Thay đổi nồng độ nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ có thể gây ra cơn đau nửa đầu. Nó có thể là cơn đau nửa đầu trong trước hoặc sau ngày hành kinh, khi uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng các liệu pháp thay thế hormone.
1. Chứng đau nửa đầu do thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ
Chứng đau nửa đầu gắn liền với các thay đổi nồng độ nội tiết tố xảy ra trong cơ thể người phụ nữ. Nó có thể là cơn đau nửa đầu ngay trước hoặc sau những ngày hành kinh (gọi là cơn đau nửa đầu kinh nguyệt) hoặc xảy ra khi sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là những người dùng estrogen liều cao; hoặc do liệu pháp thay thế hormone sử dụng trong thời kỳ mãn kinh nhằm duy trì nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể.
Nguyên nhân gây đau nửa đầu kinh nguyệt là do nồng độ estrogen và progesterone giảm đột ngột trước ngày hành kinh. Đối với thuốc tránh thai, trong 3 tuần bạn uống kết hợp hai loại hormone, đến tuần có kinh nguyệt, bạn uống giả dược hoặc không uống thuốc gì cả. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đột ngột estrogen gây ra cơn đau nửa đầu. Nếu cơn đau đầu xuất hiện trong ngày hành kinh khi sử dụng thuốc tránh thai thì bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để giảm liều lượng estrogen hoặc progesterone để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
2. Điều trị chứng đau nửa đầu kinh nguyệt
Chứng đau nửa đầu kinh nguyệt có thể điều trị bằng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen. Thuốc còn có tác dụng giảm đau bụng dưới trong những ngày hành kinh.
Triptans là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị đau nửa đầu và đau đầu chùm, cũng có thể sử dụng trong điều trị chứng đau nửa đầu trong kỳ kinh nguyệt. Thuốc làm giảm cơn đau nửa đầu bằng cách tác động lên việc giải phóng một số hóa chất ở não.
Để làm giảm cơn đau nửa đầu hiệu quả, bạn cần sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc nhóm thuốc triptan khoảng từ 1 - 2 ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu và sử dụng kéo dài hơn 1 tuần.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng gammaCore, một thiết bị giúp kiểm soát cơn đau đầu. Nó có tác dụng kích thích dây thần kinh X (dây thần kinh phế vị) không xâm lấn, có thể được đặt trên cổ để làm giảm cơn đau nửa đầu.
2. Phòng ngừa chứng đau nửa đầu kinh nguyệt
Phòng ngừa chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt bằng cách sử dụng các biện pháp tránh thai dưới các hình thức thuốc viên, miếng dán hoặc vòng âm đạo. Tuy nhiên, bạn cần thời gian thử nghiệm kết hợp các loại hormone hoặc thay đổi liều lượng đến khi tìm ra loại phù hợp. Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng các biện pháp tránh thai liên tục trong khoảng thời gian kéo dài để hạn chế nguy cơ cơn đau nửa đầu xảy ra.
Nếu bị đau nửa đầu kèm theo biểu hiện chóng mặt, bạn không nên sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố vì nó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngay cả khi không bị chóng mặt, bạn cũng sẽ không được kê đơn thuốc tránh thai nếu nằm trong diện đối tượng ở độ tuổi trên 35 kèm theo hút thuốc lá, huyết áp cao, cholesterol máu cao, thừa cân hoặc mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài mục đích điều trị, naproxen và triptans còn có tác dụng phòng chứng đau nửa đầu kinh nguyệt. Nếu không đáp ứng điều trị, bạn có thể bị đau nửa đầu 4 ngày mỗi tháng. Lúc này, bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc điều trị huyết áp (chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi) và thuốc chống trầm cảm, sử dụng với mức độ thường xuyên hơn để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau nửa đầu.
Nếu các phương pháp điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc ức chế CGRP. Bạn cũng có thể lựa chọn các biện pháp khác như bổ sung magiê, thậm chí là châm cứu. Tuy nhiên, bạn cần bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào vì chúng không được kiểm định như thuốc theo toa và có thể chứa các thành phần không an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, chứng đau nửa đầu còn có thể được ngăn ngừa bằng việc sử dụng 3 loại thiết bị gồm có:
- Cefaly có tác dụng ngăn ngừa chứng đau nửa đầu bằng cách gửi các xung điện qua trán để kích thích các dây thần kinh liên kết với cơn đau nửa đầu.
- SpringTMS là một nam châm nhỏ được đặt ở phía sau đầu khi xảy ra cơn đau nửa đầu. Sau đó, dưới tác động của các xung điện sẽ làm giảm cơn đau nửa đầu.
- GammaCore là một thiết bị cầm tay được đặt ở phía bên cổ nhằm kích thích điện nhẹ đến dây thần kinh phế vị để chấm dứt chứng đau nửa đầu.
3. Đau nửa đầu trong thai kỳ
Các cơn đau nửa đầu do thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ thường biến mất trong thời kỳ mang thai. Bạn vẫn có thể bị đau đầu trong tam cá nguyệt đầu tiên và mất đi sau đó.
Bạn nên tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau nửa đầu trong thời kỳ mang thai. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen, bạn cần được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng.
4. Đau nửa đầu ở tuổi mãn kinh
Chứng đau nửa đầu ở phụ nữ thường được cải thiện hơn khi chấm dứt hoàn toàn kinh nguyệt, xảy ra khi bước vào thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ tuổi mãn kinh có sử dụng liệu pháp thay thế hormone cần lưu ý nếu có triệu chứng đau nửa đầu và cơn đau tăng dần theo thời gian thì cần báo bác sĩ để giảm liều lượng hoặc kê đơn dưới các hình thức khác, thậm chí là ngừng sử dụng liệu pháp hormone.
Nếu bạn đang sử dụng liệu pháp estrogen thì sử dụng dưới hình thức miếng dán estrogen sẽ giữ nồng hormone ổn định hơn, làm giảm mức độ trầm trọng của cơn đau nửa đầu.
Đau nửa đầu migraine là bệnh hay gặp phải, với chị em phụ nữ có thể xuất phát từ các nguyên nhân thay đổi nội tiết tố. Bệnh đau nửa đầu dễ chẩn đoán nhưng cũng dễ tái phát, do đó cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện nay quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực thần kinh - đột quỵ, sản phụ khoa cùng trang thiết bị hiện đại bao gồm phòng Cathlab, máy chụp DSA full option có đủ các chức năng cho can thiệp thần kinh, là nơi có thể triển khai nhiều kỹ thuật cao về can thiệp các bệnh lý thần kinh - đột quỵ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com
XEM THÊM