Ăn dặm là giai đoạn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, phụ huynh cần tuân theo một số nguyên tắc về việc lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn dặm. Ăn dặm khoai lang và ăn dặm khoai tây là những lựa chọn tốt, giúp bé phát triển tốt.
1. Ăn dặm khoai lang - lựa chọn tốt cho bé
1.1 Thành phần dinh dưỡng của khoai lang
Khoai lang là loại củ rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A và beta-carotene. Do đó, các chuyên gia đã khuyên phụ huynh nên thêm khoai lang vào chế độ ăn dặm của trẻ nhỏ để giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Trong 100g khoai lang có: 86 kcal năng lượng; 20,12g tinh bột; 4,18g đường; 3g chất xơ; 1,57g protein; 0,05g chất béo; 30mg canxi; 0,61mg sắt; 25mg magie; 47mg phốt pho; 337mg kali; 55mg natri; 0,3mg kẽm cùng với vitamin C, vitamin B1, B2, B3, B6, B9, vitamin A, E, K,...
1.2 Công dụng của khoai lang đối với sức khỏe của trẻ
- Giàu vitamin A và beta-carotene: Ăn khoai lang rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ bởi nó rất giàu vitamin A - một dưỡng chất cần thiết đối với đôi mắt. Ngoài ra, khoai lang còn giàu beta-carotene - tiền chất của vitamin A, cung cấp một lượng lớn vitamin A cho cơ thể. Có thể xem khoai lang là loại củ có hàm lượng vitamin A cao nhất trong các loại rau củ nên nó rất tốt cho bé trong giai đoạn ăn dặm;
- Giàu vitamin: Khoai lang chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe như E, E, K, B1, B6 và B9. Các loại vitamin này giúp thúc đẩy các cơ quan trong cơ thể bé phát triển khỏe mạnh;
- Giàu khoáng chất: Khoai lang cung cấp cho cơ thể bé một lượng lớn các khoáng chất quan trọng như canxi, magie, phốt pho, sắt, kali, natri và kẽm;
- Giàu tinh bột và chất xơ: Khoai lang còn giàu tinh bột và chất xơ, vừa tạo năng lượng cho cơ thể vừa hỗ trợ tiêu hóa tốt.
1.3 Khi nào cho trẻ ăn dặm khoai lang?
Các bậc phụ huynh có thể bắt đầu cho bé ăn khoai lang từ lần đầu tập ăn dặm - vào thời điểm bé được khoảng 6 tháng tuổi. Vì có hàm lượng dinh dưỡng cao nên khoai lang chính là một trong những thực phẩm ăn dặm đầu tiên cho bé. Với vị ngọt đặc trưng cùng kết cấu mềm và dễ ăn, cha mẹ có thể dễ dàng chế biến khoai lang thành các món ăn dặm thơm ngon cho trẻ.
1.4 Trẻ có nguy cơ bị dị ứng khoai lang không?
Giống như những thực phẩm khác, khoai lang có nguy cơ gây dị ứng (dù hiếm gặp). Do vậy, khi cho trẻ ăn khoai lang lần đầu, các bậc phụ huynh nên theo dõi các triệu chứng của bé. Các triệu chứng dị ứng thường xuất hiện sau khi ăn vài phút hoặc vài giờ. Các biểu hiện thường gặp gồm:
- Nổi mề đay: Xuất hiện những nốt nhỏ màu đỏ trên da theo từng mảng;
- Khó thở: Trẻ có biểu hiện khó thở, thở hổn hển hoặc thở khò khè;
- Sưng: Trẻ bị sưng lưỡi và môi, gây khó chịu khi nuốt;
- Đau bụng: Bé bị đau bụng, có thể đi kèm nôn mửa và tiêu chảy;
- Suy nhược và chóng mặt.
Nếu trẻ có những triệu chứng dị ứng này, cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay lập tức. Bên cạnh đó, khi cho trẻ ăn dặm khoai lang, cha mẹ chỉ nên cho bé ăn phần ruột, tránh ăn vỏ khoai vì phần vỏ rất khó tiêu hóa.
1.5 Cách chọn và bảo quản khoai lang
Khi chọn khoai lang, bạn nên chọn những củ lành lặn, không bị nứt, sứt mẻ, cầm lên thấy cứng chắc, nặng tay. Nên tránh mua những củ khoai có màu đen hoặc bị rỗ vì đây là dấu hiệu khoai bị sâu, hỏng. Ngoài ra, bạn nên mua khoai ở những địa chỉ uy tín, trồng theo tiêu chuẩn.
Về việc bảo quản, bạn có thể để khoai ở nhiệt độ phòng, chú ý sử dụng hết trong vòng 1 tuần. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn nên để khoai ở nơi mát mẻ, tối, khô ráo với mức nhiệt khoảng 15oC. Đồng thời, bạn chú ý không để khoai quá 1 tháng.
XEM THÊM: Các vấn đề khi ăn dặm
1.6 Các món ăn dặm từ khoai lang cho bé
Để chế biến các món ăn dặm từ khoai lang với hương vị thơm ngon cho bé, bạn có thể kết hợp khoai lang với rau, yến mạch, lúa mạch, các loại thịt, trái cây và sữa chua. Sau đây là những công thức nấu cháo khoai lang đơn giản, dễ thực hiện:
Cháo khoai lang trứng gà
Đây là món ăn bổ dưỡng nhưng với những bé 6 - 7 tháng tuổi, bạn chỉ nên cho bé ăn dặm món này khoảng 2 - 3 lần/tuần.
Nguyên liệu chuẩn bị gồm: 2 củ khoai lang, 1 quả trứng gà, 1 nắm gạo nếp, 1 nắm gạo tẻ và 1 ly sữa.
Cách nấu như sau:
- Vo gạo sạch, cho gạo vào nồi, đổ nước ngập gạo rồi nấu tới khi gạo nở bung;
- Gọt vỏ khoai lang, rửa sạch, hấp chín, nghiền nhuyễn rồi trộn với sữa tươi. Cho vào nồi cháo đang nấu;
- Tách lòng đỏ trứng gà, khi cháo và khoai quyện với nhau thì cho lòng đỏ trứng vào, khuấy đều.
- Tắt bếp, để cháo nguội, cho bé thưởng thức.
Cháo khoai lang bí đỏ
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: 1 phần khoai lang và 1 phần bí đỏ.
Cách chế biến như sau:
- Gọt vỏ khoai lang và bí đỏ rồi cắt miếng nhỏ. Tiếp theo, cho 2 nguyên liệu vào nồi, thêm nước, nấu cho tới khi chín nhừ;
- Cho khoai và bí vào máy xay, thực hiện xay nhuyễn. Bạn cũng có thể thêm vào đó một ít nước hoặc sữa công thức rồi trộn đều;
- Múc cháo ra bát, thêm vào 1 muỗng dầu gấc để món cháo khoai lang thơm ngon hơn.
Cháo khoai lang cà rốt
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: Khoai lang, cà rốt và nước với lượng vừa đủ.
Cách nấu như sau:
- Hấp chín cà rốt rồi cắt thành từng miếng nhỏ;
- Hấp chín khoai lang hoặc nướng tới khi khoai chín mềm, dùng muỗng nạo sạch phần ruột khoai ra khỏi vỏ;
- Cho cả khoai lang và cà rốt vào máy xay, nghiền nhuyễn. Nếu hỗn hợp quá đặc, bạn có thể thêm vào một ít nước, nêm thêm gia vị cho vừa ăn.
XEM THÊM: 10 công thức nấu cháo giàu dinh dưỡng, tốt cho trẻ em
2. Ăn dặm khoai tây - giúp bé phát triển toàn diện
Với trẻ bắt đầu ăn dặm thì khoai tây là một trong những loại thực phẩm có nhiều lợi ích về tiêu hóa và cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
2.1 Lợi ích của việc cho bé ăn khoai tây
- Cung cấp vitamin và khoáng chất: Khoai tây có chứa một lượng vitamin và khoáng chất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ;
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Khoai tây có hàm lượng kiềm cao, có thể làm giảm nồng độ axit trong cơ thể. Điều này rất tốt đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Ngoài ra, khoai tây còn thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn trong đường tiêu hóa của trẻ;
- Bảo vệ gan: Khoai tây rất tốt cho gan, giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra;
- Kháng virus: Khoai tây (đặc biệt là khoai tây đỏ) có chứa chất anthocyanin, có thể ngăn chặn sự phát triển của virus cúm. Vì vậy, cho trẻ ăn dặm khoai tây có thể giúp tăng cường sức đề kháng cho bé và phòng ngừa cúm hiệu quả;
- Bảo vệ da: Vitamin C, enzyme và tinh bột trong khoai tây có tác dụng nuôi dưỡng các mô da.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng khoai tây để làm đẹp hoặc chữa bỏng, chữa các vết viêm do côn trùng cắn ở trẻ nhỏ,...
2.2 Khi nào cho trẻ ăn dặm khoai tây?
Khoai tây rất dễ tiêu hóa và cung cấp nhiều năng lượng, có thể đưa vào chế độ ăn uống của trẻ từ sớm. Vì có hàm lượng calo cao nên bạn có thể cho trẻ ăn khoai tây từ khi bé được 7 - 10 tháng tuổi.
2.3 Cách chọn và bảo quản khoai tây
Khi chọn khoai tây, bạn nên chọn những củ có vỏ màu nâu nhạt, cào nhẹ lớp vỏ bên ngoài để thấy khoai có màu vàng. So với khoai có vỏ trắng, khoai màu vàng sẽ mịn, bở và có mùi vị thơm ngon hơn. Bạn chú ý nên tránh mua khoai tây có vỏ bị trầy vì nó sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào bên trong củ khoai.
Khi mua khoai tây, bạn cũng nên tránh chọn những củ tròn đều, mọc mầm hoặc có đốm xanh vì chúng không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, người mua không nên chọn những củ có nốt, chấm, bị sâu, mắt màu đen, bị thối, chảy nước, da nhăn nheo,... vì chúng thường không giữ được độ ngon và chất dinh dưỡng.
Khi bảo quản, nên để khoai tây ở nơi khô mát và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Không dự trữ khoai trong ngăn đá hoặc ở tủ lạnh hay nơi ẩm ướt để tránh nguy cơ khoai bị mọc mầm. Và trước khi chế biến khoai, bạn nên ngâm khoai vào nước muối pha loãng 30 phút (để loại bỏ bớt chất độc trong khoai tây).
2.4 Các món ăn dặm từ khoai tây cho bé
Khoai tây nghiền
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: Khoai tây và nước dùng dashi.
Cách làm như sau:
- Rửa sạch khoai tây, gọt vỏ rồi cắt lát mỏng 0,5 - 1cm;
- Đổ nước dùng dashi và khoai tây vào nồi, đun sôi tới khi khoai mềm;
- Cho khoai tây ra bát, nghiền nhuyễn rồi cho bé ăn.
Khoai tây nghiền sữa
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: Khoai tây nghiền, bánh mì và sữa mẹ (hoặc sữa bột).
Cách làm như sau:
- Lấy phần ruột bánh mì;
- Pha sữa với nước ấm;
- Cho bánh mì và sữa vào máy, xay cho nhuyễn;
- Trộn hỗn hợp này với khoai tây nghiền rồi cho bé ăn.
Salad khoai tây
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: Khoai tây, bông cải xanh, cà rốt và sữa chua.
Cách làm như sau:
- Rửa sạch cà rốt và khoai tây, gọt vỏ, cắt lát dày khoảng 0,5cm rồi đem đi luộc chín;
- Lấy phần bông của bông cải xanh, luộc chín rồi băm nhỏ;
- Trộn chung khoai tây với cà rốt và bông cải;
- Cho sữa chua vào hỗn hợp trên, trộn đều rồi cho bé ăn.
3. Nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm khoai lang và khoai tây
- Ở giai đoạn 6 - 12 tháng tuổi, nên cho bé uống sữa với lượng 750ml - 1000ml/ngày. Lúc này, bạn có thể cho bé tập ăn dặm, tăng dần từng chút một và giảm dần lượng sữa;
- Cho bé ăn từ lỏng đến đặc dần. Từ tháng thứ 9, bé có thể tập ăn cháo nghiền và dần chuyển sang cháo đặc;
- Ngoài bột từ gạo và đạm động vật, rau củ, cha mẹ có thể cho bé ăn dặm thêm bánh quy, táo, lê,... để tạo điều kiện cho răng trẻ phát triển. Các món ăn phụ có thể cho trẻ ăn thêm là sữa chua, hoa quả xay,...;
- Thức ăn của bé nên được nấu nhừ và có đủ các thành phần dinh dưỡng gồm tinh bột, đạm và rau xanh. Nên cho vào cháo của bé 1 thìa nhỏ dầu ăn (giúp bé hấp thụ được nhiều vitamin trong rau xanh hơn);
- Trẻ ăn rất nhạt nên chỉ nêm một chút muối cho bé;
- Nghiêm chỉnh thực hiện thời gian biểu cho trẻ ăn dặm, ban đầu có thể cho bé ăn khoảng 6 bữa/ngày, sau đó rút dần còn 5 bữa và tiến tới chỉ ăn 2 bữa bột đặc/ngày. Kết hợp cho trẻ bú thêm;
- Không bắt ép trẻ ăn hết khẩu phần ăn theo quy định mà nên gia giảm theo sức ăn của bé.
Khoai lang và khoai tây là 2 loại thực phẩm nên được thêm vào thực đơn ăn dặm của bé để giúp trẻ phát triển toàn diện. Khi cho bé ăn dặm khoai lang và khoai tây, phụ huynh cần chú ý đa dạng trong cách chế biến và phối hợp các loại thực phẩm để bé ăn uống ngon miệng hơn.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong