Có nên cho bé ăn dặm măng tây?

Măng tây là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe của người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nhiều bác sĩ dinh dưỡng khuyên rằng, cha mẹ nên bổ sung măng tây cho bé ăn dặm hợp lý để trẻ được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu.

1. Lợi ích sức khỏe của măng tây cho bé ăn dặm

Măng tây là một loại nguyên liệu thiên nhiên chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe. Ước tính, trong 100g măng tây có chứa: 12,9mg Carbohydrate; 202mg Cali; 20,7mg Canxi; 0,8mg Sắt; 905IU Vitamin A; 6,9mg Vitamin C; 0,01mg Vitamin B6; 134 ug Axit folic; 1,8g chất xơ.

Nếu cha mẹ nấu măng tây cho bé ăn dặm, bé sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe như:

  • Nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng: Do hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên ăn măng tây có chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A và C giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ;
  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Khi ăn măng tây, lượng chất xơ và Carbohydrate có trong loại thực phẩm này hỗ trợ hoạt động của đường ruột, giúp làm mềm phân, ngăn ngừa và điều trị các bệnh đường ruột hiệu quả. Bên cạnh đó măng tây còn chứa lượng lớn prebiotic, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột;
  • Tốt cho hệ tiết niệu: Vốn là một chất lợi tiểu tự nhiên, măng tây giúp loại bỏ muối và chất lỏng ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, thêm măng tây cho bé ăn dặm có thể giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu ở các bé trai;
  • Chống lại các gốc tự do: Thành phần Glutathione có trong măng tây có khả năng tiêu diệt các gốc tự do gây tổn thương cho tế bào;
  • Tăng cường thị lực cho bé: Lượng vitamin nhóm A và D có trong măng tây sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc những bệnh về mắt (quáng gà, cận thị, nhìn mờ...) và tăng cường thị lực cho bé;
  • Ngừa suy dinh dưỡng: Hàm lượng vitamin và khoáng chất nhóm A,K,C,E,B, Sắt, Kali, Phốt pho, Canxi... dồi dào trong măng tây biến đây trở thành nguồn cung thực phẩm quan trọng đối với sự phát triển thể chất của bé. Nhờ đó trẻ có khả năng ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng, chậm phát triển hiệu quả.
  • Hỗ trợ phát triển trí não: Axit folic có trong măng tây là một dưỡng chất quan trọng giúp phát triển trí não và nhận thức ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó vitamin K ngoài khả năng tăng đông máu, giúp xương chắc khỏe còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Mẹ nấu măng tây cho bé ăn dặm sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe
Mẹ nấu măng tây cho bé ăn dặm sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe

2. Gợi ý cách chế biến măng tây cho bé ăn dặm

Nhiều cha mẹ băn khoăn măng tây nấu với gì cho bé ăn dặm để dễ ăn. Trên thực tế măng tây có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: măng tây xào thịt bò, salad măng tây, hay các món nướng, hầm, súp, nộm... Tuy nhiên đối với trẻ em cách chế biến các món ăn dặm có thể giản lược hơn. Dưới đây là một số gợi ý cách chế biến măng tây cho bé ăn dặm mà cha mẹ có thể tham khảo:

  • Súp măng tây bắp non: Thái và rửa sạch măng tây; thái miếng ngô non. Cho cả măng tây, ngô, thịt cua vào đảo nhanh tay. Đổ nước dùng, thêm chút gia vị và đun sôi. Đập trứng đổ từ từ và khuấy nhanh cho tan đều. Đổ từ từ hỗn hợp tinh bột ngô hòa tan với ít nước vào nồi và khuấy đều tay, đun sôi cho đến khi súp hơi sánh lại. Đợi đến khi ấm ấm cho bé dùng.
  • Cháo măng tây bí đỏ: Rửa sạch và thái măng tây thành khúc nhỏ; gọt vỏ bí đỏ và thái nhỏ. Cho bí đỏ và măng tây vào hấp chín. Sau đó cho bí đỏ, măng tây và 200ml nước dùng gà vào máy xay nhuyễn. Đổ hỗn hợp đã xay vào nồi, nấu sôi và nêm thêm chút gia vị cho bé là hoàn thành. Đây là món cháo đơn giản, giàu vitamin và nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
  • Cháo măng tây tôm: Vo gạo sạch rồi đổ vào nồi nấu thành cháo chín nhừ. Sơ chế tôm (bóc vỏ, bỏ đầu, bỏ chỉ lưng, rửa sạch) rồi băm nhuyễn. Rửa sạch măng tây, thái miếng nhỏ rồi xay nhuyễn. Khi cháo chín thì cho thịt tôm vào khuấy đều tay trong 3 phút. Sau đó lần lượt cho măng tây xay vào nấu cùng trong 4 phút. Nêm chút gia vị rồi tắt bếp. Khi múc cháo ra mẹ cho thêm chút dầu oliu trộn đều và cho bé ăn khi cháo còn ấm.

Lưu ý khi chế biến măng tây cho bé ăn dặm: Khi chế biến măng tây nên chú ý rửa sạch cẩn thận. Nên chẻ nhỏ măng ra để nấu sẽ thấm đều gia vị hơn. Ngoài ra măng tây non rất giòn nên có thể bẻ cong để lấy phần non. Phần còn lại có thể nấu với đường phèn để làm nước uống lợi tiểu, giải độc gan hiệu quả. Nếu không thể nấu ngay có thể phơi khô măng tây để lưu trữ.


Chế biến măng tây cho bé ăn dặm có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác
Chế biến măng tây cho bé ăn dặm có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác

3. Những điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn măng tây

Mặc dù mang lại nhiều ích lợi về sức khỏe, tuy nhiên măng tây cũng là một loại thực phẩm có thể gây đầy hơi và khó tiêu ở bé. Do vậy với trẻ mới tập ăn dặm, hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa phát triển hoàn chỉnh thì cha mẹ không nên đưa măng tây vào trong khẩu phần ăn hàng ngày của bé.

Thời điểm phù hợp nhất để nấu măng tây cho bé ăn dặm là khi trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi. Lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã hoàn thiện hơn, phản xạ nhai - nuốt thức ăn cũng đã thành thạo và có thể ăn được nhiều loại thức ăn thô.

Ngoài ra còn một số lưu ý khác khi chế biến măng tây mà cha mẹ nên biết, đó là:

  • Măng tây rất nhanh hỏng nếu không được bảo quản trong tủ lạnh nên người mua cần sử dụng càng sớm càng tốt. Để bảo quản hiệu quả, nên gói măng tây trong giấy báo và đặt trong ngăn mát tủ lạnh;
  • Măng đóng hộp thường bị mất nhiều chất dinh dưỡng và chứa nhiều muối. Do vậy nên hạn chế sử dụng cho trẻ;
  • Măng tây có thể để đông lạnh mà vẫn giữ được vitamin;
  • Khi chọn măng tây nên chọn những cây măng có màu tươi sáng, thân chắc, không dập nát, không có dấu hiệu nấm mốc;
  • Ăn nhiều măng tây dễ bị đầy hơi, do vậy không nên cho bé ăn quá nhiều.

Qua những chia sẻ trên, hy vọng các bậc phụ huynh đã có thêm những thông tin về lợi ích của măng tây và cách chế biến măng tây cho trẻ ăn dặm. Chắc chắn, khi cho trẻ ăn thử món ăn giàu dinh dưỡng và có màu xanh đẹp mắt này, trẻ sẽ vô cùng thích thú.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe