Chụp MRI động mạch thận: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chụp MRI động mạch thận là một kỹ thuật không xâm lấn có thể tái tạo được hình ảnh giải phẫu của hệ động mạch thận và cung cấp thông tin cho về chức năng sinh lý của thận. Những tổn thương của động mạch thận có thể được quan sát thấy mà không cần sử dụng đến thuốc cản quang.

1. Động mạch thận là gì ?

Động mạch thận là nhánh lớn của động mạch chủ bụng, đi vào tại vị trí rốn thận có nhiệm vụ cung cấp máu nuôi thận. Động mạch chủ bụng cho nhánh động mạch thận ngang mức thân đốt sống thắt lưng L1-L2, phía dưới chỗ chia nhánh cho động mạch mạc treo tràng trên. Mỗi bên thận được tưới máu bởi một động mạch thận (một số trường hợp có thể có 1-2 động mạch thận phụ ở một bên). Động mạch thận bên phải chạy phía dưới và băng ngang qua phía sau tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch thận phải để đến rốn thận. Ngược lại, động mạch thận trái ngắn hơn và nằm phía trước so với động mạch thận phải. Động mạch thận trái nằm ngang hơn, đi phía sau tĩnh mạch thận trái để vào rốn thận, tương tự như động mạch thận phải. Động mạch thận có chiều dài trung bình khoảng 4 đến 6cm, với đường kính trung bình khoảng 5 đến 6 milimet.

Mỗi động mạch thận chia thành hai nhánh lớn gồm nhánh lưng và nhánh bụng ở ngay trước rốn thận. Sau đó, chúng tiếp tục chia nhiều nhánh nhỏ khác tại rốn thận trước khi đi vào nhu mô, bao gồm: động mạch thận phân thuỳ sau, động mạch thận phân thuỳ dưới, động mạch thận phân thuỳ trước dưới, động mạch thận phân thuỳ trước trên và nhánh động mạch thận phân thuỳ trên. Những nhánh động mạch này sau đó tiếp tục đi đến các thuỳ và chia thành nhiều nhánh nhỏ, bao gồm động mạch gian thuỳ, gian tiểu thuỳ và các nhánh động mạch cung. Ngoài ra, trước khi chia thành nhánh lưng và nhánh bụng, động mạch thận còn cho nhiều nhánh động mạch nhỏ cho các cơ quan lân cận như động mạch thượng thận dưới, động mạch niệu quản. Những nhánh nhỏ này thường không quan sát được trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.

2. Chụp MRI động mạch thận là gì?

MRI động mạch thận là một kĩ thuật không xâm lấn, đánh giá chính xác được giải phẫu động mạch thận và chẩn đoán được các nguyên nhân gây hẹp hay tắc động mạch thận với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn với siêu âm – đặc biệt là với các bệnh nhân to béo. Mà không cần tiêm thuốc.

Chụp MRI động mạch thận giúp đo đạc vận tốc dòng chảy trung bình của động mạch thận, mức lọc cầu thận và chỉ số tưới máu thận. Ngoài ra, kích thước động mạch thận cũng được đo đạc chính xác trong chỉ định chụp động mạch thận bằng cộng hưởng từ.

Nhược điểm lớn nhất của chụp MRI động mạch thận là giá thành cao và chống chỉ định ở những bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp, các clip kim loại, thiết bị trợ thính ốc tai và một số các vật liệu nhân tạo khác.


Bệnh nhân có thiết bị trợ thính ốc tai thì không được chụp MRI
Bệnh nhân có thiết bị trợ thính ốc tai thì không được chụp MRI

3. Khi nào chỉ định chụp MRI động mạch thận ?

Chỉ định chụp động mạch thận được quyết định chủ yếu trong những trường hợp nghi ngờ có bệnh lý liên quan đến bất thường hệ động mạch thận. Việc chụp động mạch thận có vai trò chẩn đoán và theo dõi điều trị, nhất là khi các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác không khảo sát rõ các bất thường hoặc bệnh nhân có chống chỉ định với chụp cắt lớp vi tính động mạch thận và thuốc cản quang. Một số bệnh lý liên quan đến hệ động mạch thận cần được chỉ định chụp MRI là:

  • Khối phình động mạch thận
  • Dị dạng động mạch thận
  • Thông nối động tĩnh mạch tại thận
  • Bóc tách động mạch thận
  • Hẹp hoặc tắc động mạch thận do xơ vữa mạch máu, co thắt
  • Teo động mạch thận bẩm sinh
  • Tiền sử gia đình có bệnh lý thận đa nang di truyền trội
  • Bệnh lý thận loạn sản cơ sợi
  • Bệnh lý thận mãn tính tăng huyết áp.

4. Chống chỉ định chụp MRI động mạch thận ở những trường hợp nào

Chụp MRI động mạch thận là một phương tiện an toàn, ít xâm lấn và không đặt người bệnh vào nguy cơ phơi nhiễm tia X. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều có thể được thực hiện chụp động mạch thận. Chụp MRI động mạch thận có những chống chỉ định riêng, bao gồm:

  • Bệnh nhân đang mang những vật liệu cấy ghép nhân tạo trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, buồng tiêm insulin, ốc tai nhân tạo, van tim nhân tạo, phương tiện kết hợp xương như đinh, nẹp vít
  • Các clips điều trị phình mạch máu não
  • Mảnh đạn hoặc viên đạn gần vị trí chụp
  • Các dị vật bằng kim loại ở mắt
  • Bệnh nhân mắc phải hội chứng sợ buồng kín
  • Các vật dụng cá nhân như nữ trang, đồng hồ, điện thoại, thẻ ngân hàng, máy tính, ...

Bệnh nhân có thiết bị điện tử như điện thoại chống chỉ định chụp MRI
Bệnh nhân có thiết bị điện tử như điện thoại chống chỉ định chụp MRI

5. Quy trình thực hiện chụp MRI động mạch thận

Chụp MRI động mạch thận nên được thực hiện từng bước đúng theo quy trình để đảm bảo an toàn cho người bệnh và đảm bảo chất lượng hình ảnh.

Các bước thực hiện chụp MRI động mạch thận bao gồm:

  • Hỏi tiền sử bệnh trước đây của bệnh nhân, lưu ý khai thác thông tin liên quan đến những phẫu thuật có cấy ghép vật liệu nhân tạo để loại trừ các chống chỉ định.
  • Yêu cầu người bệnh tháo bỏ những vật dụng cá nhân như trang sức, điện thoại, đồng hồ, và thay quần áo. Bước này cần được hướng dẫn thực hiện với cả người nhà bệnh nhân cùng vào phòng chụp nếu có.
  • Giải thích và hướng dẫn người bệnh thực hiện theo các yêu cầu của kỹ thuật viên như hít vào, thở ra, nín thở, ...
  • Hoàn tất các thủ tục trước khi tiến hành chụp MRI động mạch thận như ký giấy cam kết trong trường hợp chụp có thuốc cản quang.
  • Khi vào đến phòng chụp, đặt bệnh nhân trong tư thế nằm ngửa, quấn dây đo nhịp thở quanh vùng thắt lưng cho người bệnh. Lưu ý không quấn quá chặt hoặc quá lỏng.
  • Tấm coil đặt ở bụng.
  • Vì quá trình vận hành tạo ra nhiều tiếng ồn, bệnh nhân nên được đeo tai nghe giảm tiếng ồn.
  • Khi chụp, tùy theo từng trường hợp, các xung được lựa chọn phối hợp với nhau để lần lượt ghi lại các hình ảnh của hệ động mạch thận. Các xung cơ bản thường được dùng trong kỹ thuật chụp MRI động mạch thận là xung axial 2D Fiesta, xung axial T2 FRFSE, xung coronal 2D Fiesta, ...
  • Thời gian chụp kéo dài khoảng từ 40 đến 60 phút.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Ths.Bs Lê Xuân Thiệp có thế mạnh trong thực hiện các kỹ thuật cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính nâng cao và khó như: Chụp cắt lớp vi tính mạch vành, chức năng tim, Cộng hưởng từ mạch não, tưới máu não và các tạng,..

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe