Có thực sự trẻ em thích xem ti vi/điện thoại như người lớn từng nghĩ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cử nhân Trương Tạ Anh Nga - Chuyên viên Tâm lý - Trung tâm Y học tái tạo & Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chúng ta thường nghe thấy người lớn kể về cháu của mình: “ Trẻ con giờ khôn lắm, không nói nhưng biết hết, cháu nó tự mở youtube lên xem đấy, có ai dạy đâu!” Hoặc “Bố mẹ cứ làm quá lên, đứa nào chẳng vừa ăn vừa xem điện thoại, ti vi?” “Ở lớp các cô còn mở ti vi cho xem kìa” “ Không có ti vi làm sao trẻ con biết tiếng con vật kêu, làm sao biết tiếng anh?”

Thật vậy, đây có lẽ là cuộc hội thoại quen thuộc trong thế giới tràn ngập ti vi, điện thoại thông minh như hiện nay. Nhưng có phải ti vi/ điện thoại hỗ trợ người lớn trong việc “trông trẻ”, “cho trẻ ăn” như những gì người lớn muốn? Hay ti vi/điện thoại là môi trường làm gia tăng những khó khăn của trẻ em?

1. Tại sao trẻ em thích xem ti vi/ điện thoại?

Trẻ em trong giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ có cơ hội học tập nhanh nhất so với các giai đoạn tuổi khác. Trong giai đoạn này, trẻ em học thông qua giác quan - vận động và chơi. Giác quan của trẻ bao gồm: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Ngoài ra, con người còn có 3 giác quan nữa là: hệ cảm nhận bản thể (cảm nhận bản thể về vị trí và chuyển động so với môi trường), hệ tiền đình (cảm nhận của cơ thể về thăng bằng và chuyển động so với phần đầu) và hệ nội cảm (cảm nhận các bộ phận bên trong cơ thể và cảm xúc như cảm giác khác biệt giữa đói và đau hay bồn chồn trong bụng). Khi trẻ được kích thích đa giác quan sẽ giúp trẻ nâng cao cơ hội học tập.

Người lớn vì sợ con bẩn, sợ phải dọn dẹp nhà cửa nhiều lần nên thay vì cho con có cơ hội được chơi, được cảm nhận đồ vật thật thì cho trẻ sử dụng ti vi/điện thoại để trẻ ngồi yên. Trong khi đó, ti vi/ điện thoại đáp ứng 2 giác quan là nghe - nhìn. Như vậy so với việc không có gì để chơi và việc sử dụng ti vi/điện thoại, trẻ em sẽ lựa chọn sử dụng ti vi/điện thoại để đáp ứng nhu cầu chơi - học tập của bản thân.


Tháp học tập (Learning Pyramid) theo nghiên Viện nghiên cứu giáo dục Mỹ
Tháp học tập (Learning Pyramid) theo nghiên Viện nghiên cứu giáo dục Mỹ

Như vậy, nghe nhìn chỉ chiếm 20% trong quá trình học tập của trẻ. Vì vậy, nếu cha mẹ chỉ biết lựa chọn xem cho trẻ xem ti vi/ điện thoại để đáp ứng nhu cầu về giác quan - nhu cầu học tập của trẻ thì cha mẹ đang đánh mất 80% cơ hội học tập của trẻ.

2. Trẻ em xem ti vi/điện thoại - Có thực sự “nhàn” như người lớn nghĩ?

Cha mẹ đi làm về mệt mỏi có tâm lý muốn nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi trẻ về nhà có tâm lý muốn được chơi nhiều hơn. Điều này khiến cha mẹ càng cảm thấy áp lực và mệt mỏi sau một ngày dài đi làm. Vì vậy, lựa chọn cho trẻ xem ti vi/điện thoại đang là một lựa chọn mà đa số cha mẹ sẽ nghĩ: “Nhà nào chẳng thế”

Tuy nhiên, sự thực là ngược lại. Khi trẻ lệ thuộc vào ti vi, trẻ sẽ dễ dàng bùng nổ hành vi không mong muốn hơn. Việc ăn, ngủ và chơi của trẻ sẽ không xuất phát từ nhu cầu bản năng của trẻ nữa mà chỉ khi có điện thoại trẻ mới có thể ngồi yên khi ăn hoặc chịu đi ngủ... Việc sử dụng ti vi/ điện thoại chỉ khiến trẻ “tạm thời” ngồi yên nhưng sẽ làm giảm cơ hội học tập cho trẻ. Trẻ sẽ hạn chế nhu cầu giao tiếp với người khác, hạn chế nhu cầu chơi đồ chơi, làm giảm hứng thú học tập và tò mò về thế giới xung quanh

Theo tổ chức WHO – trẻ em dưới 1 tuổi tuyệt đối không nên xem các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2-5 tuổi cần giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử và sử dụng các ít càng tốt.

3. Các chiến lược giúp hạn chế trẻ em thích xem ti vi/điện thoại

  • Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động thực tế, các hoạt động trải nghiệm và khuyến khích trẻ tham gia nhiều môi trường. Khi trẻ được tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, trẻ được cầm - nắm - sờ - chạm - ngửi - nếm thì trẻ sẽ có nguồn đầu vào chất lượng, từ đó các liên kết thần kinh sẽ được hình thành và trẻ sẽ nhớ lâu hơn, học tập vui hơn.
  • Cha mẹ nên cùng trẻ xây dựng lịch trình sinh hoạt hằng ngày. Khi trẻ được tham gia vào quá trình xây dựng lịch trình sinh hoạt, trẻ sẽ cảm thấy là một phần của gia đình. Nhờ đó sẽ hào hứng và có trách nhiệm trong quá trình thực hiện lịch trình sinh hoạt.
  • Khi xem ti vi - điện thoại trở thành thói quen của trẻ thì việc dừng hoàn toàn mà không báo trước sẽ dễ dẫn đến các vấn đề về hành vi. Việc cho trẻ lựa chọn thời gian xem và khung giờ xem cũng là một cách giúp trẻ “cai” ti vi/điện thoại.
  • Cha mẹ làm mẫu - hạn chế sử dụng ti vi/điện thoại nhiều nhất khi có thể. Dự báo trước với trẻ về việc cha mẹ sử dụng điện thoại để làm việc.
  • Khen thưởng ngay khi trẻ muốn tham gia hoạt động chơi, hoạt động ngoài trời hoặc hoạt động tương tác với cha mẹ/bạn bè
  • Để điều khiển ti vi/điện thoại ngoài tầm nhìn của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe