Chụp MRI cho trẻ em có gì khác so với các đối tượng khác

Bài viết được viết bởi Ths.Bs Trịnh Văn Đông - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chụp MRI cho trẻ em là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, hỗ trợ nhiều trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ. Ưu điểm chụp MRI cho trẻ bao gồm không xâm lấn, an toàn, không phơi nhiễm tia X và chất lượng hình ảnh tốt.

1. Phương pháp chụp cộng hưởng từ phát hiện ra những bệnh lý nào?

Cộng hưởng từ (tên tiếng anh là magnetic resonance imaging) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Máy cộng hưởng từ có kích thước và trọng lượng khá lớn với thành phần quan trọng nhất là một khối nam châm khổng lồ. Cơ chế hoạt động dựa vào vùng từ trường năng lượng mới được tạo ra từ máy chụp cộng hưởng từ và các sóng điện từ radio được chuyển sang các tín hiệu hình ảnh sau khi được xử lý bằng hệ thống máy tính. Hình ảnh của các cơ quan và các vùng mô muốn khảo sát được tái tạo một cách chi tiết và rõ nét. Các cơ quan thường được chỉ định cộng hưởng từ bao gồm hệ thần kinh, cột sống, tim mạch ...

Ứng dụng chính của chụp cộng hưởng từ trong y tế là hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, hơn 25000 máy cộng hưởng từ hiện đang được sử dụng trên khắp thế giới. MRI có ảnh hưởng một cách tích cực đến các quyết định chẩn đoán và điều trị trong nhiều chuyên khoa.

  • Chụp MRI thần kinh

Chụp cộng hưởng từ có ưu điểm vượt trội hơn khi đánh giá các khối u ác tính hệ thần kinh so với chụp cắt lớp vi tính. Hình ảnh của các cấu trúc như hố sọ sau, thân não và tiểu não được quan sát rõ hơn. Sự khác biệt rõ giữa chất trắng và chất xám trên phim chụp khiến MRI trở thành công cụ cho nhiều bệnh lý hệ thần kinh trung ương, bao gồm bệnh lý thoái hoá bao myelin, suy giảm trí nhớ, bệnh mạch máu não, bệnh Alzheimer, bệnh lý nhiễm khuẩn và động kinh.


MRI là công cụ cho nhiều bệnh lý hệ thần kinh trung ương
MRI là công cụ cho nhiều bệnh lý hệ thần kinh trung ương

Ngoài ra, các bất thường về cấu trúc và chức năng của não cùng được phát hiện khi chụp cộng hưởng từ nên các rối loạn về tâm lý cũng được nghiên cứu kỹ hơn. MRI hệ thần kinh còn có vai trò hướng dẫn và lên kế hoạch khi tiến hành phẫu thuật các khối u nội sọ, dị dạng động tĩnh mạch.

  • Chụp MRI hệ tim mạch

Chụp MRI hệ tim mạch hỗ trợ cho những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính tim trong việc đánh giá cấu trúc và chức năng tim. Các chỉ định bao gồm bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh cơ tim, viêm cơ tim, bệnh lý tim mạch do thừa sắt, bệnh lý mạch máu, và các bệnh tim bẩm sinh.

  • Chụp MRI hệ cơ xương khớp

Ứng dụng của việc chụp MRI hệ cơ xương khớp bao gồm đánh giá hình ảnh cột sống, các bệnh lý về khớp, khối u xương và mô mềm. Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ còn có thể giúp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến hệ cơ.

  • Chụp MRI hệ tiêu hoá và gan mật

Chụp cộng hưởng từ gan và đường mật có thể phát hiện các bất thường đặc trưng tại gan, tụy và hệ thống đường mật. Các tổn thương khu trú hoặc lan tỏa tại gan và hệ thống đường mật còn được đánh giá trong chụp cộng hưởng từ có thuốc cản quang. Các hình ảnh liên quan đến cấu trúc đường mật thường được đánh giá trên chuỗi xung T2. Chụp cộng hưởng từ còn là công cụ phù hợp để phát hiện các polyp lớn và các khối u ở đại tràng.

  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu

Chụp cộng hưởng từ mạch máu cho phép phát hiện một cách tổng quát các bệnh lý như hẹp lòng mạch, túi phình mạch với nguy cơ vỡ. Chụp cộng hưởng từ thường được lựa chọn khi muốn đánh giá mạch máu ở não, động mạch chủ đoạn ngực và đoạn bụng, động mạch thận và hệ động mạch hai chi dưới.


Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện các bệnh lý liên quan tới mạch máu
Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện các bệnh lý liên quan tới mạch máu

2. Ưu điểm khi chụp cộng hưởng từ với trẻ em

Chụp cộng hưởng từ là một kỹ thuật an toàn, đặc biệt với các đối tượng là trẻ em. Các ưu điểm của phương pháp chụp MRI cho trẻ bao gồm:

  • Đây là một phương pháp không xâm lấn, vì thể chụp MRI cho trẻ em không gây đau đớn và khó chịu.
  • Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường để tái tạo hình ảnh vì thế trẻ em khi chụp không có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ do phơi nhiễm với tia X.
  • Hình ảnh thu được khi chụp MRI cho trẻ em được dựng trên từng lắt cát với độ phân giải cao giúp phát hiện được sớm các tổn thương có kích thước nhỏ.
  • Chụp MRI cho trẻ em có thể dựng được các hình ảnh 3D.

3. Chụp MRI cho trẻ em có gì khác so với các đối tượng khác

Chụp MRI cho trẻ em tuy có nhiều ưu điểm so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhưng vẫn tồn tại một số cản trở, khác với người lớn. Quá trình chụp MRI yêu cầu người bệnh phải nằm yên một tư thế tại giường chụp khoảng từ 30 đến 60 phút. Việc nằm lâu tại một vị trí là một thách thức đối với trẻ em, nhất là những trẻ nhỏ hay các trẻ có tính cách hiếu động. Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ có thể tiến hành gây mê trước khi chụp nếu trẻ không hợp tác. Điều này không xảy ra khi chụp MRI ở người lớn. Các phụ huynh cần lưu ý cho trẻ nhịn ăn uống trước khi đến chụp cộng hưởng từ vì trẻ cần được gây mê. Thời điểm nhịn ăn uống cách lúc tiến hành thủ thuật ít nhất 6 giờ. Sau khi chụp xong, trẻ sẽ được theo dõi trong ít nhất 30 phút.

Trẻ phải nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi chụp MRI

4. Những lưu ý khi chụp MRI cho trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ là nhóm đối tượng đặc biệt vì tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ và tâm lý khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn và hoảng sợ khi phải nằm trong lồng chụp. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới để tìm giải pháp cho tình huống đặc biệt này. Theo đó, một số biện pháp được khuyên áp dụng giúp trẻ tự kỷ được chụp MRI dễ dàng hơn:

  • Cung cấp thông tin và giới thiệu cho trẻ các bước cơ bản của quá trình chụp MRI. Điều này giúp trẻ làm quen dần và hiểu được việc mình sắp làm là an toàn.
  • Xem các video có âm thanh để trẻ làm quen với tiếng ồn khi máy hoạt động.
  • Trong quá trình chụp thật, nên có người thân hoặc bác sĩ ở bên cạnh trẻ để động viên và giữ cho trẻ không cử động.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Văn Đông có gần 10 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh đặc biệt có thế mạnh trong thực hiện các kỹ thuật: X-quang, siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Hiện nay, bác sĩ Đông đang công tác và làm việc tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe