Khi chúng ta già đi thì cơ thể xuất hiện tình trạng lão hóa, não bộ cũng như vậy nó sẽ dần suy giảm chức năng theo tuổi tác. Cho nên, người già thường xuất hiện triệu chứng suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, có những tình trạng không phải tình trạng suy giảm trí nhớ nào ở người già cũng là tình trạng bình thường. Mà nó còn là biểu hiện của một bệnh lý như alzheimer hay chứng sa sút trí tuệ khác cần phải được điều trị.
1. Chứng hay quên ở người già là gì?
Trong quá trình chúng ta lớn lên sẽ phải trải qua những thay đổi sinh lý có thể gây ra ảnh hưởng tới các chức năng não, nên đôi khi cần mất nhiều thời gian hơn để nhớ lại hay tìm lại thông tin trước đây, bạn cảm thấy mình không còn nhanh như trước đây. Những biểu hiện của việc giảm trí nhớ thường tạm thời và hầu hết chúng ta có thể nhớ được lại nếu cho thời gian suy nghĩ. Chứng hay quên ở người gian ở mức độ nhẹ thường là một dấu hiệu của sự lão hóa, tuy có thể gây ra khó chịu nhưng hầu hết không ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống và không gây ra những lo lắng cho họ.
Tuy nhiên, không phải tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi nào cũng là tình trạng sinh lý và do kết quả của quá trình lão hóa. Nó ảnh hưởng rất lớn bởi quá trình sinh sống, lối sống và những thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn. Nếu như bạn cảm thấy trí nhớ của mình mất đi một cách đáng kể, khó hình thành ký ức mới hay rối loạn trí nhớ thì đây là một dạng suy giảm trí nhớ bệnh lý chứ không còn là tình trạng liên quan tới quá trình lão hóa nữa.
Như vậy, không phải mọi tình trạng hay quên ở người già đều là kết quả của quá trình lão hóa. Những trường hợp suy giảm trí nhớ trầm trọng thường do nhiều nguyên nhân khác tác động vào gặp trong bệnh alzheimer hay tình trạng sa sút trí tuệ khác.
2. Nguyên nhân gây chứng hay quên do tuổi
Ba nguyên nhân gây tình trạng mất trí nhớ do tuổi tác, bao gồm:
- Hồi hải mã, một vùng trên não liên quan đến việc hình thành và lấy lại ký ức, thường bị suy giảm theo tuổi tác.
- Các hormone và protein bảo vệ, sửa chữa các tế bào não và kích thích sự phát triển thần kinh cũng bị suy giảm theo tuổi tác.
- Người lớn tuổi thường bị giảm lưu lượng máu lên não, do vấn đề liên quan tới mạch máu, cột sống cổ từ đó có thể làm suy giảm trí nhớ và dẫn đến những thay đổi trong kỹ năng nhận thức.
3. Một số biện pháp giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi
Cũng như cơ bắp thì trí nhớ cũng có thể rèn luyện và cải thiện được nhờ một số biện pháp, cũng như chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp. Một số cách giúp cải thiện chứng hay quên ở người già có thể áp dụng như:
- Giữ tình thần thoải mái, tránh xa căng thẳng: Căng thẳng khiến cho chúng ta kém tập trung hơn, từ đó dễ rơi vào tình trạng hay quên, không thể nhớ được mình đang định hay muốn làm gì.
- Tránh xa rượu và các chất gây nghiện: Uống quá nhiều rượu sẽ gây độc cho tế bào não, lạm dụng rượu sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ. Theo thời gian, lạm dụng rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
- Bổ sung đủ vitamin, đặc biệt là vitamin B12: Vitamin B12 bảo vệ tế bào thần kinh và rất quan trọng để não hoạt động một cách khỏe mạnh. Trên thực tế, nếu như thiếu B12 có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho não. Người lớn tuổi có tốc độ hấp thụ dinh dưỡng chậm hơn, điều này có thể khiến việc hấp thu vitamin B12 cũng kém hơn. Do đó cần chú ý tăng cường chế độ ăn giàu vitamin B12 cho người già, nếu tình trạng thiếu hụt vitamin B12 được giải quyết, bạn có thể đảo ngược các vấn đề liên quan đến trí nhớ.
- Luyện tập trí não thường xuyên bằng cách khám phá những điều mới trong cuộc sống, đọc cuốn sách mới, chơi một môn trí tuệ mới, tham gia các khóa học để cải thiện sự giao tiếp xã hội.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng lượng trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein ít chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Luôn duy trì việc uống đủ nước mỗi ngày: Người lớn tuổi đặc biệt dễ bị mất nước. Mất nước nghiêm trọng có thể gây ra lú lẫn, buồn ngủ, mất trí nhớ và các triệu chứng khác giống như mất trí nhớ. Điều quan trọng là phải uống đủ nước, cố gắng uống 1,5-1,8 lít nước mỗi ngày tùy cân nặng. Đặc biệt cần chú ý nếu như đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc nhuận tràng hoặc bị bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao, hoặc tiêu chảy thì lượng nước đưa vào cũng cần điều chỉnh phù hợp.
- Luyện tập thể thao: Hãy lựa chọn một môn thể thao phù hợp với thể chất và sức khỏe của mình. Việc tập thể thao thường xuyên giúp giảm căng thẳng, giữ tình thần lạc quan hơn.
- Chú ý khi dùng một số loại thuốc: Nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn hoặc kết hợp các loại thuốc có thể gây ra các vấn đề về nhận thức và mất trí nhớ như một tác dụng phụ. Cho nên, trước khi sử dụng thuốc cần lưu ý tới tác dụng phụ và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ vì chứng hay quên
Đối với hầu hết mọi người, việc suy giảm trí nhớ ngắn hạn không thường xuyên là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Tuy nhiên cũng có thể một số dấu hiệu của chứng hay quên là sự khởi đầu của bệnh Alzheimer hoặc một chứng sa sút trí tuệ khác.
Nếu như bạn hay người thân gặp phải các dấu hiệu sau cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, bao gồm:
- Khó khăn trong việc xử lý những việc thường ngày, nhưng việc gần như quen thuộc với mình nhưng lại rất khó khăn để hoàn thành nó. Đó là một dấu hiệu bất thường không nên bỏ qua.
- Những việc đơn giản mà cũng gặp khó khăn khi sử dụng, mà trước đó bạn rất quen thuộc với nó như không thể biết cách sử dụng điều khiển tivi, cách sử dụng lò vi sóng hay nghiêm trọng hơn là việc bạn không thể đi tới nơi mà bạn hàng ngày vẫn đi như nơi làm việc, công viên, hiệu sách, tạp hóa...
- Khi đi xe ra khỏi nhà và bạn không thể nhớ rằng mình đã để xe của mình ở đâu. Nếu nó thường xuyên xảy ra cũng là một dấu hiệu không thể bỏ qua.
- Thường xuyên bị mất dấu thời gian như không thể nhớ đây là ngày gì, là ngày mấy, mùa nào...
- Quên mất rằng mình đang ở đâu, không thể nhớ làm sao bạn có thể đến được địa điểm mà mình đang đứng và cần sự trợ giúp.
- Không thể hoặc thường xuyên mắc lỗi khi nói chuyện, không thể ghép một câu thành những câu hoàn chỉnh, bị thiếu từ hoặc bạn không thể diễn đạt một việc mà bạn biết rõ.
- Khó khăn trong việc gọi tên hoặc đọc tên những đồ vật mà biết rõ trước đây như lược, dao, kéo, đũa, bát...
- Chứng hay quên kèm theo mất hứng thú với những quan hệ xã hội, tránh gặp bạn bè, người thân, tránh những sự kiện mà trước đó bản thân rất thích.
- Không thể nhớ được những người trong gia đình, không nhớ tên và mối quan hệ của họ với mình.
Khi chúng ta già đi đồng thời với đó là sự lão hóa dần theo thời gian cũng làm cho trí nhớ của chúng ta bị suy giảm một phần nào đó. Những nếu như trí nhớ bị suy giảm một cách bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống thì cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, helpguide.org, healthline.com