Táo bón là sự giảm số lần bài xuất phân bình thường, kèm theo khó chịu và đau rát vùng hậu môn khi bài xuất phân do phân rắn hoặc quá to. Phần lớn táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng nguyên nhân do nín đi cầu, chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thói quen lười vận động,... Khi điều trị táo bón bằng thuốc nhuận tràng cho trẻ cần một số lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
1. Mẹ có nên sử dụng thuốc nhuận tràng cho trẻ?
Khi thực hiện điều trị táo bón cho trẻ thì bước đầu tiên là làm rỗng đại tràng. Bác sĩ có thể chỉ định một trong những biện pháp can thiệp dưới đây:
- Thụt hậu môn: bơm nước trực tiếp vào trực tràng, tạo cơn mót đi ngoài.
- Thuốc đút hậu môn: kích thích ruột đẩy phân ra bên ngoài.
- Thuốc nhuận tràng: có tác dụng giúp rửa đại tràng và trực tràng.
- Dùng tay tháo phân: đôi khi nhân viên y tế phải sử dụng tay để loại bỏ những khối phân lớn và quá cứng.
Bước thứ hai là sử dụng các loại thuốc chống táo bón:
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị chống táo bón để giúp bé đi ngoài bình thường trở lại. Thuốc điều trị sử dụng hàng ngày giúp trẻ táo bón đi tiêu phân mềm, không đau, phục hồi thói quen vệ sinh đều đặn. Mục tiêu là giúp trẻ đi ngoài hàng ngày, không bị cảm giác khó chịu, không bị són phân ra quần. Trẻ cần được dùng thuốc đều đặn trong một thời gian dài (thường là 3-6 tháng) mới mang lại kết quả.
Nhiều cha mẹ lo rằng trẻ sẽ quen hay “nhờn” với thuốc chống táo bón và không còn nhu cầu đi tiêu tự nhiên nữa, hay sợ thuốc làm hao hụt đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng trong cơ thể. Thực tế, nếu được sử dụng thuốc điều trị chống táo bón đúng cách, điều này sẽ không xảy ra.
2. Các loại thuốc nhuận tràng cho bé
Một số loại thuốc nhuận tràng cho bé, mẹ có thể tham khảo như sau:
- Nhóm thuốc tạo khối có tác dụng bổ sung chất xơ: Nhóm thuốc nhuận tràng cho trẻ này chứa các chất xơ (từ vỏ, hạt, củ). Khi trẻ uống vào thì thuốc sẽ hút nước từ ruột, làm cho phân mềm và lớn hơn, tạo nhu động ruột bình thường để đẩy phân. Một số thuốc thuộc nhóm này như Methylcellulose (biệt dược – Citrucel). Thuốc này thường phát huy tác dụng sau khi sử dụng từ 1 đến 3 ngày. Vì thuốc hút nhiều nước nên phải đảm bảo cho trẻ uống đủ nước như chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
- Nhóm thuốc làm mềm phân: Loại thuốc nhuận tràng cho trẻ này không thúc đẩy nhu động ruột nhưng giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm hơn và có thể tống phân ra ngoài mà không cần rặn, nhờ đó trẻ đi tiêu dễ dàng hơn. Một số thuốc có thể kể đến như parafin lỏng, docusate (Norgalax). Parafin dạng lỏng có thể để lại những vết dầu trên quần lót, nhất là nếu dùng lâu với liều cao.
- Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Thuốc nhuận tràng cho trẻ nhóm này có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài. Một số thuốc điển hình thuộc nhóm này như Lactulose (Duphalac), sorbitol (Sorbitol, Microlax).
- Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích: Nhóm thuốc nhuận tràng cho trẻ này có tác dụng kích thích để cơ đại tràng co bóp, làm tăng nhu động ruột, khiến phân được đẩy ra ngoài nhanh hơn. Thuốc cần trung bình từ 8 đến 12 giờ để phát huy tác dụng, có thể dùng đường uống hoặc đường hậu môn, vì thuốc tác dụng trực tiếp lên thành ruột. Một số thuốc thuộc nhóm này như Bisacodyl (Dulcolax). Nhóm thuốc nhuận tràng cho bé loại này thường chỉ được chỉ định khi các nhóm ở trên không có hiệu quả.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các trung tâm y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa nếu tình trạng táo bón của trẻ diễn ra dai dẳng, đi ngoài ra máu, trẻ mệt mỏi chán ăn, bụng chướng, đau bụng hoặc thấy bé bị căng thẳng với mỗi lần đi ngoài.
Xem ngay: Các thực phẩm làm mềm phân cho người táo bón
3. Có nên sử dụng thuốc nhuận tràng Duphalac cho bé?
Duphalac là thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thành phần chính là hợp chất hóa học: đường lactulose. Thuốc nhuận tràng Duphalac đem lại công dụng làm mềm phân, hỗ trợ cải thiện nhu động ruột, cải thiện triệu chứng cấp tính của tình trạng táo bón.
Duphalac đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trên trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên sử dụng thuốc nhuận tràng cho bé khi thật cần thiết, dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Đồng thời, khi sử dụng thuốc nhuận tràng Duphalac cho bé trong thời gian kéo dài có thể ảnh hưởng đến phản xạ đại tiện, giảm nhu động ruột sinh lý tự nhiên.
Trong quá trình sử dụng thuốc nhuận tràng cho bé, cụ thể là thuốc nhuận tràng Duphalac cho bé để điều trị táo bón, lưu ý quan trọng nhất là cần uống đủ nước. Khi sử dụng thuốc nhuận tràng Duphalac để điều trị táo bón, hiệu quả của thuốc chỉ đạt được khi thuốc làm cho phân của trẻ loãng hơn so với bình thường. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Đối với những trẻ từ 6 tháng trở lên, mẹ cần bổ sung thêm nước phù hợp với nhu cầu thực tế của trẻ.
Trong thành phần của thuốc Duphalac chứa một phần nhỏ đường lactose, galactose, fructose. Đây là những dẫn xuất cùng nhóm với lactulose, sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình tổng hợp. Những đối tượng không dung nạp hoặc dị ứng với các thành phần trên không nên sử dụng thuốc Duphalac để điều trị bệnh táo bón. Cụ thể như đối với trẻ có thể trạng bất dung nạp lactose (thiếu hụt enzym lactase) hay không dung nạp fructose hoặc galactose. Một số trẻ đang có tình trạng tắc nghẽn dạ dày – ruột, thủng tiêu hóa hoặc nguy cơ thủng tiêu hóa tuyệt đối không nên sử dụng thuốc Duphalac.
4. Một số lưu ý khác khi điều trị táo bón ở trẻ
Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc nhuận tràng cho trẻ thì cha mẹ cũng cần lưu ý khi sử dụng thuốc nhuận tràng:
- Tập thói quen cho con đi vệ sinh vào một giờ nhất định và duy trì mỗi ngày. Bạn nên chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô, bệ xí trong thời gian quá lâu.
- Thuốc mềm phân: đây là thuốc làm mềm phân, không phải là thuốc điều trị táo bón nên không ngưng sử dụng thuốc đột ngột khi thói quen đi cầu chưa được thiết lập. Các mẹ có thể tham khảo và sử dụng Lactulose hoặc Macrogol 3350 theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc xổ hay thuốc nhuận tràng cho trẻ chỉ sử dụng trong giai đoạn đầu khi phân cứng để sổ phân ra ngoài một cách dễ dàng. Không sử dụng thuốc hàng ngày, khi bé đã đi ngoài ra phân dễ dàng thì ngưng sử dụng thuốc.
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bé: Uống nhiều nước: 500 – 600ml nước/ ngày với trẻ từ 1 -3 tuổi. Trẻ trên 1 tuổi thì lượng sữa hàng ngày nên ở mức dưới 500ml để tránh bị táo bón. Uống sữa bổ sung thêm chất xơ, nếu trẻ ăn sữa ngoài. Đồng thời, các mẹ cũng nên cho con bổ sung thêm nhiều loại rau xanh và hoa quả chín.
- Chăm sóc khác: xoa bụng cho con theo chiều kim đồng hồ ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Nếu trẻ bị nứt kẽ hậu môn cần rửa sạch hậu môn. Bôi một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như vaselin hay thuốc mỡ oxit kẽm vào vùng hậu môn cho tới khi vết rách lành hẳn.
Ngoài ra, để phòng tránh táo bón cho con, bạn cần tập cho con thói quen và thực hiện nếp sống lành mạnh như: ăn uống đúng giờ giấc, luyện tập thể dục thể thao ngoài trời đều đặn hàng ngày.
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ, khi dùng thuốc nhuận tràng cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Trong trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài, mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.