Co giật sơ sinh: Những điều cần biết

Co giật ở trẻ sơ sinh là một triệu chứng của nhiều bệnh, nhưng thường xảy ra kín đáo và dễ bỏ qua. Tuy nhiên, co giật ở trẻ sơ sinh thường có nguyên nhân rõ ràng. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị nguyên nhân rất quan trọng trong việc xử trí co giật ở trẻ.

1. Co giật ở trẻ sơ sinh

Co giật xuất hiện khi có những thay đổi trong tín hiệu điện của não. Não là cơ quan được tạo thành từ các tế bào thần kinh, hoạt động với nhau thông qua các tín hiệu điện. Nếu có quá nhiều tế bào thần kinh gửi tín hiệu cùng lúc sẽ xuất hiện co giật.

Có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị co giật như:

  • Khi trẻ được sinh ra thiếu oxy cung cấp cho não
  • Chấn thương vùng đầu
  • Có dị tật bẩm sinh
  • Viêm màng não
  • Những bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, ví dụ như không thể chuyển hóa đường, chất béo hay đạm
  • Lúc mang thai, người mẹ có sử dụng thuốc.

Co giật ở trẻ sơ sinh có biểu hiện rất đa dạng, tuy nhiên ở một số trường hợp lại xảy ra kín đáo và dễ bỏ qua. Những biểu hiện co giật ở trẻ bao gồm:

  • Cử động bất thường hoặc trương lực cơ của thân và chi thay đổi: co giật khu trú hoặc toàn thân, gồng cứng kiểu mất não hoặc mất vỏ, giảm trương lực cơ toàn thân.
  • Cử động bất thường ở mặt, lưỡi, miệng: mút, nhai, chu miệng,...
  • Cử động bất thường ở mắt: giật nhãn cầu kiểu nystagmus, nhìn một chỗ,...
  • Hệ thần kinh thực vật: thở kiểu tăng thông khí, cơ ngừng thở, thay đổi nhịp tim, phản xạ đồng tử, huyết áp.

Co giật ở trẻ sơ sinh khác với ở trẻ lớn vì thường có nguyên nhân rõ ràng. Do vậy việc chẩn đoán và điều trị nguyên nhân là rất quan trọng trong việc xử trí co giật ở trẻ sơ sinh.


Viêm màng não gây co giật ở trẻ sơ sinh
Viêm màng não gây co giật ở trẻ sơ sinh

2. Xử trí co giật ở trẻ sơ sinh

Việc xử trí co giật ở trẻ rất quan trọng, điều này sẽ giúp cho trẻ tránh được nguy cơ bị sặc dẫn tới tử vong. Các bà mẹ cần lưu ý:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng một bên trên mặt phẳng
  • Nếu trẻ chưa tỉnh táo, tuyệt đối không cho trẻ ăn, uống.
  • Không đưa vào miệng trẻ những đồ vật như giữ lưỡi của trẻ. Vì việc làm này là không cần thiết và thậm chí có thể gây hại cho trẻ.

Gọi xe cấp cứu và đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế nếu:

  • Cơn co giật kéo dài trên 5 phút
  • Bị chấn thương trong con co giật
  • Sau khi co giật trẻ xuất hiện khó thở
  • 2 cơn co giật xảy ra liên tiếp
  • Lần đầu trẻ bị co giật

Khi cơn co giật của trẻ kéo dài hãy gọi xe cấp cứu và đưa đến bệnh viện
Khi cơn co giật của trẻ kéo dài hãy gọi xe cấp cứu và đưa đến bệnh viện

Hầu hết trẻ không cần điều trị gì trong lúc co giật, vì đa số cơn co giật chỉ xảy ra vài phút. Một số trường hợp có thể xuất hiện cơn co giật dài hơn 15 phút, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống co giật.

Điều trị co giật tùy thuộc vào nguyên nhân, nếu trẻ bị động kinh bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cần thiết để ngăn ngừa co giật cho trẻ. Nếu trẻ có tổn thương ở não thì có thể cần phải phẫu thuật.

Tóm lại, co giật là triệu chứng của một số bệnh, do nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm cả động kinh, sốt cao, dị tật bẩm sinh, chấn thương,... Việc xử trí co giật ban đầu cho trẻ là hết sức cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ sặc, dẫn tới tử vong. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân co giật và được tư vấn, điều trị.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe