Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp. Có quan niệm cho rằng khi sởi chưa mọc, bệnh nhân nên nấu nước lá diếp cá và riềng để uống. Vậy rau diếp cá trị bệnh sởi có thật không?
1. Đặc điểm của bệnh sởi
Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban, nốt sởi nổi đỏ ửng, người đau mỏi nóng bứt, kèm theo ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau đây: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch ở cổ, chẩm hoặc sau tai, sưng đau khớp.
Sau khi bệnh nhân mắc sởi, sức đề kháng của cơ thể sẽ suy giảm. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân rất dễ bị biến chứng như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não..., thậm chí có thể tàn phế, tử vong. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người mắc HIV/AIDS hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, đẻ non.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo các bậc cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch hẹn. Nếu trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bị bệnh với trẻ lành để tránh tình trạng lây lan, đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
2. Đặc điểm của diếp cá
Diếp cá hay còn được gọi là ngư tinh thảo nghĩa là cỏ tanh mùi cá (Theo cang mục bản thảo của của Lý Thời Trân), trấp thái, tử trấp, trấp thảo (theo sách Trung Quốc). Tên khoa học của diếp cá là Houttuynia cordata Thunb thuộc họ lá diếp. Tên gọi trong tiếng Anh của diếp cá là Heartleaf (lá hình tim), fish mint, fish herb hay lizard tail (đuôi thằn lằn).
Diếp cá là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, rất ưa chỗ ẩm ướt, thân rễ diếp cá mọc ngầm dưới đất, rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40 cm có lông hoặc ít lông. Lá diếp cá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay có khi nhọn hẳn. Hoa diếp cá nhỏ, không có bao hoa, có 4 lá bắc màu trắng. Toàn cây diếp cá khi vò nát có mùi tanh như mùi cá.
Trong y học cổ truyền, diếp cá được sử dụng toàn cây (dùng tươi hoặc khô) để làm thuốc chữa bệnh. Diếp cá có tính mát, cay, hơi độc, thường đi vào kinh phế. Diếp cá có tác dụng chữa bệnh trĩ, đinh nhọt, đau mắt đỏ do vi khuẩn mủ xanh, bí tiểu, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều... Có thể phối hợp diếp cá với một số vị thuốc Nam khác để chữa sốt xuất huyết. Ngoài ra, rau diếp cá trị bệnh sởi cũng cho hiệu quả khả quan.
Thường dùng rau diếp cá dưới dạng sắc hoặc ép lấy nước cốt với liều dùng thông thường ở loại cây khô từ 6 - 12g, hoặc cây tươi (thường dùng lá) từ 20 - 40g.
3. Rau diếp cá trị bệnh sởi như thế nào?
Thời kỳ phát sốt (giai đoạn này sởi chưa mọc) người bệnh có triệu chứng ho, chảy nước mũi, chảy nước mắt, mệt mỏi, sốt cao tăng dần, niêm mạc miệng có ban chẩn, có thể áp dụng 1 trong các bài thuốc từ rau diếp cá trị bệnh sởi:
- Lá diếp cá, rau dệu mỗi vị dùng 16g, cam thảo đất 12g. Tất cả đem sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần uống.
- Lá diếp cá tươi 30g, rau mùi tàu 20g, riềng 6g. Tất cả đem nấu lấy nước uống liền trong ngày.
Ngoài ra để chữa bệnh sởi ở trẻ em, người ta có thể dùng 1 nắm rau diếp cá đem sao sơ, sắc uống.
4. Chú ý dinh dưỡng cho người mắc bệnh sởi
Phòng và điều trị bệnh sởi cần phối hợp nhiều phương pháp, trong đó việc lựa chọn món ăn bổ mát, dễ tiêu hóa phù hợp từng giai đoạn bệnh là rất cần thiết. Vậy bệnh sởi ăn gì giúp hỗ trợ phòng, trị bệnh sởi trong thời kỳ khởi phát (sốt, nghẹt mũi, chảy mũi, ho, hắt hơi, mắt đỏ, chảy nước mắt, trằn trọc)
- Cháo hạt mùi: Hạt mùi 50g hoặc nhiều hơn đem nấu lấy nước, bỏ bã, cho gạo nếp 100g, đậu xanh 50g vào nấu nhừ, sau đó cho thêm hành, tía tô, gia vị mắm muối vừa đủ, cho bệnh nhân ăn nóng;
- Cháo rau thơm: Gạo ngon đem nấu nhừ 100g, cá lóc luộc lấy thịt, phi hành thơm 50g, khi ăn cho nhiều rau mùi, tía tô, hành hoa và gừng vào ăn ấm;
- Canh cá lóc: 1 con nướng chín lấy thịt đem nấu canh với rau tần ô 100g, thêm gia vị vừa ăn;
- Canh rau má: Rau má 200g, thịt heo nạc băm 50g, gia vị vừa đủ;
- Nước mía ép: Mía dùng một vài lóng, rau mùi 100g ép cùng với nhau được khoảng 1 ly, uống vài lần/ngày;
Giai đoạn bệnh sởi mới phát, đang phát nên tăng cường ăn rau có vị thơm, tính mát, chứa nhiều tinh dầu vì tinh dầu có khả năng giải biểu, diệt vi khuẩn, vi rút sởi...
Thời kỳ sởi mọc (ho nhiều, sốt cao, đau họng, nốt sởi xuất hiện từ phía sau tai, cổ lan dần ra toàn thân) bệnh sởi ăn gì?
- Cháo đậu xanh: Đậu xanh 200g nguyên vỏ cà giập, nấu nhừ, cho muối đường vừa ăn;
- Cháo cá chép: Cá chép luộc lấy thịt, phi hành thơm, cho gạo ngon nấu nhừ, thêm nhiều gia vị rau ngò, hành hoa, ăn nóng;
- Canh bí đao: Bí đao 200g, đuôi heo 200g làm sạch chặt khúc, thêm rau ngò, hành hoa;
- Canh rau tập tàng: Rau dền, rau đay, mồng tơi... mỗi thứ 50g, thịt cua đồng 100g đem nấu canh, ăn nóng;
- Canh chua cá lóc: Giá đậu 100g, thơm 50g, cà chua 30g, đậu bắp 40g, cá lóc 100g, gia vị vừa;
- Canh khổ qua: Khổ qua 2 trái 200g bỏ ruột, đậu phụ non 30g trộn cùng nấm mèo 20g, miến 20g nhồi ruột khổ qua đem nấu canh ăn;
Tăng cường các món ăn chế biến từ: rau diếp cá, rau càng cua, giá đậu xanh, đậu bắp, rau củ quả tươi... Nếu bệnh nhân vẫn sốt cao có thể uống nước đậu xanh lá dâu hoặc đậu xanh lá tre, sinh tố rau má, nước mơ, chanh, bưởi, dâu, sương sâm, sương sáo...
Thời kỳ sởi bay (nốt sởi bớt đỏ, sốt giảm, sởi lặn dần, miệng họng khô, ho khan ít đờm...) bệnh sởi ăn gì trong giai đoạn này?
- Canh khoai mỡ: Khoai mỡ tím 100g, thịt nạc băm 50g, rau ngò 20g... nấu canh ăn;
- Canh khoai từ: dùng khoai từ 200g, thịt đùi heo 50g, rau ngò, hành gia vị vừa đủ;
- Chè đậu ván: Đậu 300g ngâm nước nóng qua đêm, lột bỏ vỏ ngoài, bột sắn dây 30g, lá dứa nếp 20g đem giã, lọc lấy nước, thêm đường cát vừa đủ nấu chè ăn;
- Chè đậu đen: dùng đậu đen xanh lòng 100g, đường cát vừa đủ;
- Canh củ cải: dùng cải cải 100g, cà rốt 50g, nấm hương 20g và thịt giò heo 50g đem nấu canh ăn.
5. Bệnh sởi kiêng gì?
- Không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên, xào, khó tiêu hóa;
- Không ăn thực phẩm chế biến sẵn, hàm lượng muối cao;
- Kiêng ăn gia vị cay nóng;
- Không uống đồ uống có ga, cồn;
- Nếu đang sốt cao bệnh nhân nên hạn chế ăn (đạm) động vật và nên thay bằng đạm thực vật có trong các loại đậu giúp cơ thể dễ tiêu hơn;
Nếu thời kỳ sởi mọc bệnh nhân mắc thêm chứng cảm phong hàn, hoặc do thời tiết quá rét làm các nốt sởi mọc không được, lúc này bệnh nhân nên cử ăn thức ăn chua, lạnh như: cam, rau diếp, càng cua, cà, ốc, hến, cá tanh...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.