Có thể thủng dạ dày nếu bị viêm loét dạ dày nặng

Viêm loét dạ dày nặng là bệnh lý nghiêm trọng, không những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống mà còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm do viêm loét dạ dày nặng gây ra.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Biến chứng thủng dạ dày do viêm loét dạ dày nặng

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh viêm loét dạ dày nặng (viêm loét dạ dày mãn tính) nhưng có thể không có triệu chứng rõ ràng như đau bụng hoặc các triệu chứng đau xuất hiện rất mơ hồ.

Những trường hợp bị thủng dạ dày đột ngột mà không được cấp cứu kịp thời có thể gây viêm phúc mạc và có nguy cơ tử vong cao.

Nếu không điều trị viêm loét dạ dày sớm hoặc điều trị không hiệu quả, có thể dẫn đến thủng dạ dày. Các triệu chứng của thủng dạ dày thường rất nghiêm trọng và dữ dội, bao gồm:

  • Cơn đau ở vùng thượng vị, dạ dày cực kỳ dữ dội, giống như bị dao đâm, và không có biện pháp nào có thể làm giảm cơn đau này.
  • Bụng gồng cứng, chỉ cần thở mạnh cũng gây đau hơn.
  • Cơn đau từ vùng thượng vị dạ dày lan rộng khắp ổ bụng, lan lên ngực và lan ra vai, lưng.  
  • Người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, da mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh, toát mồ hôi và có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp.

Khi người bệnh viêm loét dạ dày xuất hiện các triệu chứng nêu trên, có thể khẳng định đến 90% là đã xảy ra biến chứng thủng dạ dày. Tình trạng này đòi hỏi phải đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu và tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Việc trì hoãn có thể đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

2. Các biến chứng khác của viêm loét dạ dày nặng

2.1. Hẹp môn vị dạ dày

Hẹp môn vị dạ dày là biến chứng thường gặp ở những người mắc viêm loét dạ dày. Người bệnh có thể trải qua nhiều cảm giác khó chịu, được thể hiện qua các triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng dữ dội, cơn đau liên tục và kéo dài thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau khi ăn, khiến cảm giác đau tăng lên.
  • Buồn nôn hoặc nôn, thức ăn nôn ra thường có mùi hôi khó chịu.
  • Cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, toát mồ hôi và thiếu sức lực.

2.2. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu trong dạ dày do các vết loét gây tổn thương mạch máu. Khi xuất hiện tình trạng này, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc dịch đen và đi tiêu phân đen sánh như nhựa đường hoặc giống như bột cà phê, có mùi hôi thối tương tự như mùi phân hủy của xác động vật.

2.3. Ung thư dạ dày

Các triệu chứng của ung thư dạ dày thường không rõ ràng, bao gồm đau âm ỉ, chướng bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn và chán ăn. Những triệu chứng này rất dễ bị bỏ qua, làm cho bệnh khó được phát hiện sớm. Nếu những triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế. Các dấu hiệu khác của bệnh có thể gồm nôn, gầy sút, thiếu máu, đau bụng, mệt mỏi và phân có màu đen. 


Viêm loét dạ dày nặng có thể gây biến chứng thủng dạ dày.
Viêm loét dạ dày nặng có thể gây biến chứng thủng dạ dày.

3. Đối tượng nguy cơ cao bị thủng dạ dày

Viêm loét dạ dày mãn tính có nguy cơ cao gây ra biến chứng thủng dạ dày, đặc biệt đối với các nhóm người sau:

  • Người hút thuốc thường xuyên.
  • Thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm.
  • Có tiền sử mắc bệnh viêm loét dạ dày.
  • Trên 50 tuổi.
  • Sử dụng các chất kích thích như rượu, bia...
  • Người bị thiếu máu. 

Nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm loét dạ dày.
Nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm loét dạ dày.

4. Điều trị biến chứng thủng dạ dày

4.1. Nguyên tắc điều trị thủng dạ dày

Khi viêm loét dạ dày nặng tiến triển thành thủng dạ dày, bệnh nhân cần phải được  phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu phẫu thuật được thực hiện trong vòng 12 tiếng đầu, tỷ lệ tử vong là từ 0 đến 0,5%; nếu sau 12 tiếng, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 15%. Vì vậy, cần sự chuẩn bị khẩn cấp và nhanh chóng từ toàn bộ ekip y tế của bệnh viện để xử lý ngay tình trạng nguy kịch này.

4.2. Điều trị cầm cự

Trong thời gian chờ đợi các biện pháp điều trị chuyên sâu, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp tạm thời để bảo vệ tính mạng. Sử dụng phương pháp đặt xông dạ dày để hút dịch và truyền dịch bổ sung kèm theo kháng sinh liều cao, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

4.3. Điều trị vết thủng

Việc khâu vết thủng bằng phẫu thuật phụ thuộc vào đặc điểm của vết thủng đó. Những vết thủng mới hình thành thì việc khâu lại tương đối đơn giản. Trong trường hợp vết thủng đã cũ và trở nên chai cứng, việc khâu sẽ cần những kỹ thuật đặc biệt.

4.4. Cắt bỏ một phần dạ dày

Nếu dạ dày bị thủng do ung thư, hẹp môn vị, hoặc vết thủng quá nghiêm trọng đến mức không thể khâu lại, bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật cắt bỏ một phần của dạ dày. Việc cắt bỏ này có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Trong một số trường hợp, sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, bệnh nhân sẽ cần tuân theo một chế độ ăn uống phù hợp:

  • Đảm bảo uống đủ nước: Bên cạnh nước lọc, có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc trà.
  • Thức ăn nên bao gồm các loại thực phẩm đã được nấu chín và dễ tiêu hóa, hạn chế những thực phẩm giàu chất xơ. Khi vết thương bắt đầu lành, người bệnh có thể bắt đầu ăn các loại thịt, trứng hoặc bánh mì.

4.5. Điều trị hậu phẫu thuật

  • Theo dõi và chỉ định dùng thuốc chống nhiễm trùng, chống đông máu, chống loét dạ dày và thuốc chống co thắt.
  • Phòng bệnh viêm loét dạ dày.
  • Rèn luyện thói quen sinh hoạt tốt như tập luyện thể dục thể thao.
  • Giảm căng thẳng và lo lắng
  • Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có tính chua, cay và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

5. Những lưu ý để phòng tránh thủng dạ dày do viêm loét dạ dày nặng

  • Xây dựng chế độ ăn đa dạng và cân bằng các chất dinh dưỡng, bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua, kim chi… vào chế độ ăn.
  • Lựa chọn thức ăn mềm và không quá khô, tránh ăn đồ cay nóng…
  • Ăn vừa đủ, ăn chậm và nhai kỹ.
  • Ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá…
  • Tránh sử dụng các loại thuốc gây kích thích dạ dày như Aspirin, thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm… Nếu cần sử dụng, bệnh nhân nên nhờ đến sự hướng dẫn từ bác sĩ về liều lượng, thời gian và cách dùng.
  • Rửa tay sạch sẽ thường xuyên để phòng tránh nhiễm khuẩn.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng kéo dài.
  • Tránh gây tổn thương đến dạ dày do nuốt phải vật nhọn hoặc uống phải chất ăn mòn.

Cần bổ sung vi khuẩn có lợi để phòng ngừa viêm loét dạ dày nặng.
Cần bổ sung vi khuẩn có lợi để phòng ngừa viêm loét dạ dày nặng.

Cần nhận thức rằng cơn đau là một cảnh báo của cơ thể về một vấn đề bất thường đang xảy ra. Do đó, không được chủ quan và cần đến bệnh viện để thăm khám sớm, nhằm đảm bảo được kiểm tra kịp thời và tránh các tình trạng nguy hiểm như thủng dạ dày.

Khám bệnh ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường và thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện, điều trị sớm các bệnh viêm loét dạ dày nặng là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp các gói khám sức khỏe tổng quát, được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ hiện đại. Điều này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày và từ đó xây dựng phác đồ điều trị tối ưu nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe