Có nên giữ trẻ quá sạch sẽ không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Các mùa cúm và dịch bệnh đã khiến cơ quan y tế yêu cầu mọi người phải rửa tay thường xuyên. Trong khi bản chất của trẻ nhỏ là chạm vào những thứ mà người lớn cảm thấy rất bẩn thỉu. Vậy có nên giữ trẻ quá sạch sẽ? Trẻ em thực sự cần một môi trường sạch thế nào để có sức khỏe tốt?

1. Giả thuyết cho hệ miễn dịch làm quen với vi trùng

Các bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân chính đáng buộc bố mẹ phải giữ trẻ quá sạch sẽ, nhưng cũng có người cho rằng quan điểm xã hội hiện nay đang bảo vệ trẻ em tránh khỏi vi trùng cách thái quá.

Một nhóm nghiên cứu cho rằng việc để trẻ sơ sinh tiếp xúc với vi trùng có thể giúp các bé được bảo vệ tốt hơn, sau này ít nguy cơ mắc các bệnh như dị ứnghen suyễn. Theo giả thuyết này, nếu không tiếp xúc với ký sinh trùng, vi khuẩn và virus trong giai đoạn đầu đời, trẻ em sẽ có nhiều nguy cơ bị dị ứng, hen suyễn và các bệnh tự miễn khác khi trưởng thành. Trên thực tế, những đứa trẻ lớn lên ở miền quê, nông trại hoặc những bé đi học nhà trẻ sớm hơn thường có tỷ lệ bị dị ứng thấp hơn.

Giống như não của em bé cần được kích thích và tương tác để phát triển bình thường, hệ thống miễn dịch của trẻ cũng cần được củng cố bằng cách tiếp xúc với vi trùng hàng ngày. Nhờ đó hệ miễn dịch có thể làm quen, thích nghi và tự điều chỉnh. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác loại vi trùng nào thích hợp với giả thuyết này.

Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm chuyên gia đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với phân động vật nhiều hơn và thường bị tiêu chảy sẽ ít bị viêm trong cơ thể khi lớn lên. Viêm có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và Alzheimer.

Các chuyên gia nghĩ rằng hệ thống miễn dịch không chỉ liên quan đến dị ứng, bệnh tự miễn và hen suyễn; mà còn có vai trò đối với chứng viêm và các bệnh thoái hóa khác. Theo đó, việc tiếp xúc với vi sinh vật sớm trong giai đoạn đầu đời có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm khi trưởng thành.

2. Sát khuẩn có giúp tăng cường sức khỏe hay không?

Hầu hết các vi trùng ẩn náu trong môi trường sống của chúng ta và sống trên cơ thể con người là vô hại. Các giáo sư cho biết những vi sinh vật này đã ở với chúng ta hàng thiên niên kỷ. Khi hành vi của con người thay đổi - trở nên quá sạch sẽ trong nửa thế kỷ qua, nhiều vi khuẩn đang dần biến mất, chẳng hạn như một số lợi khuẩn sống trong ruột.

Lợi khuẩn vốn đảm nhiệm các chức năng sinh lý quan trọng, nhưng cuộc sống hiện đại đã khiến chúng biến đổi và một số đang biến mất dần. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả vừa tích cực, vừa tiêu cực.

Khi giữ trẻ quá sạch sẽ để bảo vệ khỏi bệnh tật, vô tình chúng ta lại tước đi cơ hội xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh mẽ của các bé. Bên cạnh việc vệ sinh quá sạch sẽ khiến trẻ không tiếp xúc được với các vi sinh vật tự nhiên có lợi, những sai lầm khác - ví dụ như lạm dụng thuốc kháng sinh, sẽ khiến con người ngày càng yếu hơn thay vì khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, vi trùng bên ngoài không hoàn toàn là tốt cho bạn. Theo quan điểm của chuyên gia, có những loại vi trùng chỉ thích nghi với trong bụi bẩn và rác thải, không thích nghi với cơ thể con người.


Giữ trẻ quá sạch sẽ có thể vô tình làm loại bỏ vi khuẩn có lợi
Giữ trẻ quá sạch sẽ có thể vô tình làm loại bỏ vi khuẩn có lợi

3. Vậy bố mẹ phải làm gì?

Tương tự như hầu hết mọi vấn đề cuộc sống, bất cứ điều gì quá mức đều không tốt, bao gồm cả quá sạch sẽ. Để giữ cho con bạn khỏe mạnh cần một sự cân bằng.

Chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ và bác sĩ phải cẩn thận xem xét có cần thiết sử dụng kháng sinh để điều trị tất cả các đợt sốt của trẻ hay không. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh đóng một vai trò lớn làm suy yếu khả năng chống lại nhiễm trùng của hệ miễn dịch.

Liên quan đến câu hỏi sạch quá có tốt không, bạn không cần bị ám ảnh bởi việc giữ một môi trường sống của con hoàn toàn không có mầm bệnh. Dù vậy bố mẹ cũng cần hiểu vấn đề sao cho đúng đắn nhất. Nghĩa là không phải một môi trường sống bẩn thỉu sẽ tốt cho sức khỏe của bé. Nhưng thay vì lo sợ con lấm bẩn mà chỉ bao bọc con quanh quẩn trong nhà, bạn hãy để cho trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên và tự do khám phá cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe