Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng: Biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày - tá tràng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng là bệnh gây ra do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể diến biến thành các biến chứng nguy hiểm.

1. Những biến chứng viêm loét dạ dày hành tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể tiến triển và gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như:

  • Xuất huyết đường tiêu hóa: Xuất huyết hay chảy máu ổ loét thường xảy ra rầm rộ, có thể xuất hiện đột ngột hay sau khi người bệnh sử dụng các chất gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa như uống rượu, sử dụng thuốc chống viêm... với biểu hiện nôn ra máu tươi, đi ngoài phân đen, huyết áp tụt...
  • Thủng dạ dày - Tá tràng: Người bệnh xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, đau như dao đâm, bụng cứng như gỗ, kèm theo nôn, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
  • Hẹp môn vị: Viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân gây hẹp môn vị, với những biểu hiện như ăn chậm tiêu, đau bung, nôn ra thức ăn từ bữa ăn trước....
  • Ung thư hóa: Loét dạ dày có thể dẫn đến ung thư dạ dày, thường xuyên thăm khám để phát hiện sớm tình trạng tiến triển của bệnh.

2. Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng

Thủng ổ loét là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời biến chứng này sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân.

2.1 Đặc điểm thủng ổ loét dạ dày - tá tràng

  • Có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp nhất là độ tuổi lao động.
  • Thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, có thể do chế độ ăn uống sinh hoạt uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá..

Viêm loét dạ dày tá tràng gặp nhiều ở nam hơn nữ
Viêm loét dạ dày tá tràng gặp nhiều ở nam hơn nữ

2.2 Dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng

  • Dấu hiệu lâm sàng:

Đột ngột đau dữ dội vùng thượng vị, đau liên tục, làm bệnh nhân không dám thở mạnh. Bụng người bệnh trở nên cứng như gỗ. Nhiều giờ sau nếu vẫn chưa được điều trị người bệnh đau lan ra toàn bụng.

Do dịch vị tràn vào khoang phúc mạc người bệnh có dấu hiệu sốc như: Mạch nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi, mặt tái nhợt, thở nhanh nông, ít giờ sau dấu hiệu sốc giảm dần người bệnh có thể thấy thân nhiệt tăng do viêm phúc mạc.

  • Cận lâm sàng:

Chụp X-quang thấy dấu hiệu liềm hơi dưới cơ hoành. Tuy nhiên những trường hợp lỗ thủng nhỏ, lỗ thủng đã bịt không thấy hình ảnh liềm hơi dưới cơ hoành.

Tăng tỉ lệ có liềm hơi trên phim X-quang có thể tiến hành bơm hơi qua sonde dạ dày, thủ thuật đơn giản khá an toàn, giúp việc chẩn chính xác hơn

Nếu X-quang không thấy có thể sử dụng phương pháp nội soi ổ bụng để chẩn đoán và điều trị.

2.3 Phương pháp điều trị thủng ổ loét dạ dày

Trên nền một bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày-tá tràng, xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng trên thì cần phải được chẩn đoán và xử lý cấp cứu. Là một cấp cứu ngoại khoa nên không có chỉ định điều trị bảo tồn, điều trị bắt buộc phải phẫu thuật.

Phẫu thuật phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân được mổ trước 12h tỷ lệ tử vong khoảng 0-0,5%, sau 12h là 15%, và nếu muộn hơn 24h ở những bệnh nhân già yếu thì tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

3. Cách chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng

Bệnh viêm loét hành tá tràng hoàn toàn có thể điều trị ổn định bằng thuốc kết hợp với các chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Điều trị sớm bệnh tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người bệnh

3.1 Điều trị bằng thuốc


Sử dụn thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụn thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Khi có dấu hiệu bệnh người bệnh đến các cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân gây bệnh. Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Các thuốc được sử dụng bao gồm:

  • Kháng sinh diệt HP theo phác đồ của bộ y tế khi có HP dương tính.
  • Thuốc trung hòa acid dịch vị.
  • Thuốc giảm tiết acid dịch vị: Ức chế thụ thể H2 hay thuốc ức chế bơm proton.

3.2 Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt

Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc, việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp cải thiện bệnh.

  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Ăn uống điều độ không bỏ bữa, không ăn no quá, không để bụng quá đói, chia nhỏ bữa ăn.
  • Không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích dạ dày như rượu, bia, cà phê, nước có ga...
  • Không ăn các thức ăn chua, cay
  • Ăn trái cây, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc.

Tránh thức khuya để ảnh hưởng tới dạ dày
Tránh thức khuya để ảnh hưởng tới dạ dày
  • Không nên tập thể dụng, vận động nhiều sau khi ăn. Nghỉ ngơi sau ăn ít nhất 30 phút.
  • Thường xuyên tập thể dục tránh căng thẳng, giảm lo âu, giúp cho tinh thần thoải mái.
  • Ăn thức ăn dễ tiêu, mềm, tránh những đồ ăn quá cứng.

Sau khi điều trị người bệnh nên tái khám, để đánh giá tình trạng bệnh. Thường xuyên kiểm tra định kỳ để phát hiện những biến đổi bất thường của bệnh hay tái phát bệnh.

Bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng tưởng như đơn giản nhưng lại có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng. Thủng ổ loét dạ dày-tá tràng là một biến chứng rất nguy hiểm của bệnh, tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện và điều trị muộn. Tránh những biến chứng không đáng có ngay khi có các triệu chứng bệnh người bệnh nên đi khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe