Có nên tiêm vắc xin sởi- quai bị - rubella cho phụ nữ đang cho con bú?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Phụ nữ đang cho con bú bị sởi, quai bị, rubella sẽ lây truyền từ mẹ sang con nếu không có biện pháp cách ly tốt. Khi đang ở vùng có nguy cơ bùng phát dịch và tiền sử tiêm phòng chưa đầy đủ thì phụ nữ đang cho con bú có thể được xem xét chủng ngừa vắc xin sởi-quai bị-rubella hay không? Chúng ta cần tìm hiểu thêm bài viết sau

1. Tìm hiểu chung về sởi, quai bị, rubella

Bệnh sởi gây ra bởi virus sởi, lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sốt, phát ban toàn thân. Sởi dễ mắc ở những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ mũi hay chưa tạo được miễn dịch sau tiêm, trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không tiêm sẽ dễ mắc và gặp nhiều biến chứng. Biến chứng thường gặp là viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng.

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus). Bệnh lây theo đường hô hấp, lây từ người bệnh qua người lành thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh ít có triệu chứng, thường biểu hiện là sưng tuyến nước bọt. Biến chứng nguy hiểm là viêm tinh hoàn (một hoặc hai bên) có thể dẫn đến vô sinh, viêm màng não và điếc vĩnh viễn.

Rubella lây truyền qua đường hô hấp, virus Rubella cư trú tại vòm họng và các hạch bạch huyết. Khi người lành tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy của mũi/họng hay các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt xì hơi thì có thể bị bệnh. Người phơi nhiễm với virus Rubella sẽ mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch. Bệnh gây biến chứng nghiêm trọng đến trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai. Phụ nữ có thai nếu nhiễm virus Rubella trong giai đoạn 3 tháng đầu mang thai sẽ dẫn đến thai nhi chết hoặc mắc Hội chứng Rubella bẩm sinh (biểu hiện: điếc, đục thủy tinh thể, bệnh tim và chậm phát triển trí tuệ).

Đây là những căn bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần được chủng ngừa bằng vắc xin để phòng ngừa. Hiện nay đã có vắc xin sởi - quai bị - rubella kết hợp giúp phòng cùng lúc ba bệnh sởi, quai bị, rubella chỉ trong 1 mũi tiêm, phổ biến nhất là vắc xin MMR II.

2. Phụ nữ đang cho con bú bị sởi- quai bị - rubella nguy hiểm không?

Khi bà mẹ nhiễm các bệnh trên, việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ tác nhân gây bệnh trên sẽ lây truyền qua đường hô hấp và có thể làm cho trẻ mắc bệnh. Trong trường hợp này mẹ có thể vắt sữa ra bình sạch cho con bú, nhưng khó đảm bảo 100% không làm lây truyền virus vì có thể dịch tiết hô hấp đã dính trên tay bà mẹ, trên dụng cụ cho trẻ bú.

Sởi, Quai bị, Rubella sẽ dễ bị lây nếu chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi hay chưa tạo được miễn dịch.


Sởi, Quai bị, Rubella sẽ dễ bị lây nếu chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi hay chưa tạo được miễn dịch
Sởi, Quai bị, Rubella sẽ dễ bị lây nếu chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi hay chưa tạo được miễn dịch

3. Tiêm vắc xin sởi- quai bị - rubella cho phụ nữ đang cho con bú được không?

Phụ nữ đang cho con bú có thể được xem xét chủng ngừa vắc xin sởi-quai bị-rubella khi đang ở vùng có nguy cơ bùng phát dịch và tiền sử tiêm phòng chưa đầy đủ.

Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm nhưng cần thận trọng và được cán bộ y tế khám, tư vấn, chỉ định theo từng loại vắc-xin. Do vắc xin này được kết hợp cùng lúc 3 loại virus giảm độc lực nên hiệu quả bảo vệ bệnh có thể đạt được 95%. Hệ miễn dịch của mỗi người có đáp ứng đối với vắc xin hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi tiêm, loại vắc xin tiêm cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người, chất lượng vắc xin, cách bảo quản và kỹ năng thực hành việc tiêm chủng.

Người đã tiêm phòng vắc xin vẫn có một tỷ lệ thấp có khả năng mắc bệnh tuy nhiên bệnh thường nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn

Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin?

Vắc xin MMR là loại vắc xin sống giảm độc lực, do vậy cần chú ý:

Dị ứng với liều vắc xin trước đây hoặc dị ứng với thành phần của vắc xin. Do vậy trước khi tiêm nếu có tiền sử dị ứng cần báo cho cán bộ y tế.

Phụ nữ có thai: không tiêm vắc xin, nếu khi sau tiêm mới phát hiện mang thai cần báo cho cán bộ y tế để theo dõi. Sau tiêm vắc xin cần tránh thai ít nhất 1 tháng.

Các trường hợp suy giảm miễn dịch như xạ trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch, AIDS, ... cũng không tiêm vắc xin do khả năng tạo miễn dịch chủ động của họ bị giảm.

Có thể tiêm vắc xin này cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin

Sau tiêm vắc xin có thể gặp 1 số phản ứng tương tự như tiêm các loại vắc xin khác như: sốt, sưng đau tại chỗ... các biểu hiện này sẽ tự hết sau 1 đến 2 ngày. Sưng hạch ở má, ở cổ có thể xảy ra. Có 2% trường hợp tiêm xảy ra sốt phát ban thường là từ 7 đến 10 ngày sau tiêm, kéo dài vài ngày.

Các phản ứng nặng hơn rất hiếm gặp nhưng vẫn cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại cơ sở y tế.


Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm nhưng cần thận trọng và được cán bộ y tế khám, tư vấn, chỉ định theo từng loại vắc-xin
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm nhưng cần thận trọng và được cán bộ y tế khám, tư vấn, chỉ định theo từng loại vắc-xin

Do vắc xin này được kết hợp cùng lúc 3 loại virus giảm độc lực nên hiệu quả bảo vệ bệnh có thể đạt được 95%. Hệ miễn dịch của mỗi người có đáp ứng đối với vắc xin hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi tiêm, loại vắc xin tiêm cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người, chất lượng vắc xin, cách bảo quản và kỹ năng thực hành việc tiêm chủng.

Người đã tiêm phòng vắc xin vẫn có một tỷ lệ thấp có khả năng mắc bệnh tuy nhiên bệnh thường nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe