Các chấn thương xảy ra ở các mạch máu bị tổn thương làm xuất hiện các vết bầm tím và chúng cần thời gian để hồi phục. Có một số cách để có thể làm tan máu bầm. Và nhiều người có thể băn khoăn liệu chườm nóng tan máu bầm được không? Chườm nóng giảm sưng không? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn liên quan đến việc làm tan máu bầm.
1. Vết bầm là gì?
Vết bầm tím, hoặc vết sưng tấy là sự đổi màu da do chấn thương da hoặc mô. Các vết thương này làm phá hủy các mạch máu bên dưới da, khiến máu bị rò rỉ và ứ đọng lại dưới da. Do đó, xuất hiện các vết bầm tím. Việc xuất hiện các vết bầm tím khá phổ biến do nhiều nguyên nhân như ngã, tai nạn, chấn thương thể thao hoặc thủ thuật y tế.
Ngoài ra, bạn có thể dễ bị bầm tím hơn nếu:
- Bị ung thư hoặc bệnh gan.
- Có tiền sử gia đình có các thành viên dễ bị bầm tím.
- Dùng thuốc để làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu, chẳng hạn như aspirin - chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu.
- Thường xuyên sử dụng các thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID) để giảm đau ví dự như ibuprofen (Advil®) hoặc naproxen (Aleve®).
- Bị rối loạn chảy máu như bệnh ưa chảy máu, bệnh Von Willebrand hoặc rối loạn đông máu khác.
- Gặp phải số lượng tiểu cầu trong máu thấp (giảm tiểu cầu).
- Thiếu vitamin C hoặc vitamin K.
2. Chườm nóng tan máu bầm không?
Nhiều người cho rằng chườm nóng làm tan máu cục. Tuy nhiên, không phải lúc nào chườm nóng tan máu bầm, chườm nóng giảm sưng cũng đúng. Nếu chườm nóng không đúng thời điểm sẽ làm tăng sự chảy máu, phù nề và bầm tím nhiều hơn. Như đã trình bày ở trên, bầm tím xảy ra thường do các chấn thương mạch máu khiến máu chảy và tụ dưới da. Nếu lúc mạch máu vừa mới tổn thương, quá trình chảy máu đang diễn ra, việc chườm ấm sẽ làm mạch máu giãn nở, do đó, máu sẽ chảy và tụ nhiều hơn dưới da làm chỗ chấn thương bị bầm tím và phù nhiều hơn. Việc chườm nóng tan máu cục chỉ nên thực hiện sau khi bị thương vài ngày, tức là lúc máu đã bị đông lại.
3. Làm thế nào để tan máu bầm trên da?
Như vậy, không phải chườm nóng là biện pháp nên áp dụng ngay khi bị chấn thương để giảm bầm tím và sưng. Vậy, làm thế nào để tan máu bầm trên da? Thông thường, các vết bầm tím sẽ biến mất trong vòng 10 ngày đến 2 tuần mà không cần điều trị. Một số vết bầm tím và tụ máu nghiêm trọng có thể kéo dài một tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, có một số mẹo để giúp vết bầm nhanh tan gồm:
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và kê cao vùng bị thương để ngăn ngừa sưng tấy, giúp giảm đau.
- Thực hiện chườm đá: Chườm đá trong 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi bị thương. Mục đích của chườm đá là làm co mạch và làm chậm lưu lượng máu đến khu vực bị thương, do đó, đỡ bầm tím hơn. Nước đá cũng cũng giúp giảm sưng và giảm đau. Cách chườm lạnh an toàn là cho đá và một chiếc túi nilon là dùng khăn sạch quấn lại. Lưu ý là không bao giờ được pháp chườm đá trực tiếp lên da. Chườm đá không quá 15 phút mỗi lần, thực hiện lặp lại một vài lần trong một đến hai ngày đầu. Nếu bầm tím ở vùng mắt, lưu ý là không đè lên nhãn cầu và phải dùng khăn sạch để phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng mắt. Nếu bạn không có đá viên, bạn có thể dùng túi đá hoặc khăn lạnh nhưng tránh dùng thịt sống đông lạnh hoặc bất kì thực phẩm đông lạnh nào vì vi khuẩn có thể xâm nhập gây nhiễm trùng.
- Thực hiện chườm ấm: Sau hai ba ngày, bạn có thể chườm nóng để thúc đẩy lưu thông máu ở các mạch máu khỏe mạnh xung quanh vết bầm. Cố gắng chườm trong 15 phút ba lần một ngày. Lúc này, chườm nóng tan máu bầm nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu bạn chườm ấm quá sớm có thể có tác dụng ngược lại. Với quan điểm chườm nóng giảm sưng và chườm nóng tan máu bầm, nhiều người chườm ấm hoặc thoa dầu nóng lên chỗ chấn thương. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng việc chườm nóng cũng như tắm nước nóng trong vòng hai hoặc ba ngày đầu sau bầm tím có thể gây chảy máu và sưng tấy nhiều hơn do chườm nóng làm giãn mạch.
- Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp bị thương nặng và bầm tím nhiều, bạn có thể cần sử dụng thêm thuốc giảm đau như paracetamol.
- Chế độ ăn: Thực hiện chế độ ăn với các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất lành mạnh giúp cơ thể tự chữa lành vết thương nhanh hơn. Ví dụ bổ sung trái cây và rau quả giàu vitamin C như là ổi, cam, chanh,...
- Uống nhiều nước: việc giữ cho cơ thể đủ nước bằng nước hoặc các loại trà thảo mộc cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, do đó, giúp làm tan máu bầm tốt hơn.
- Tạm dừng việc hút thuốc là vì thuốc lá làm chậm quá trình hồi phục của da và cơ thể.
Như vậy, khi bị các chấn thương làm tụ máu, lúc đầu, bạn nên chườm lạnh trước trong vòng từ hai đến ba ngày rồi sau đó bạn có thể chườm nóng tan máu cục để thúc đẩy quá trình lưu thông máu, làm lành vết thương và xóa tan vết bầm tím.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.