Chụp cắt lớp vi tính (CT) đại tràng dùng dịch hoặc hơi có nội soi ảo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp đại tràng là kỹ thuật sử dụng tia X thông qua một máy quét để khảo sát hình ảnh cấu trúc của vùng đại tràng. Kỹ thuật chụp cắt lớp đại tràng cho hình ảnh rõ ràng và chi tiết. Ngoài ra còn có khả năng dựng hình đại tràng từ các lát cắt ngang nên chúng còn có tên là nội soi đại tràng ảo.

1. Tổng quan về chụp cắt lớp đại tràng

Chụp cắt lớp vi tính hay chụp CT (computerized tomography) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X cường độ cao quét qua các khu vực cần khảo sát trong cơ thể. Chụp CT đại tràng hay chụp cắt lớp đại tràng là sử dụng máy chụp đa lát cắt để khảo sát hình ảnh của trực tràng và ống đại tràng hay ruột già. Khác với nội soi đại tràng, chụp cắt lớp đại tràng là phương pháp không xâm lấn nhưng hình ảnh và thông tin tương đương nhau. Chính vì lý do này chụp cắt lớp đại tràng còn có tên gọi là nội soi đại tràng ảo.

Máy chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt bao gồm nhiều bộ phận, trong đó quan trọng nhất là buồng chụp có khả năng phát ra tia X được thiết kế dưới dạng một khối tròn khổng lồ. Người bệnh nằm trên bàn chụp và được đẩy vào buồng chụp với bộ phận cần khảo sát nằm ngay dưới máy quét phát ra tia X. Máy quét bên trong buồng chụp sẽ quay vòng liên tục với tốc độ cao trong suốt quá trình sản sinh ra chùm tia X. Các bộ phận khác nhau trong cơ thể với các mật độ khác nhau tương ứng với từng loại mô sẽ có tỷ trọng khác nhau và tái tạo thành những hình ảnh với màu sắc khác nhau từ trắng đến xám, đen.


Chụp cắt lớp đại tràng còn có tên gọi là nội soi đại tràng ảo
Chụp cắt lớp đại tràng còn có tên gọi là nội soi đại tràng ảo

Polyp lòng đại tràng hoặc u đại tràng là hai bệnh lý được ứng dụng chỉ định chụp cắt lớp đại tràng phổ biến nhất. Polyp thành đại tràng xuất hiện khi có sự tăng sinh bất thường của lớp niêm mạc đại tràng, nguyên nhân có thể đến từ các bất thường về gen. Thông thường, polyp đại tràng là tổn thương lành tính, tuy nhiên chúng vẫn có thể tiến triển thành ung thư đại tràng.

Nếu bạn đã trên 50 tuổi, vào viện vì đi cầu ra máu, rối loạn thói quen đại tiện, sụt cân, da niêm xanh xao, các bác sĩ thăm khám nghi ngờ có bệnh lý ác tính đại trực tràng có thể được chỉ định chụp cắt lớp đại tràng.

Ngoài ra, một ưu điểm nổi bật của chụp cắt lớp đại tràng là sự an toàn và xâm lấn tối thiểu lên người bệnh, nên chụp cắt lớp đại tràng có thể được chỉ định thay thế cho nội soi đại trực tràng ở những bệnh nhân già yếu hoặc mắc các bệnh lý nội khoa mãn tính.

2. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp đại tràng

Chụp cắt lớp đại tràng tuy khá an toàn và ít tác dụng phụ nhưng cần được thực hiện đúng quy trình để mang lại chất lượng hình ảnh tốt cũng như tạo sự thoải mái cho người bệnh suốt quá trình tiến hành. Nhìn chung, mỗi cơ sở y tế sẽ có các quy định riêng về việc thực hiện chụp cắt lớp đại tràng nhưng vẫn phải tuân theo các bước chính sau:

  • Sử dụng thuốc giãn cơ để giảm co thắt đại tràng tạo thuận lợi cho việc thu được hình ảnh đẹp.
  • Chụp cắt lớp đại tràng có thuốc cản quang cũng có thể được chỉ định. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc cản quang vài ngày trước khi tiến hành kỹ thuật.
  • Hướng dẫn người bệnh nằm vào bàn chụp theo tư thế nghiêng, ngửa hoặc nằm sấp. Sử dụng dây cố định vùng gối và hai chân để giúp người bệnh cố định tư thế trong suốt quá trình chụp, tránh nhiễu ảnh.

Quy trình thực hiện chụp cắt lớp đại tràng
Quy trình thực hiện chụp cắt lớp đại tràng
  • Luồn một ống nhỏ từ hậu môn vào đến trực tràng để bơm hơi lòng đại tràng. Lượng khí bơm vào có tác dụng làm giãn lòng đại tràng, tạo điều kiện quan sát và phát hiện các tổn thương dạng polyp lòng đại tràng. Khi được bơm hơi, người bệnh có thể có cảm giác chướng bụng và muốn đại tiện hoặc xì hơi. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể, người bệnh không nên quá lo lắng.
  • Di chuyển bàn chụp đến khi người bệnh nằm trong buồng chụp. Nhịp hô hấp cần được thực hiện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Người bệnh cần phải nín thở trong khoảng 15 giây trước khi cử động hay chuyển tư thế.
  • Máy quét phát tia để chụp và ghi lại các hình ảnh của đại tràng. Ngoài ra, những hình ảnh này còn được dựng hình 3d để tạo ra ảnh áo như nội soi đại tràng.
  • Sau khi quá trình chụp kết thúc, ống nhỏ bơm hơi sẽ được rút ra và người bệnh được đưa ra khỏi phòng chụp cắt lớp đại tràng.

Người bệnh có thể ăn uống và quay lại sinh hoạt bình thường ngay sau khi chụp. Cảm giác chướng bụng sẽ biến mất dần, người bệnh có thể xì hơi nhiều lần sau khi kết thúc chụp. Đối với phụ nữ đang cho con bú, lượng sữa tiết ra trong vòng 24 giờ sau khi tiến hành chụp nên được loại bỏ. Vì thế để thuận lợi trong việc chăm sóc trẻ, trước khi đến chụp cắt lớp đại tràng, sữa mẹ nên được vắt ra và dự trữ đủ cho nhu cầu trong một ngày của trẻ sơ sinh. Quá trình chụp cắt lớp đại tràng mất khoảng 10 đến 30 phút.


Sau khi chụp CT đại tràng, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác chướng bụng
Sau khi chụp CT đại tràng, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác chướng bụng

3. Cần chuẩn bị gì trước khi chụp cắt lớp đại tràng?

Theo nguyên tắc, người bệnh sẽ được hướng dẫn và tư vấn về những điều cần làm trước khi tiến hành chụp cắt lớp đại tràng nhằm đảo bảo chất lượng hình ảnh tốt và sự an toàn của kỹ thuật. Một số việc cần lưu ý bao gồm:

  • Tuân thủ chế độ ăn đặc biệt trong vòng một vài ngày trước khi tiến hành kỹ thuật
  • Trước khi chụp cắt lớp đại tràng, cần thụt tháo hoặc uống thuốc nhuận tràng để làm sạch lòng ruột. Thuốc nhuận tràng có thể khiến người bệnh mệt mỏi trong một số trường hợp do tác dụng phụ tiêu chảy.
  • Với chỉ định chụp cắt lớp đại tràng có thuốc cản quang, người bệnh sẽ được hướng dẫn uống thuốc cản quang hai ngày trước khi tiến hành chụp. Vai trò chính của thuốc cản quang là tạo độ tương phản giúp tạo dựng hình ảnh đại tràng một cách chính xác hơn. Trong một vài trường hợp, thuốc cản quang có thể được chỉ định sử dụng theo đường tĩnh mạch. Khi đó, người bệnh cần được thăm khám kỹ hơn để loại trừ các chống chỉ định và đôi khi phải ngưng sử dụng một số thuốc đang dùng trước đó.


Trước khi chụp cắt lớp đại tràng, người bệnh cần uống thuốc nhuận tràng để làm sạch lòng ruột
Trước khi chụp cắt lớp đại tràng, người bệnh cần uống thuốc nhuận tràng để làm sạch lòng ruột
  • Trong ngày hẹn chụp cắt lớp đại tràng, người bệnh sẽ được dặn dò nên nhịn ăn uống trước đó khoảng 4 giờ.

Chụp cắt lớp đại tràng là kỹ thuật sử dụng tia X thông qua một máy quét để khảo sát hình ảnh cấu trúc của vùng đại tràng. Tuy nhiên để có hình ảnh chân thực và rõ nét nhất, người bệnh cần chọn một cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để thực hiện.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe