Chụp CT chẩn đoán tổn thương xương sọ tụ máu màng cứng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chụp CT chẩn đoán tổn thương xương sọ tụ máu màng cứng là việc phải thực hiện đầu tiên khi tiếp nhận người bệnh bị chấn thương sọ não. Những dấu hiệu trên phim CT sẽ cho phép các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh định hướng phẫu thuật can thiệp cho người bệnh, hạn chế những di chứng tổn thương nhu mô não.

1. Máu tụ ngoài màng cứng là gì?

Máu tụ ngoài màng cứng là khi có sự hiện diện của máu hình thành giữa bề mặt bên trong của hộp sọ và lớp ngoài của màng cứng. Tình trạng này thường có mối liên quan đến tiền sử chấn thương đầu, vỡ xương sọ. Hoàn cảnh xảy ra chấn thương là trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động và cả trong sinh hoạt thường ngày có té ngã, chơi các môn thể thao mạnh, có tính đối kháng. Nguồn chảy máu thường là từ động mạch, phổ biến nhất là từ động mạch màng não giữa bị vỡ rách do chấn thương, chiếm tỷ lệ 75%. Đôi khi, máu tụ màng cứng có thể có nguồn gốc từ máu tĩnh mạch, khi xoang tĩnh mạch bị rách là hậu quả của gãy xương vùng sọ, hàm mặt.

Một khối máu tụ màng cứng có kích thước lớn hay tiến triển dần có thể gây ra tăng áp lực nội sọ, tổn thương nhu mô não và nặng nề nhất là hiệu ứng thoát vị não hàng loạt. Trong bệnh cảnh này, các chức năng thần kinh trung ương của người bệnh sẽ suy giảm dần, kể cả ý thức. Nếu trung tâm vận mạch và hô hấp cũng bị ức chế, tính mạng của người bệnh sẽ trở nên nguy kịch. Chính vì thế, khi bệnh nhân có tiền căn chấn thương đầu, máu tụ ngoài màng cứng cần nhanh chóng được xác chẩn và can thiệp càng sớm càng tốt.

2. Triệu chứng của tụ máu màng cứng như thế nào?

Bất cứ lúc nào phát hiện một người có chấn thương đầu dẫn đến mất ý thức ngắn hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác sau chấn thương đầu dù không mất ý thức, cần phải đưa người bệnh nhập viện ngay để xác chẩn có tụ máu màng cứng hay không. Việc can thiệp tụ máu ngoài màng cứng sớm sẽ có ý nghĩa tiên lượng cho bệnh nhân về lâu dài.

Nếu không có tình trạng mất ý thức, các triệu chứng quan trọng nhất của tụ máu màng cứng cũng cần được theo dõi là:

  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Kích thích, bứt rứt
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Buồn ngủ, ngủ gà
  • Đồng tử giãn một bên mắt
  • Yếu liệt tay chân
  • Mất ý thức thoáng qua sau đó tỉnh táo nhưng lại nhanh chóng bất tỉnh

Các triệu chứng trên thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi bị chấn thương đầu. Tuy nhiên, ở người lớn tuổi, các biểu hiện lại xuất hiện muộn hơn, có thể lên đến vài ngày hay vài tuần, và rất dễ bỏ sót chẩn đoán này khi tiền sử chấn thương đầu bị lãng quên.


Chóng mặt là triệu chứng phổ biến của tụ máu màng cứng
Chóng mặt là triệu chứng phổ biến của tụ máu màng cứng

3. Chụp CT chẩn đoán tổn thương xương sọ tụ máu màng cứng như thế nào?

Ở người trưởng thành, khối máu tụ ngoài màng cứng có thể hình thành khi chấn thương làm rách các động mạch hoặc tĩnh mạch chạy dọc theo thành bên trong của hộp sọ. Đôi khi chấn thương của các mạch máu này còn đi kèm với nứt hộp sọ. Các trường hợp chảy máu thứ phát do chấn thương động mạch dẫn đến tụ máu ngoài màng cứng sẽ có kích thước lớn hơn và phát triển nhanh hơn so với tụ máu ngoài màng cứng xảy ra sau tổn thương tĩnh mạch.

Tụ máu ngoài màng cứng ở trẻ em có phần khác với bệnh cảnh ở người lớn. Động mạch màng não giữa chưa đính chắc vào xương như ở người trưởng thành nên rất dễ xảy ra tụ máu ngoài màng cứng từ các cạnh của một vết nứt và chúng đôi khi còn xảy ra cùng lúc ở nhiều vị trí khác nhau.

Tuy nhiên, dù là ở đối tượng nào, một phim CT sọ não luôn là công cụ đầu tiên để xác định tụ máu màng cứng. Đồng thời, trong hầu hết các trường hợp, khối máu tụ nếu có xảy ra sẽ đều dễ dàng được nhìn thấy trên CT scan não. So với các phương tiện hình ảnh học sọ não khác như MRI sọ não hay chụp mạch máu, CT được ưu tiên chọn lựa do có độ nhạy cao, tính phổ biến, có thể thực hiện nhanh và không xâm lấn.

Trên phim CT, khối máu tụ ngoài màng cứng thường có thể được phân biệt với khối máu tụ dưới màng cứng bởi hình dạng hai mặt lồi. Trong khi đó, khối máu tụ dưới màng cứng có hình dạng lưỡi liềm và hiện ra đường viền theo rãnh não. Mặc dù vậy, nếu khối máu tụ ngoài màng cứng nhỏ lại có thể khó phân biệt với khối máu tụ dưới màng cứng. Đồng thời, tại cùng một vị trí trên não, có thể vừa có cả tụ máu ngoài màng cứng và dưới màng cứng.

Ngoài ra, đậm độ trên phim CT của khối máu tụ cũng giúp bác sĩ nhận định thời điểm xảy ra tụ máu.

  • Tụ máu cấp tính: Đậm độ cao. Có thể quan sát được cả cục máu đông.
  • Tụ máu bán cấp tính: Đậm độ đồng nhất khi máu đã ngừng chảy
  • Tụ máu mạn tính: Đậm độ giảm do cục máu đông tan ra và tái hấp thu. Đôi khi thấy được sự vôi hóa của màng cứng tại vị trí tụ máu.

Bên cạnh đó, nhiều phim chụp CT lặp lại sẽ giúp đánh giá tiến triển của khối máu và lên kế hoạch can thiệp cũng như các tổn thương não khác, nhất là các dấu hiệu chèn ép não, thoát vị não.


Ngoài chụp CT, có thể chụp MRi để chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng
Ngoài chụp CT, có thể chụp MRi để chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng

4. Cách điều trị máu tụ ngoài màng cứng như thế nào?

Nếu chấn thương đầu mới xảy ra và xác định có máu tụ ngoài màng cứng thì đây luôn là một tình trạng khẩn cấp. Mục tiêu điều trị bao gồm:

  • Thực hiện các biện pháp để hồi sức tích cực, duy trì sự sống khi chức năng tuần hoàn – hô hấp bị đe dọa
  • Kiểm soát triệu chứng
  • Giảm thiểu hoặc ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn trên nhu mô não

Một trong các biện pháp giúp đảm bảo được tính mạng người bệnh khi có chẩn đoán máu tụ dưới màng cứng, nhất là trong bệnh cảnh khối máu tụ đang thành lập và diễn tiến nhanh, là phẫu thuật khẩn cấp. Can thiệp này là cần thiết để giúp giảm áp lực trong não. Bác sĩ có thể tiến hành bằng cách khoan một lỗ nhỏ trên hộp sọ để giảm áp lực và cho phép máu chảy ra ngoài hộp sọ. Nếu khối máu tụ lớn hoặc có cục máu đông, tình trạng này cần phải được loại bỏ thông qua một lỗ mở nắp sọ lớn hơn trên hộp sọ. Nắp sọ sẽ đóng lại bằng một cuộc phẫu thuật khác khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Bên cạnh đó, điều trị nội khoa bằng thuốc sẽ được sử dụng ngoài phẫu thuật tùy theo mức độ tụ máu và tính nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như di chứng tổn thương não. Trong đó, các thuốc chống động kinh có thể được sử dụng để kiểm soát hoặc ngăn ngừa các cơn co giật do động kinh thứ phát. Đối với các tình huống này, điều trị động kinh có thể là suốt đời.

5. Tiên lượng và biến chứng sau tụ máu ngoài màng cứng ra sao?

Tụ máu màng cứng sẽ có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp phẫu thuật kịp thời. Ngay cả khi được can thiệp sớm, nguy cơ tử vong hay di chứng tàn tật về sau vẫn còn. Thậm chí, ngay cả khi tụ máu màng cứng đã được điều trị, người bệnh vẫn có thể xảy ra các cơn co giật. Một số trường hợp khác có thể xuất hiện động kinh đến hai năm sau chấn thương.

Các biến chứng khác sau tụ máu màng cứng:

  • Thoát vị não và hôn mê vĩnh viễn
  • Tràn dịch não thất kéo dài, dẫn đến suy nhược thần kinh, đau đầu, không tự chủ và đi lại khó khăn
  • Tê liệt hoặc mất cảm giác một phần cơ thể
  • Mất trí nhớ hoặc giảm tập trung

Tóm lại, tụ máu màng cứng là một biến cố tổn thương thần kinh nặng nề sau chấn thương sọ não. Ngay khi phát hiện có té ngã vùng đầu, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được chụp CT chẩn đoán tổn thương xương sọ, xác định tụ máu màng cứng. Khi người bệnh được xác định máu tụ ngoài màng cứng càng sớm, việc can thiệp sớm sẽ cải thiện dự hậu lâu dài.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Với hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh BSCK II Khổng Tiến Đạt hiện đang là Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe