Chưa có thuốc đặc trị chữa quai bị

Quai bị là bệnh lành tính, nhưng hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị quai bị đặc hiệu. Do đó, cách chữa bệnh quai bị cơ bản là điều trị triệu chứng và theo dõi, đề phòng biến chứng có thể xảy ra.

1. Bệnh quai bị

Quai bị là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do loại virus thuộc nhóm Paramyxovirus gây viêm tuyến nước bọt, có khi còn gây viêm cả tuyến sinh dục, tụy tạng và màng não. Bệnh quai bị lây truyền qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, gặp nhiều ở lứa tuổi học đường và có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Các thể lâm sàng của bệnh quai bị căn cứ vào nơi khu trú của virus gây bệnh gồm viêm tuyến nước bọt mang tai (thường gọi là quai bị), dưới hàm, dưới lưỡi; viêm tinh hoàn, buồng trứng; viêm tụy tạng, viêm màng não, viêm não - màng não... Mỗi loại viêm có các thể điển hình và thể ẩn.

Các biến chứng, di chứng trong bệnh quai bị rất ít nhưng lại khá nặng nề:

  • Đối với nam giới, quai bị có thể gây vô sinh do cả hai tinh hoàn bị viêm nặng. Viêm tinh hoàn hay gặp ở nhóm tuổi phát triển hoặc trưởng thành về sinh dục và chiếm khoảng 20 - 30% các trường hợp bệnh quai bị ở người lớn. Biến chứng thường xảy ra vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 của giai đoạn phát bệnh, khi triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi, ít khi có trước ngày đó;
  • Ở bệnh nhân nữ, biến chứng thường gặp là viêm buồng trứng, viêm tuyến vú, viêm hạch tiết chất nhầy, có thể gây sinh non hoặc thai nhi sinh ra bị tổn thương giác mạc, tim, não.
  • Đối với trẻ em, biến chứng có thể gây điếc tai có khi vĩnh viễn, viêm não, tiểu đường do viêm tụy tạng kéo dài.

2. Dấu hiệu của bệnh quai bị


Biểu hiện chủ yếu của bệnh quai bị là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt
Biểu hiện chủ yếu của bệnh quai bị là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt

Biểu hiện chủ yếu của bệnh quai bị là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt, thường gặp ở tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm.

Thông thường sau khi bị nhiễm virus, người bệnh sẽ trải qua thời gian ủ bệnh kéo dài từ 18 - 25 ngày mà không có bất cứ triệu chứng gì.

Khi bệnh chuyển sang thời kỳ khởi phát với tính chất cấp tính, bệnh nhân có thể bị sốt cao 38 - 39 độ C hoặc hơn kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém.

Bệnh sẽ chuyển sang thời kỳ toàn phát sau nửa ngày hoặc một ngày, làm cho tuyến nước bọt mang tai bị viêm sưng. Bệnh nhân cảm thấy đau nhói ở góc hàm, thấy góc hàm phình ra, da căng và nhẵn nhưng không nóng, không đỏ.

Bệnh nhân thường bị viêm cả hai bên tuyến nước bọt mang tai, cách nhau từ 1 - 3 ngày (chỉ có 1/3 trường hợp bị viêm một bên) kèm theo viêm niêm mạc miệng, phù nề, đỏ chung quanh lỗ ống dẫn nước bọt của tuyến mang tai.

Thời khi lui bệnh với dấu hiệu hết sốt sau 4 - 5 ngày, triệu chứng sưng, đau sẽ giảm dần rồi trở lại bình thường khoảng sau 8 - 10 ngày kể từ ngày mắc bệnh.

Bệnh quai bị thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh bạch hầu và bệnh viêm hạch cổ do vi trùng. Do đó, cần đưa người bệnh đi khám để xác định chính xác tình trạng bệnh.

3. Cách chữa bệnh quai bị


Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa quai bị
Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa quai bị

Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa quai bị. Thế nhưng, nếu chưa tiêm phòng bệnh hoặc tiêm không đủ 2 mũi vacxin phòng quai bị trong đúng khoảng thời gian khuyến cáo thì bệnh nhân có thể bị mắc bệnh quai bị.

Khi mắc quai bị, chỉ có thể điều trị triệu chứng của bệnh, vì chưa có thuốc điều trị đặc bệnh. Do là bệnh lành tính nên bệnh nhân thường được điều trị quai bị tại nhà. Điều quan trọng nhất là cần theo dõi để phát hiện kịp thời các biến chứng.

Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân quai bị:

  • Để phòng tránh lây lan bệnh từ người này sang người khác, người mắc quai bị cần được cách ly, nghỉ ngơi tại nhà. Bệnh sẽ tự khỏi dần sau khoảng 5 đến 7 ngày nếu không có biến chứng. Vùng mang tai sẽ giảm sưng dần và hồi phục hoàn toàn sau 10 ngày.
  • Nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế đi lại, hạn chế vận động, ăn nhẹ, ăn đồ ăn lỏng trong những ngày đầu, súc miệng bằng nước muối.
  • Với bệnh nhân viêm tuyến nước bọt, sốt: chườm ấm chỗ đau, dùng giảm đau hạ sốt bằng paracetamol. Cần thận trọng khi dùng paracetamol trên bệnh nhân bị bệnh gan và dùng liều thuốc theo bác sĩ kê đơn.
  • Không nên điều trị quai bị bằng những phương pháp dân gian như dùng mực tàu, lọ nồi, đắp lá cây, vôi hay dán cao vào vùng sưng. Những cách làm này có thể gây nóng, phỏng, tạo điều kiện cho vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tuyến mang tai làm viêm nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu.
  • Nếu bị viêm tinh hoàn: Nam giới mắc quai bị nên mặc quần lót hơi chật để treo tinh hoàn, chườm nóng, dùng thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen), dùng corticoid (prednisolon, desamethason...). Corticoid có tác dụng chống viêm và giảm đau tốt, lúc đầu dùng liều cao sau đó giảm dần liều trong 7-10 ngày, đây là một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan như gây hội chứng cushing, gây viêm loét dạ dày tá tràng, có thể gây xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân có bệnh lý dạ dày - tá tràng từ trước, gây loãng xương, ức chế miễn dịch... Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được kiểm soát nếu việc dùng thuốc thận trọng, tuyệt đối tuân theo y lệnh của bác sĩ.
  • Trong trường hợp bị viêm não, viêm màng não cần dùng corticoid, chăm sóc theo dõi sát diễn biến bệnh nhân để tránh bội nhiễm và cần loại trừ các nguyên nhân viêm não, viêm màng não do căn nguyên khác.
  • Bệnh nhân có biểu hiện viêm tụy thường lành tính, tuy nhiên những bệnh nhân này vẫn cần theo dõi sát tình trạng đau bụng, nôn, xét nghiệm máu để tránh bỏ sót biến chứng nặng như nang giả tụy hoặc cần phân biệt với các bệnh ngoại khoa.
  • Với một số biểu hiện viêm khớp, viêm tuyến giáp... không cần điều trị đặc hiệu có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm đơn thuần (paracetamol).
  • Khi điều trị tại nhà, không nên vận động nhiều để tránh các biến chứng viêm màng não, viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng. Khi có triệu chứng ói nhiều, đau đầu, đau bụng ngay cả là khi vùng sưng ở mang tai đã giảm, nên đi khám ngay để kịp thời xử lý tình trạng bệnh.

Để phòng ngừa bệnh quai bị, những đối tượng trẻ nhỏ trên 12 tháng tuổi, phụ nữ chuẩn bị mang thai, nam giới chưa được tiêm phòng vắc xin quai bị ... có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn, đặt lịch và tiêm phòng vắc xin quai bị - sởi – rubella, nhằm phòng bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Tất cả các sinh phẩm, vắc xin tại Vinmec đều có nguồn gốc rõ ràng; được bảo quản trên dây chuyền lạnh theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Khách hàng được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm, đồng thời theo dõi sức khỏe sau tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe