Canxi là khoáng chất có nhiều chức năng trong với cơ thể, nhất là việc tham gia vào cấu trúc của xương và răng - những bộ phận quan trọng của con người. Khoáng chất này còn tham gia hình thành thromboplastin, thrombin, fibrin - những chất giúp quá trình đông máu diễn ra thuận lợi và tham gia vào hoạt động dẫn truyền thần kinh lẫn quá trình co cơ.
1. Tầm quan trọng của canxi trong cơ thể
Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu.
Trẻ em nếu thiếu canxi, ngoài việc bị còi xương, chậm tăng chiều cao còn bị còi cọc, khóc đêm, hay giật mình khóc thét, đổ mồ hôi trộm...
Đối với người lớn, người tuổi cao, phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đã mãn kinh, thiếu canxi mãn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ dẫn đến giảm trọng lượng xương, tăng quá trình tiêu xương. Ngoài ra thiếu canxi còn có thể khiến thần kinh suy nhược, hay quên, tinh thần không ổn định, mất ngủ hoặc ngủ li bì, dễ cáu hay ngủ mơ, đau đầu, tính tình thay đổi thất thường và có thể sẽ dẫn tới bệnh xốp xương, loãng xương hay tăng huyết áp.
Trường hợp thiếu canxi huyết sẽ gây hội chứng hạ canxi máu, gặp ở mọi lứa tuổi. Khi thiếu canxi huyết thể nhẹ, thường bắt đầu bằng các dấu hiệu như tê ở một số bộ phận trong cơ thể (lưỡi, môi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân), nặng thì có thể có hiện tượng co cơ xảy ra trên toàn bộ cơ thể (chân, tay đột nhiên bị co rút, cứng lại, khó cử động, đau đớn, co giật khu trú hoặc một vùng nào đó) và có thể bị co thắt các cơ hô hấp gây khó thở, dễ nhầm với bệnh uốn ván. Ngoài ra, người bệnh có thể bị tiểu buốt, chướng bụng.
2. Sự chuyển hóa canxi của cơ thể
Nhu cầu canxi của cơ thể thay đổi theo từng độ tuổi và sự hấp thụ canxi của mỗi người cũng khác nhau.
Lượng dự trữ canxi và sự chuyển hóa canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính gồm: do thức ăn, nước uống đưa vào; hấp thu canxi từ ruột; đào thải qua thận.
Do vậy, nhu cầu hàng ngày với một chế độ ăn đầy đủ phải bảo đảm cung cấp khoảng 1.000mg canxi qua đường ăn uống thì có khoảng 200mg canxi sẽ bị đào thải qua đường mật hoặc các dịch tiêu hóa khác.
Gần 99% canxi trong cơ thể tập trung ở trong xương, chủ yếu dưới dạng tinh thể Hydroxyapatite. Chỉ còn lại 1% canxi trong xương là tự do trao đổi với dịch ngoài tế bào, do đó luôn sẵn sàng để điều chỉnh nồng độ canxi trong máu ổn định. Nồng độ canxi toàn phần bình thường trong máu thường được duy trì dao động từ 8,8 đến 10,4 mg/dl (2,20 - 2,60mmol/l).
3. Yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi của cơ thể
Khi chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết thì chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung canxi. Tuy nhiên, việc hấp thụ canxi từ các sản phẩm bổ sung này cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sau:
- Tuổi tác: Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hàm lượng canxi có thể hấp thu lên đến 60%. Ở tuổi trưởng thành, tỷ lệ hấp thu canxi sẽ giảm từ 15-20%;
- Uống nhiều rượu, cà phê, nước trà sẽ làm giảm hấp thu canxi;
- Hút thuốc lá làm giảm hấp thu lượng canxi và chuyển hóa vitamin D, làm giảm nồng độ vitamin D trong máu;
- Các thực phẩm chứa acid phytic như: các loại đậu, ngũ cốc, khoai tây, dâu tây, bông cải xanh, cà rốt.., sẽ kết hợp với canxi tạo thành muối canxi không hòa tan, làm giảm hấp thu canxi;
- Không có đủ acid trong dịch vị dạ dày sẽ làm giảm hấp thu canxi vì acid dạ dày giúp hòa tan canxi để cơ thể hấp thu dễ dàng;
- Ít vận động cơ thể, trạng thái tâm lý căng thẳng sẽ làm giảm hấp thu canxi;
- Thiếu vitamin D3 cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi trong cơ thể, vì vitamin D3 gắn vào niêm mạc ruột giúp tăng hấp thu canxi qua thành ruột, đóng vai trò là chất dẫn canxi tới nơi cần gắn vào hệ xương.
- Phụ nữ ở tuổi mãn kinh, do nồng độ estrogen giảm cũng gây cản trở quá trình hấp thu canxi.
- Một số loại thuốc cũng làm ảnh hưởng đến hấp thụ canxi như steroid, các kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin và fluoroquinolon.
4. Cách bổ sung canxi an toàn
- Dùng viên canxi bổ sung
Khi dùng viên canxi bổ sung phải có sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình bổ sung canxi, cần vận động để lượng canxi đưa vào cơ thể có thời gian kịp chuyển về đích là khung xương. Vì thế, uống vào buổi sáng với nhiều nước sẽ hiệu quả nhất. Nếu uống vào buổi chiều hay tối sẽ khiến canxi lắng đọng, dùng kéo dài gây ra các bệnh lý khác như sỏi thận, táo bón, khó ngủ.
- Tích cực vận động
Sự vận động cơ bắp sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, giúp giảm khả năng bị mất dần canxi, làm chậm quá trình lão hóa, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng cường lượng canxi vào mô xương giúp xương vững chắc hơn và phát triển tốt hơn.
- Thường xuyên tắm nắng
Đây là biện pháp tổng hợp vitamin D rất hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý thời điểm tắm nắng, đừng tắm nắng quá nhiều và vào lúc nắng gắt, điều này sẽ có thể dẫn đến ung thư da.
- Tăng cường bữa ăn bằng các thực phẩm giàu canxi
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Uống sữa đậu nành, sữa bò, sữa dê, pho mát, sữa chua....;
- Hải sản: Nên ăn các loại hải sản như cá mòi, cá thu và các loại cá đóng hộp nguyên xương là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Bên cạnh đó, cố gắng ăn ít nhất 1 lần/tuần các món tôm nguyên vỏ, ốc, hến và các loại sò để bổ sung một lượng canxi đáng kể cho cơ thể; nên cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.chuyển hóa canxi trong cơ thể;
- Đậu và các chế phẩm từ đậu: Bổ sung đậu trắng, đậu phộng, đậu nhật, đậu đỏ và đậu xanh vào thực đơn hàng tuần của bạn...;
- Các loại rau: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để tăng cường bổ sung canxi nên ăn các loại rau cần, cà rốt, vừng, mộc nhĩ, nấm, rau mùi, cải thìa, đậu bắp, củ cải đỏ....
Trên đây là những thông tin xung quanh tầm quan trọng của canxi với sự phát triển của cơ thể cũng như cơ chế chuyển hóa của canxi trong cơ thể. Hy vọng những thông tin này sẽ có ích cho chúng ta khi có được nhìn nhận đúng đắn hơn về canxi, từ đó có những điều chỉnh trong chế độ dinh dưỡng để bổ sung canxi phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
Bên cạnh canxi, trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.