Chức năng của gan và các xét nghiệm đánh giá chức năng gan

Bài viết được viết bởi bác sĩ khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Chức năng sinh lý của gan

Gan đảm nhận các chức năng quan trọng, gồm: chuyển hóa, bài tiết và khử độc

1.1. Chức năng chuyển hóa

  • Chuyển hóa Glucid
  • Gan giữ vai trò điều hòa đường máu của cơ thể: Gan là kho dự trữ glucid của cơ thể dưới dạng glycogen. Nhờ hệ thống enzyme phong phú, gan tổng hợp glycogen từ các đường đơn (glucose, galactose, fructose, manose), từ các sản phẩm chuyển hóa trung gian (lactate, pyruvat, acetyl CoA,...). Khi nồng độ các chất này trong máu tăng thì gan sẽ được tổng hợp thành glycogen để dự trữ. Khi glucose máu có xu hướng giảm dưới mức bình thường, gan sẽ tăng cường phân hủy glycogen để tạo glucose đưa vào máu.
  • Cơ và một số cơ quan khác trong cơ thể cũng chứa glycogen nhưng không thể phân hủy để tạo thành glucose (vì chỉ ở gan mới có enzyme Glucose-6-phosphatase).
  • Gan còn tổng hợp heparin (chất đông máu tự nhiên có bản chất polysarcarid), chuyển hóa glucose thành acid glucuronic (thành phần cần thiết cho chức năng thải độc của gan.
  • Chuyển hóa Lipid
  • Tổng hợp lipid: Sau khi lipid được hấp thu ở ruột (dưới dạng các thành phần cấu tạo, như glycerol, acid béo/dạng những hạt nhũ tương rất nhỏ), thì chỉ một phần nhỏ được tái tổng hợp thành lipid ở ruột, còn hầu hết được vận chuyển về gan trước khi vận chuyển đến tổ chức khác. Ngoài tổng hợp các lipid trung tính và cholesterol, gan còn tổng hợp rất nhiều các phospholipid (là phân tử lipid có cực, giữ vai trò chính trong cấu tạo các lipoprotein huyết thanh.

Gan đảm nhận chức năng chuyển hóa, bài tiết và khử độc cho cơ thể
Gan đảm nhận chức năng chuyển hóa, bài tiết và khử độc cho cơ thể

  • Thoái hóa lipid xảy ra mạnh mẽ ở gan, tạo ra các mẩu acetyl CoA. Sau đó 1 phần acetyl CoA được “đốt cháy” tại gan cung cấp năng lượng cho gan hoạt động, 1 phần được gan sử dụng để tổng hợp cholesterol và acid mật, phần lớn được gan tiếp tục tổng hợp thành ceton và đưa vào máu đến các tổ chức khác. Tại các mô này, ceton được chuyển lại thành acetyl CoA để đốt cháy cung cấp năng lượng cho hoạt động của mô đó. Từ hoạt động này, gan đã oxy hóa acid béo “hộ” các tổ chức/cơ quan/mô khác của cơ thể.
  • Chuyển hóa protein
  • Gan tổng hợp toàn bộ albumin và một phần globulin huyết thanh, fibrinogen, ferritin, prothrombin và phần lớn các protein huyết tương khác. Khi chức năng gan bị suy, albumin máu giảm, tỉ số albumin/globulin (A/G) giảm và có các rối loạn đông máu.
  • Gan chứa nhiều enzym tham gia vào quá trình thoái hóa acid amin, đặc biệt là các transaminase (AST/GOT, ALT/GPT). Khi gan bị tổn thương các transaminase được giải phóng và tăng cao trong huyết thanh, khi hủy hoại tế bào ở mức sâu hơn làm thoát ra một số enzym chỉ phân bố ở ti thể (như GLDH).
  • Gan là nơi duy nhất tổng hợp ure từ NH3 (sản phẩm của quá trình thoái hóa acid amin) chức năng này hoạt động rất mạnh, ngay cả khi 3⁄4 mô của gan bị hủy hoại hoặc cắt bỏ thì chức năng tổng hợp ure của gan vẫn bình thường.
  • Gan tham gia vào quá trình thoái hóa hemoglobin, tạo ra bilirubin tự do (Bilirubin gián tiếp) và đặc biệt là tạo bilirubin liên hợp (bilirubin trực tiếp) –còn được gọi là sắc tố mật, tan trong nước và đào thải qua mật hoặc nước tiểu.

1.2. Chức năng bài tiết

Gan tạo và bài tiết các chất có nguồn gốc trong và ngoại bào vào đường mật và nước tiểu. Gan sản xuất khoảng 3 lít mật/ngày và bài tiết trung bình 1 lít/ngày ở người trưởng thành.

1.3. Chức năng khử độc

Các chất độc nội sinh (sản phẩm chuyển hóa các chất như H2O2, bilirubin tự do, NH3,..) hay ngoại sinh (được đưa từ ngoài vào cơ thể như rượu, thuốc kháng sinh, thuốc ngủ,..) đều được gan giữ lại, chuyển thành các chất không độc và đào thải ra ngoài theo 2 cách sau:

  • Cố định thải trừ: các chất độc khi đến gan, được giữ lại rồi đào thải nguyên dạng theo đường mật. Các chất độc được đào thải theo cách này gồm các muối kim loại nặng (muối Cu, Pb,...) và một số chất màu.
  • Cơ chế hóa học: là cách khử độc chính và quan trọng của gan. Chất độc được biến đổi thành chất không độc dễ tan trong nước để đào thải ra ngoài.

Gan chuyển các chất độc thành chất không độc và đào thải ra bên ngoài
Gan chuyển các chất độc thành chất không độc và đào thải ra bên ngoài

2. Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan

2.1. Xét nghiệm đánh giá tổn thương và hủy hoại tế bào gan

  • Đo hoạt độ các enzyme transaminase (AST/GOT, ALT/GPT):

AST/GOT phân bố rộng rãi trong các mô của cơ thể, có nhiều ở gan, tim và cơ xương. ALT/GPT phân bố chính ở gan, ít hơn ở thận và cơ xương. Trong viêm gan, hoặc các tổn thương khác như chấn thương, tắc mật, ung thư gan thì 2 men này đều tăng, mức độ tăng ở từng bệnh khác nhau.

  • Đo hoạt độ GGT (γ-glutamyltransferase): GGT là enzym gắn ở màng tế bào. Có nhiều ở gan, thận và tụy. Trong bệnh gan mật, GGT tăng cao trong tắc mật, tổn thương gan do nhiễm độc bởi các nguyên nhân khác nhau (như nhiễm độc rượu, CCl4, halothan...). Trong một số trường hợp bệnh gan mật nhưng không có vàng da, sự tăng hoạt độ GGT và enzym ALP là dấu hiệu nhận diện có bệnh lý gan.
  • Đo hoạt độ LDH (Lactat dehydrogenase): LDH có mặt ở bào tương của tất cả các tế bào của hầu hết các mô trong cơ thể, sự tăng hoạt độ LDH có giá trị báo cáo có tổn thương của mô nào đó trong cơ thể. Khi LDH tăng cao, xét nghiệm sâu hơn phân tích các isozym sẽ chỉ ra nguồn gốc của LDH, ví dụ trong bệnh lý gan (như ung thư gan) thì sẽ thấy LDH5 tăng cao.
  • Đo hoạt độ GLDH (Glutamat dehydrogenase): GLDH có trong ty thể tế bào gan. Khi mức độ tổn thương gan nặng và sâu GLDH sẽ tăng cao trong huyết tương.
  • Đo hoạt độ 5’ Nucleotidase (5NT): 5’NT có mặt ở hầu hết các tế bào các mô, nhưng không có ở xương, do vậy giúp xác định tình trạng tăng ALP là do gan hay do xương hoặc do các trạng thái sinh lý như trẻ em đang tuổi tăng trưởng hoặc phụ nữ có thai. Trong bệnh lý xương, ALP tăng nhưng 5’NT không tăng.

2.2. Xét nghiệm đánh giá tình trạng tắc mật

  • Đo hoạt độ ALP (Alkaline phosphate) hay Phosphatase kiềm: ALP nguồn gốc chủ yếu ở xương (tạo cốt bào), một phần nhỏ ở microsom gan, nhau thai.

Trong bệnh lý gan mật: ALP tăng nhẹ đến trung bình ở người bị viêm gan, xơ gan; tăng mạnh khi tắc mật do nguyên nhân ngoài gan (tắc mật do sỏi đường mật, xơ đường mật nguyên phát); luôn tăng trong bệnh gan di căn.


Đo hoạt độ ALP để phát hiện và đánh giá tình trạng tắc mật
Đo hoạt độ ALP để phát hiện và đánh giá tình trạng tắc mật

  • Định lượng Bilirubin (sau đây viết tắt là Bil, bao gồm Bil toàn phần, Bil tự do/ Bil gián tiếp, Bil trực tiếp/ BIL liên hợp).

+ Khi nồng độ Bil toàn phần tăng, thì việc xác định cụ thể là tăng Bil gián tiếp hay tăng Bil trực tiếp rất hữu ích cho việc phân lọai sự tăng Bil huyết tương:

Tăng Bil trực tiếp: khi >50% lượng Bil huyết tương (Bil TP) là Bil trực tiếp,

Tăng Bil gián tiếp: khi >80% lượng Bil huyết tương (Bil TP) là Bil gián tiếp,

+ Tăng Bil thường gặp trong bệnh lý gan mật do viêm gan hoặc tắc mật, hoặc bệnh lý ngoài gan mật như bệnh gây tan máu (tan hồng cầu)

  • Xét nghiệm Urobilinogen trong phân và nước tiểu: Urobilinogen không màu, là sản phẩm chuyển hóa của bilirubin ở trong lòng ruột. Bình thường khoảng 90% urobilinogen chuyển hóa thành stercobilinogen, stercobilin và đào thải qua phân (sắc tố của phân), phần còn lại được tái hấp thu về gan qua tĩnh mạch cửa và đào thải qua thận.

Urobilinogen tăng trong nước tiểu trong bệnh tan máu, viêm gan,

Trong tắc mật: tắc mật hoàn toàn không có urobilinogen trong phân và nưóc tiểu.

+ Vàng da tan máu (Vàng da nguyên nhân trước gan - tăng bilirubin gián tiếp trong máu): không có bilirubin trong nước tiểu (do Bil gián tiếp không tan trong nước , không được lọc qua thận).

+ Các trường hợp bệnh lý gan-mật gây tăng Bil trực tiếp thì có Bil trong nước tiểu.

2.3. Xét nghiệm đánh giá chức năng tổng hợp

  • Định lượng Albumin máu: Gan tổng hợp toàn bộ albumin trong huyết thanh. Tuy nhiên, trạng thái dinh dưỡng có tầm quan trọng, vì nguyên liệu để gan tổng albumin là các acid amin được cung cấp chủ yếu từ nguồn thức ăn vào cơ thể, đặc biệt là tryptophan. Một số bệnh lý gây thất thoát albumin cũng làm ảnh hưởng đến nồng độ albumin (ví dụ: tổn thương cầu thận làm thất thoát albumin ra nước tiểu, bỏng gây mất albumin, ...).

Định lượng albumin trong huyết thanh để đánh giá chức năng tổng hợp của gan
Định lượng albumin trong huyết thanh để đánh giá chức năng tổng hợp của gan

Trong suy giảm chức năng gan, nồng độ albumin huyết thanh sẽ giảm và sự giảm nồng độ albumin sẽ không biểu hiện rõ rệt ngay (do nửa đời sống/thời gian bán hủy của albumin là 20 ngày), giảm nồng độ albumin do suy chức năng gan thường được phát hiện sau khi bệnh khởi phát khoảng 30 ngày. Như vậy, định lượng albumin huyết thanh có ý nghĩa đánh giá bệnh gan mạn tính hơn là tình trạng cấp tính, điều này cần được lưu ý khi đánh giá kết quả xét nghiệm.

  • Định lượng Protein toàn phần: Gan là nguồn cung cấp chính của hầu hết protein huyết thanh (albumin, fibrinogen và các yếu tố đông máu khác, hầu hết các globulin alpha và beta). Trong suy gan, nồng độ protein toàn phần giảm, tỉ số A/G giảm.
  • Đo hoạt độ Cholinesterase giảm khi suy gan.
  • Định lượng các yếu tố đông máu fibrinogen, prothrombin giảm trong suy gan
  • Định lượng Amoniac (NH3): tăng khi gan suy giảm chức năng trầm trọng, bệnh nhân có thể ở tình trạng tiền hôn mê/hôn mê gan.

2.4. Xét nghiệm đánh giá chức năng thải độc

  • Nghiệm pháp bài tiết BSP (Bromosulfophtalein)

Cơ sở của nghiệm pháp dựa vào việc gan có chức năng bắt giữ chất màu trong huyết tương và thải vào mật: khi tiêm vào cơ thể 1 lượng chất màu BSP nhất định, sau một thời gian lượng BSP sẽ giảm dần trong máu. Khi chức năng gan suy giảm, thì khả năng bắt giữ chất màu để thải trừ giảm.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai gói sàng lọc gan mật bao gồm đầy đủ tất cả các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, mang đến sự yên tâm và kết quả chính xác cho quý khách hàng. Khi có những dấu hiệu rối loạn gan hoặc có tiền sử bệnh lý gan mật hoặc ngay cả khi không hề có triệu chứng nào thì việc chủ động xét nghiệm chức năng gan là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe