình thành đốt sống cổ cũng có thể gây ra tình trạng này. Thai ngôi mông cũng là một trong những nguyên nhân gây ra vẹo cổ trẻ sơ sinh bẩm sinh.
Đối với nguyên nhân do các rối loạn sức khỏe gây ra, có thể kể đến 6 tình trạng bệnh lý phổ biến sau:
- Lệch mắt.
- Hội chứng Sandifer.
- Vẹo cổ bộc phát.
- Hội chứng Grisel.
- Gật đầu co cứng.
- Nhiễm trùng và thương tích.
2. Biến chứng do vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Mặc dù trẻ sơ sinh vẹo cổ không gây ra đau đớn cho trẻ nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, khi trẻ lớn lên sẽ để lại những biến chứng ảnh hưởng đến suốt cuộc đời trẻ như:
- Do vẹo cổ nên trẻ chỉ có thể nằm nghiêng về một bên, lâu dần sẽ hình thành hiện tượng đầu lép, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ.
- Khuôn mặt trẻ cũng không còn cân đối như những người bình thường do nghiêng đầu theo một bên khiến cơ mặt bị sắp xếp sai.
- Rối loạn xương là tình trạng thường thấy ở trẻ sơ sinh vẹo cổ sau khi lớn lên.
3. Những dấu hiệu vẹo cổ trẻ sơ sinh
Dấu hiệu nhận biết vẹo cổ ở trẻ sơ sinh khá rõ ràng, cha mẹ có thể nhanh chóng phát hiện ra ngay từ thời điểm bắt đầu của hội chứng. Thông thường, trẻ sẽ có ba biểu hiện như sau:
- Bé chỉ có thể nghiêng đầu về một hướng.
- Do vẹo cổ khiến trẻ khó cử động nên trẻ thường bú sữa ở một bên vú cố định.
- Có khối u nhỏ xuất hiện ở cổ.
4. Chẩn đoán và điều trị vẹo cổ trẻ sơ sinh
Khi cha mẹ nhận thấy có các dấu hiệu vẹo cổ ở trẻ sơ sinh thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức. Bên cạnh kiểm tra thăm khám trực tiếp cho trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp X-quang và siêu âm cho trẻ.
Đối với chụp X-quang, đây là phương pháp nhanh chóng giúp bác sĩ nhìn được cấu trúc xương của trẻ, từ đó tìm ra những bất thường, trong đó có cả tật vẹo cổ. Còn phương pháp siêu âm giúp bác sĩ kiểm tra xem cơ SCM có vấn đề bất thường nào hay không.
Sau khi xác định chính xác tình trạng vẹo cổ ở trẻ sơ sinh và tìm ra nguyên nhân; đối với các nguyên nhân do bệnh lý, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bệnh lý còn đối với nguyên nhân bẩm sinh thì sau đây là những phương pháp điều trị vẹo cổ bẩm sinh:
- Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp đầu tiên trong điều trị vẹo cổ bẩm sinh. Các bài tập trị liệu sẽ được hướng dẫn kĩ càng bởi các bác sĩ chuyên khoa nếu cha mẹ muốn tự tập cho trẻ tại nhà. Ngoài ra, cha mẹ sẽ đưa trẻ đi khám định kỳ để đánh giá tiến độ hồi phục của trẻ. Điều quan trọng nhất là cha mẹ không được tự ý tập cho trẻ nếu chưa có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Đeo vòng cổ TOT: Đây là dụng cụ tạo ra áp lực nhỏ lên cổ trẻ, giúp cổ trẻ dần dần trở về vị trí ban đầu. Cha mẹ sẽ được hướng dẫn cách sử dụng vòng và thời gian sử dụng loại vòng này. Có thể kết hợp đeo vòng cổ TOT cùng với tập vật lý trị liệu để hiệu quả nhanh chóng hơn.
- Sử dụng thuốc tiêm Botox: Đây là phương pháp được khuyến cáo sử dụng với trẻ trên 6 tháng tuổi. Bác sĩ sẽ tiêm botox trực tiếp vào cơ SCM nhằm giải phóng sức căng để cổ trẻ có thể trở lại vị trí bình thường. Thời gian tiêm thuốc bao nhiêu lần còn tùy thuộc vào cường độ của bệnh, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp chỉ sử dụng khi ba cách trên không có tác dụng khả quan. Sau khi phẫu thuật xong, trẻ phải tập vật lý trị liệu trong vòng 3 tháng và đeo nẹp để duy trì chính xác vị trí của đầu.
5. Ngăn ngừa vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Mặc dù không hoàn toàn có thể đề phòng được trẻ sơ sinh vẹo cổ nhưng để giảm thiểu tối đa nguy cơ có thể xảy ra, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Lựa chọn cách chuyển dạ an toàn nhất đối với trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về những vấn đề sinh thường hoặc sinh mổ có thể gặp phải. Từ đó, lựa chọn phương pháp sinh có lợi nhất với trẻ.
- Tìm hiểu về những dấu hiệu của các bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng vẹo cổ ở trẻ, từ đó, sớm điều trị và tránh được tình trạng vẹo cổ xảy ra.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com, bvndtp.org.vn