Chữa tắc vòi trứng: Tổng hợp các phương pháp điều trị

Chữa tắc vòi trứng đã và đang trở thành một vấn đề của nhiều chị em phụ nữ. Điều này càng trở nên cấp thiết cho các chị em trong độ tuổi sinh sản khi tình trạng tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh. Hãy cùng Vinmec tìm hiểu về căn bệnh này cũng như các cách chữa bệnh phổ biến nhất nhé.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ Lâm sàng - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Tổng quan về tình trạng tắc vòi trứng

Vòi trứng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống các cơ quan sinh sản. Vòi trứng đóng vai trò như một con đường nối để tinh trùng gặp trứng và thụ tinh. Sau khi trứng thụ tinh thành công, vòi trứng lại là con đường để đưa hợp tử về buồng tử cung, bắt đầu quá trình mang thai ở người phụ nữ.

Tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị tắc, hẹp, dẫn đến tình trạng tinh trùng và trứng không gặp được nhau để thụ tinh. Theo thống kê, có tới gần 30% phụ nữ bị vô sinh do tắc vòi trứng. 

Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến nhất ở phụ nữ
Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến nhất ở phụ nữ

Chính vì thế, chữa tắc vòi trứng là một vấn đề rất cấp thiết của nhiều chị em. Tuy nhiên, tắc vòi trứng không có triệu chứng đặc trưng. Vì vậy, nhiều chị em dễ bỏ qua hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác.  

2. Nguyên nhân gây tắc vòi trứng

Nhìn chung, tắc vòi trứng xảy ra do các bệnh phụ khoa khác ảnh hưởng. Có thể kể đến các bệnh sau đây:

2.1 Lạc nội mạc tử cung

Đây là tình trạng mà tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, có thể gây dính, gây co kéo và có thể gây hẹp, tắc vòi trứng.  

2.2 Viêm vùng chậu

Theo thống kê, có hơn 10% phụ nữ mắc viêm vùng chậu gặp khó khăn trong việc thụ thai. Khi mắc viêm vùng chậu, cả trong và ngoài ống dẫn trứng có thể hình thành các mô sẹo. Không những thế, bệnh còn gây ứ dịch bên trong buồng trứng, từ đó tạo thành vật cản, cản trở quá trình di chuyển trứng được thụ tinh đến buồng tử cung.

2.3 STDs

Một số bệnh lây qua đường tình dục (STDs) như lậu hoặc chlamydia có thể gây vô sinh. Nếu không điều trị, bệnh sẽ gây ra các mô sẹo ở khu vực vòi trứng và gây tắc vòi trứng. Từ đó, quá trình chữa tắc vòi trứng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Một số bệnh lây qua đường tình dục có thể khiến chị em mắc bệnh, qua đó chữa tắc vòi trứng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết
Một số bệnh lây qua đường tình dục có thể khiến chị em mắc bệnh, qua đó chữa tắc vòi trứng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết

2.4 Mang thai ngoài tử cung

Đối với những phụ nữ mang thai ngoài tử cung, trong một số trường hợp các bác sỹ có thể điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật lấy khối chửa ngoài, bảo tồn vòi trứng, tuy nhiên vị trí khối chửa có thể hình thành sẹo, gây tắc vòi trứng sau này.  

Ngoài các nguyên nhân chính vừa được nêu ra, tắc vòi trứng còn do nhiều nguyên nhân khác,  như u xơ tử cung, phẫu thuật ổ bụng hoặc ống dẫn trứng,... Để hạn chế các tình trạng này, chị em nên có một đời sống tình dục lành mạnh và an toàn để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.

3. Phương pháp chẩn đoán

Trước khi chữa tắc vòi trứng, bệnh nhân sẽ cần được chẩn đoán bởi các bác sĩ. Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh, tuy nhiên, có 3 phương pháp phổ biến nhất:

  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất được sử dụng. Để thực hiện, một chất cản quang sẽ được đưa vào tử cung qua đường âm đạo. Chất lỏng này sẽ giúp bác sĩ quan sát ống dẫn trứng rõ hơn khi chụp X-quang.
  • Siêu âm tử cung - ống dẫn trứng sử dụng chất tương phản tạo bọt (hyfosy): Một chất tương phản dạng bọt được đưa vào buồng tử cung - vòi trứng qua đường âm đạo bằng một catheter nhỏ, các bác sỹ sẽ quan sát trên siêu âm đường đi của bọt để xem độ thông của vòi trứng.
  • Nội soi: Một ống nội soi đặc biệt được đưa vào cơ thể thông qua một vết mổ nhỏ. Các bác sĩ sẽ xem xét liệu bệnh nhân có bị tắc vòi trứng không. Phương pháp này cũng có thể phát hiện các vấn đề khác ảnh hưởng tới sinh sản. Tuy nhiên, phương pháp này không được ưu tiên đầu tay vì đây là can thiệp xâm lấn.

4. Chữa tắc vòi trứng như thế nào?

Tuỳ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đề xuất các cách chữa tắc vòi trứng khác nhau.  

Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể đề xuất các cách điều trị khác nhau
Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể đề xuất các cách điều trị khác nhau
  • Phẫu thuật mở thông, tạo hình vòi tử cung: Trong các trường hợp tắc vòi trứng tạo thành túi bịt, các bác sỹ có thể phẫu thuật nội soi ổ bụng, gỡ dính, tái tạo lại loa vòi, phục hồi sự lưu thông của vòi trứng, bệnh nhân có thể có thai tự nhiên trở lại.
  • Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng: Vòi trứng bị tắc, ứ dịch quá nặng sẽ được cắt bỏ hoàn toàn. Sau khi cắt ống dẫn trứng, phụ nữ sẽ không còn khả năng thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn hoàn toàn có thể có thai với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).  
  • Phẫu thuật cắt nối ống dẫn trứng: Đoạn vòi trứng bị tắc sẽ được cắt bỏ khi phẫu thuật. Sau đó, các bác sĩ sẽ nối hai đầu ống dẫn trứng còn lại với nhau. Khi phẫu thuật thành công, chị em vẫn có thể mang thai bình thường.

Nội dung trên là những phương pháp chữa tắc vòi trứng mà Vinmec cung cấp cho chị em. Để phòng tránh tình trạng này, các chị em cần có một đời sống tình dục an toàn và thường xuyên tầm soát sức khỏe định kỳ. Việc khám định kỳ sẽ phát hiện bệnh sớm, qua đó điều trị sẽ dễ dàng hơn. Khi điều trị, người bệnh cũng cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe