Chụp X-quang răng có hại không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chụp X-quang răng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, có thể giúp bác sĩ sớm chẩn đoán các bệnh lý về răng miệng, nhất là các bệnh viêm nhiễm, mọc răng khôn, răng mọc lệch... Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người lo lắng về sự ảnh hưởng khi chụp X-quang răng. Vậy thực sự chụp X-quang răng có hại không?

1. Chụp X-quang răng là gì?

Chụp X-quang răng hay chụp X-quang nha khoa là những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh về răng, xương và mô mềm quanh răng để tìm ra những vấn đề về miệng, răng và hàm. Theo đó, hình chụp X-quang răng sẽ cho thấy những khoang hở, cấu trúc răng ẩn ví dụ như: răng khôn và tình trạng mất xương không nhìn thấy khi khám bằng mắt thường. Bên cạnh đó, chụp X-quang nha khoa còn được thực hiện để theo dõi sau khi điều trị nha khoa.

Thực tế, nếu bạn chỉ làm thẩm mỹ răng thông thường như lấy cao răng, tẩy trắng răng,.. thì các bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn thực hiện chụp X-quang răng. Tuy nhiên, nếu người bệnh phải điều trị các bệnh lý răng miệng như sâu răng, niềng răng, cắm implant, nhổ răng khôn... thì chụp x-quang răng sẽ được chỉ định để bác sĩ có cơ sở điều trị hiệu quả hơn và chính xác hơn. Thực tế, cũng như chụp X-quang xương hay các cơ quan khác, X-quang răng có thể giúp bác sĩ thấy được hình ảnh chân thực và rõ nét về chân răng và tủy. Điều này có tác dụng khi chuẩn đoán bệnh cũng như xác định phương pháp điều trị phù hợp.


Bệnh nhân nhổ răng khôn được chỉ định chụp X-quang răng
Bệnh nhân nhổ răng khôn được chỉ định chụp X-quang răng

2. Chụp X-quang răng có hại không?

Chụp X-quang răng có giá trị rất lớn về mặt hình ảnh nhưng nhiều người tỏ ra lo ngại không biết chụp X-quang răng có hại không? Thực tế, xét về mặt bản chất, tia X có khả năng gây nhiễm xạ và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu phải tiếp xúc nhiều. Tuy nhiên, lượng tia X được dùng trong ngành Y tế, đặc biệt là nha khoa thì năng lượng tia X này rất nhỏ và hoàn toàn được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Vì thế, chụp X-quang răng hay dùng trong y tế không nguy hiểm đến sức khỏe.

Mặt khác, khi chụp X-quang, bệnh nhân luôn được bảo vệ kỹ càng bởi các yếu tố như: cường độ chụp thấp, và thời gian chụp phim ngắn giúp hạn chế tối thiểu sự nhiễm tia. Ngoài ra, đầu đèn của máy chụp chỉ nhắm vào vùng cần chụp đối với nha khoa là răng, chân răng,... Bên cạnh đó, phòng chụp X-quang cũng được bảo vệ với áo chì và vách chì giúp hấp thu tối đa các tia tán xạ. Các nhân viên y tế hướng dẫn trong phòng chụp đều được đào tạo bài bản về các thao tác nên tạo độ an toàn tối đa cho người bệnh.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tia X, người bệnh có thể chọn chụp X-quang bằng máy X-quang kỹ thuật số và không nên chụp với tần suất liên tục. Vì chụp x-quang bằng kỹ thuật số sẽ sử dụng máy cảm biến điện tử thay vì sử dụng phim X-quang. Hình ảnh sau khi chụp được lưu giữ trong máy tính và có thể được theo dõi ảnh qua màn hình máy tính. Cách này sử dụng ít tia bức xạ để chụp ảnh kỹ thuật số hơn chụp X-quang nha khoa truyền thống.


Chụp X-quang răng sẽ không gây hại đến sức khỏe của người bệnh
Chụp X-quang răng sẽ không gây hại đến sức khỏe của người bệnh

3. Nên chụp X-quang răng khi nào?

Ngoài những người bệnh được bác sĩ chỉ định chụp X-quang răng thì những người có tiền sử mắc các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, mọc răng khôn,... cũng nên thực hiện chụp X-quang răng để sớm phát hiện các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả. Theo đó:

  • Người lớn nên chụp X-quang răng 2 – 3 năm một lần.
  • Thiếu niên nên chụp X-quang răng 1.5 – 3 năm một lần.
  • Trẻ em nên thực hiện chụp X-quang răng 1 – 2 năm một lần.

Đối với những người bị sâu răng hoặc có nguy cơ có những lỗ sâu nên thực hiện chụp x-quang:

  • Người lớn nên thực hiện chụp X-quang răng 6 tháng – 1.5 năm một lần.
  • Trẻ em nên thực hiện chụp X-quang răng 6 tháng – 12 tháng một lần.

Đối với trẻ em từ 5-6 tuổi đã bắt đầu có răng vĩnh viễn thường được khuyến nghị nên chụp X-quang răng để dự báo các dị tật cấu trúc răng, đồng thời có các biện pháp chỉnh nha phù hợp.


Bạn nên chụp X-quang răng từ 2 – 3 năm một lần nếu có tiền sử về các bệnh lý răng miệng
Bạn nên chụp X-quang răng từ 2 – 3 năm một lần nếu có tiền sử về các bệnh lý răng miệng

4. Khi chụp X-quang răng cần lưu ý điều gì?

Tuy rằng, phương pháp chụp X-quang răng khá đơn giản và không cần tốn nhiều thời gian, cũng như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bạn cũng cần phải nắm rõ một số lưu ý để đảm bảo thu được kết quả chuẩn xác như giữ tâm lý thoải mái, ăn uống bình thường, mang theo hồ sơ bệnh án trước đó. Thực hiện theo chỉ định của y bác sĩ như tháo bỏ trang sức, kim loại,...

Ngoài ra, cần lưu ý với những đối tượng đặc biệt có nguy cơ khi chụp X-quang như:

4.1. Phụ nữ mang thai

Bạn hãy thông báo cho kỹ thuật viên chụp X-quang nếu bạn mang thai hoặc nghi ngờ mang thai. Thực tế, chụp X-quang răng không ở vùng bụng nhưng sản phụ vẫn sẽ được mặc áo chì, yếm chì để hạn chế tối đa tác động của tia X tới thai nhi.

Phụ nữ mang thai chỉ nên chụp X-quang răng hay các bộ phận khác khi thực sự cần thiết, không nên lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.


Phụ nữ mang thai cần cân nhắc trong việc chụp X-quang
Phụ nữ mang thai cần cân nhắc trong việc chụp X-quang

4.2. Trẻ em

Trẻ em có thể được yêu cầu chụp X-quang răng khi kiểm tra quá trình mọc răng hoặc chỉnh nha từ sớm và phát hiện lỗ sâu răng. Theo đó, trẻ em sẽ được đeo các dụng cụ bảo vệ bằng chì để hấp thụ các tia X tán xạ, hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Chụp X-quang răng có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh răng miệng đối với cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng về việc chụp X-quang răng có hại hay không? Vì thực tế, nếu không chụp với tần suất lớn thì việc ảnh hưởng đến sức khỏe là không thể. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều các loại thiết bị, máy móc hiện đại đã góp phần hạn chế được sự ảnh hưởng của tia X đến sức khỏe con người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe